Hà Nội quá tải trạm y tế cơ sở: Đâu là giải pháp?
VHO- Với số bệnh nhân F0 ngày càng tăng cao tại Hà Nội, khiến nhiều trạm y tế xã, phường của Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải, người dân chen chúc làm thủ tục. Cần có giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?
Người dân chờ lấy giấy xác nhận khỏi bệnh
Những chiến binh y tế cơ sở
Có mặt tại trạm Y tế phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vào ngày đầu tuần, chúng tôi chứng kiến rất nhiều người dân đến làm thủ tục liên quan đến Covid-19, trong khi vẫn còn gần 20 người đang xếp hàng chờ đợi để lấy giấy xác nhận khỏi bệnh. Qua lớp cửa kính, tiếng loa gọi tên, tiếng giải thích thắc mắc cho người dân của nhân viên y tế vẫn vang lên, kèm theo là một số giọng nói gay gắt của người dân hết kiên nhẫn… Phía bên trong, nhân viên y tế tất bật với hàng đống giấy tờ, ở góc bên kia, người mải mê tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân qua điện thoại chẳng màng đến sự có mặt của người lạ.
Trao đổi với chúng tôi, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Mai Động, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng - người duy nhất của Trạm chưa dương tính cho biết, thông thường, vào buổi sáng, Trạm Y tế phường sẽ thực hiện trả giấy xác nhận hoàn thành điều trị F0; buổi chiều thực hiện lấy mẫu cho các trường hợp nguy cơ. Trước đây, các bệnh nhân đến phường để làm xét nghiệm, mỗi chiều khoảng 200 bệnh nhân mới, xếp hàng ra tận ngoài đường. Nhưng nhờ áp dụng công nghệ vào quá trình xử lý, Trạm Y tế phường đã hướng dẫn người dân tự lấy mẫu, quay clip tại nhà và gửi kết quả qua Zalo để giảm tải một phần nào đó áp lực.
Là địa bàn có đông dân cư với khoảng 50.000 người, phường Mai Động liên tục ghi nhận các ca nhiễm tăng cao trong những ngày qua, mỗi ngày phường có thêm 200-300 bệnh nhân Covid-19 (F0) mới, chưa kể 1.500 F0 cũ đang điều trị. “Mỗi ngày có thêm gần 300 bệnh nhân mới và cũng chừng đó bệnh nhân khỏi bệnh, các anh chị em nhân viên y tế của trạm phải làm các thủ tục nhập liệu, cấp giấy khỏi bệnh, trả quyết định cách ly và hoàn thành cách ly từ UBND phường với 500 - 600 người/ngày đã là căng thẳng. Ngoài ra, chúng tôi còn phải làm các công việc khác là lấy mẫu, hỗ trợ điều trị F0, cấp phát thuốc, tư vấn, hướng dẫn các quy trình về sử dụng thuốc, theo dõi diễn biến bệnh và kịp thời sơ cứu các trường hợp nặng, tiêm chủng mở rộng… Mà việc gì cũng cần phải làm ngay nên áp lực công việc là quá lớn”, bác sĩ Hằng chia sẻ.
Trạm y tế phường Mai Động có 8 nhân viên thì 7 người đã bị F0, được hỗ trợ 4 đoàn viên thanh niên thì 2 người F0 nốt, chỉ còn 2 người hỗ trợ. Số lượng bệnh nhân đông, khối lượng công việc lớn, lại trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” thế nên nhiều chị em trong Trạm cũng phải khắc phục, F0 có biểu hiện nhẹ vẫn phải đến làm việc ở tầng trên, còn chị nào đã có kết quả âm tính thì làm việc với bệnh nhân qua lớp cửa kính.
Đã cuối giờ nhưng anh Dương Quý Quyền (đường Tam Trinh, phường Mai Động) vẫn cố nán chờ để lấy giấy chứng nhận khỏi bệnh để đi làm và nộp hồ sơ hưởng BHXH. Anh cho biết, đây là lần thứ 2 nên có muộn cũng phải chờ. “Trong khi y tế phường quá tải mà nhiều cơ quan hiện tại vẫn đòi hỏi cần nhiều thủ tục giấy tờ để chứng minh đủ điều kiện đi làm, đi học trở lại. Mong rằng các cơ quan ban, ngành cũng giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân”, anh Quyền cho hay.
Suốt mấy tháng qua, nhân viên y tế phường Mai Động làm việc từ 8-23h đêm
Bộc lộ nhiều bất cập
Không chỉ phường Mai Động trong tình trạng quá tải mà phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cũng trong tình trạng tương tự với số dân cư 90.000 người. Hay trạm y tế phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) đã thông báo hoãn tiêm phòng vắc xin vì nhân viên y tế dương tính... Do áp lực về số người mắc tăng cao, hiện nay, một số phường trong TP đã có những biện pháp khác nhau để giảm tải cho y tế phường như công nhận kết quả test nhanh của người dân tự làm dưới sự giám sát của nhân viên y tế hoặc từ dịch vụ bên ngoài để làm các thủ tục liên quan. Tại phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của phường đã ra thông báo khuyến khích người dân bị nhiễm nếu có điều kiện, có thể test nhanh tại các cơ sở y tế được cấp phép để khẳng định kết quả để trạm y tế phường có căn cứ ban hành giấy xác nhận khỏi bệnh nhanh chóng.
Trước thực trạng này, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội mới đây, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các địa phương đã tổ chức xét nghiệm cũng như công nhận kết quả xét nghiệm nhanh Covid-19 của người dân, qua đó góp phần giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở. Các thủ tục liên quan đến giải quyết thủ tục BHXH cho F0 điều trị tại nhà, cũng được thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng cần thể hiện vai trò của lãnh đạo cơ sở khi yêu cầu phải vào cuộc linh hoạt, hiệu quả nhất theo thực tiễn địa phương; chủ động điều tiết từ phường này sang phường khác, xã này sang xã khác…
Thực tế cho thấy, dịch đã kéo dài hơn 2 năm qua, Bộ Y tế đã có chính sách để công nhận xét nghiệm test nhanh của người dân, nhưng dường như Hà Nội vẫn lúng túng, các xã phường thực hiện không đồng bộ. Việc công nhận kết quả xét nghiệm, cùng với điều trị bệnh nhân F0 nhẹ tại nhà đã giảm khá nhiều gánh nặng cho y tế địa phương, nhưng tình trạng xếp hàng, tụ tập đông người vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Hiện nay, Hà Nội đã có hệ thống theo dõi và cập nhật F0 trên toàn TP, tuy nhiên, vẫn chưa có hệ thống để F0 mới phát sinh khai báo một cách đồng bộ, khiến nhiều khâu bị chậm trễ.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội, GS Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc để quá tải y tế cơ sở kéo dài khiến cho người ta liên tưởng đến công tác phòng, chống dịch của TP có nhiều bất cập. Người dân gọi điện đến không được trả lời, nếu được trả lời thì tư vấn qua quýt... Khó có thể trách được những nhân viên y tế xã phường vì không phải họ lười, thiếu trách nhiệm mà họ còn hàng chục, hàng trăm cuộc gọi khác đang chờ trả lời. “Bên cạnh đó, việc tính nhất quán giữa các địa phương còn thiếu, nơi thế này, nơi lại thế khác, nhiều nơi còn bắt ra trạm y tế xét nghiệm trực tiếp, tụ tập đông người, chờ đợi mệt mỏi gây phiền hà cho người dân. Điều này, Sở Y tế cần phải nhìn thấy và có giải pháp kịp thời và chỉ cần điều chỉnh một chút, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thì mọi việc sẽ trơn tru”, GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, người dân đã biết thực hiện ứng dụng PC-Covid, thì trong thời đại 4.0 này phải tích cực áp dụng công nghệ thông tin, kết nối với người dân. Việc để người dân xếp hàng chờ đợi làm thủ tục hành chính thì trách nhiệm thuộc về chính quyền Hà Nội. Sở Y tế, Sở TT&TT, chuyên gia công nghệ thông tin cần phải họp lại và đưa ra giải pháp kịp thời. Ứng dụng công nghệ cần được khai thác triệt để mới tạm thời giải quyết được khó khăn cho y tế xã, phường.
Theo dự báo của các chuyên gia, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tăng lên tới đỉnh dịch trong vòng 1-1,5 tháng nữa thì y tế cơ sở sẽ còn tiếp tục phải chịu áp lực. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân thực hiện 5K, cập nhật các kiến thức, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế, Hà Nội cần có ngay các giải pháp công nghệ và hướng dẫn thực hiện đồng bộ để giảm tải cho nhân viên y tế tại các địa phương, tránh gây phiền hà cho người dân.
Việc để quá tải y tế cơ sở kéo dài khiến cho người ta liên tưởng đến công tác phòng, chống dịch của TP có nhiều bất cập. Người dân gọi điện đến không được trả lời, nếu được trả lời thì tư vấn qua quýt... Khó có thể trách được những nhân viên y tế xã phường vì không phải họ lười, thiếu trách nhiệm mà họ còn hàng chục, hàng trăm cuộc gọi khác đang chờ trả lời. Bên cạnh đó, việc tính nhất quán giữa các địa phương còn thiếu, nơi thế này, nơi lại thế khác, nhiều nơi còn bắt ra trạm y tế xét nghiệm trực tiếp, tụ tập đông người, chờ đợi mệt mỏi gây phiền hà cho người dân. (Đại biểu Quốc hội NGUYỄN ANH TRÍ) |
Q.HOA- B.HẠNH