Hà Nội: Kiểm soát chặt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn tại khu công nghiệp
VHO - Thời gian qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn và các đơn vị cung cấp suất ăn cho công nhân.
Kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 120 bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp thực phẩm
Thực hiện Kế hoạch số 336/KH-UBND về công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội năm 2023; Kế hoạch 48/QĐ-CCATVSTP của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm đã đi kiểm tra tại bếp ăn tập thể tại 4 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp trên địa bàn.
Kiểm tra công tác lưu mẫu tại bếp ăn tập thể của Công ty Panasonic Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh)
Báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội về kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với bếp ăn tập thể một số khu công nghiệp và chế xuất, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, tổng số 96 bếp ăn tập thể, trong đó có 60 bếp tại khu công nghiệp, 30 bếp tại cụm công nghiệp; và 30 cơ sở cung cấp thực phẩm được kiểm tra truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Có 710 cơ sở cung cấp nguyên liệu chế biến cho bếp ăn tập thể. Trong đó có 27 cơ sở (chiếm tỷ lệ 3,8%) là nhà cung cấp ngoài thành phố chủ yếu tập trung vào các tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Mộc Châu, Sơn La là nhóm chính cung cấp rau và thịt; còn Quảng Ninh, Nghệ An... là nhóm cung cấp các thuỷ hải sản.
Theo kết quả kiểm tra giám sát, về hồ sơ pháp lý thủ tục, 100% cơ sở tại 4 khu công nghiệp đã xuất trình đầy đủ giấy tờ; 52/60 bếp ăn tập thể xuất trình sổ kiểm thực 3 bước chỉ còn 8 bếp chưa đúng quy định.
Về lưu mẫu thức ăn, 58/60 cơ sở lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Còn lại 2/60 cơ sở không đúng quy định, không niêm phong mẫu, lượng mẫu lưu chưa đủ theo quy định. Các cơ sở đều bố trí khu vực chế biến riêng biệt, cách xa nguồn ô nhiễm, phân khu riêng biệt giữa thực phẩm sống và chín, phù hợp với công năng phục vụ đạt tỷ lệ 85,5% (51/60 cơ sở). Một số bếp tường, nền bong tróc, vỡ, ẩm mốc 9/60 cơ sở (tỷ lệ 15%).
Về hệ thống cống trong khu vực chế biến, có 56/60 cơ sở đảm bảo theo quy định (93,3%), còn lại 4/60 cơ sở chưa đảm bảo (cống hở, vệ sinh chưa sạch sẽ, tỷ lệ 6,7%); trang bị hệ thống lưới chăn côn trùng: 57/60 cơ sở đạt (tỷ lệ 95%), 3/60 cơ sở không đạt (tỷ lệ 5%). Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu xét nghiệm nhanh 474/548 mẫu (tỷ lệ đạt 86,5%); lấy mẫu xét nghiệm tại Labo kết quả 110 mẫu, trong đó 107 mẫu đạt (97,3%), 3 mẫu không đạt (2,7%).
Tổng số cơ sở kiểm tra truy xuất nguồn gốc là 29 nhà cung cấp, trong đó truy xuất rau củ quả có 17 cơ sở; giò chả có 3 cơ sở; bún và bánh phở có 2 cơ sở; đậu phụ: 3 cơ sở; thịt lợn và gia súc gia cầm: 4 cơ sở. Đa số các cơ sở cung cấp có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm, thực phẩm.
Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị cung cấp thực phẩm (rau, củ, quả, bún và bánh phở) chưa chứng minh được nguồn gốc đến tận vùng trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt. Nguồn gốc chỉ thể hiện được trên hóa đơn, chứng từ. Giấy tờ giao nhận hàng hóa chưa đầy đủ thông tin người giao người nhận, thiếu phiếu giao nhận/sổ giao nhận với người dân hoặc cơ sở trồng trọt trực tiếp.
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm
Hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội có 76.807 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố thuộc lĩnh vực 3 ngành quản lý Y tế, Nông nghiệp, Công thương.
Đoàn kiểm tra xét nghiệm nhanh tinh bột trên khay ăn
Trong đó, ngành Y tế quản lý 41.632 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, trong đó bếp ăn tập thể 5.159 bếp (bếp ăn tập thể khu công nghiệp 309 bếp nằm tại 9 khu công nghiệp và chế xuất; còn lại bếp ăn tập thể trường học, cơ quan, xí nghiệp 4.850 bếp). Qua công tác kiểm tra, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được nâng cao hơn.
Trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đánh giá: Được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự phối kết hợp chặt chẽ các ngành trên địa bàn thành phố, đặc biệt giữa ngành Y tế và ban quản lý các khu công nghiệp và chế suất, cụm công nghiệp đã chỉ đạo sát sao, trọng tâm, trọng điểm trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nên công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể đã chủ động thực hiện nghiêm túc và hệ thống.
Cũng theo ông Vũ Cao Cương, một số công ty còn chưa thực hiện thường xuyên công tác truy xuất nguồn gốc định kỳ và đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm cung cấp nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm cho bếp ăn tập thể. Một số cơ sở vệ sinh trang thiết bị và dụng cụ ăn uống còn chưa đảm bảo sạch sẽ, cơ sở vật chất bắt đầu xuống cấp nhưng chưa được bổ sung sửa chữa kịp thời.
“Thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện và Ban Quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở, lãnh đạo quản lý và người tham gia chế biến thực phẩm. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.
VIỆT THANH