Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Xin người dân tha thứ…
VHO- Dự báo đỉnh dịch Covid-19 tại TP Hà Nội sẽ diễn ra trong vòng 1 – 1,5 tháng nữa, tuy nhiên với số lượng hơn 10.000 bệnh nhân tăng mỗi ngày, đã khiến quá tải tại một số trạm y tế xã, phường, gây bức xúc cho người dân. Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với ĐBQH, GS.TS Nguyễn Anh Trí về vấn đề này.
PV: Hiện nay, nhiều trạm y tế xã phường trên địa bàn TP Hà Nội đang trong tình trạng quá tải. Theo Giáo sư chỉ riêng Hà Nội hay là tình trạng chung của cả nước?
- GS.TS Nguyễn Anh Trí: Phải khẳng định chắc chắn rằng, không chỉ TP Hà Nội mà y tế cơ sở nói chung của cả nước đang rất quá tải, mà nói chính xác hơn là đang kiệt quệ. Cách đây vài hôm, tại cuộc họp với tổ chuyên gia do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì với sự có mặt của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tôi đã phát biểu vấn đề này.
Giáo sư Nguyễn Anh Trí chia sẻ với nhân viên y tế về công việc vất vả
Nguyên nhân vì số người nhiễm SARS-CoV-2 vẫn bùng phát dữ dội, số bệnh nhân F0 tăng lên rất nhiều, gấp hàng trăm, có địa phương gấp 1 ngàn lần, so với trước. Ví dụ trước đây TP Hà Nội chỉ khoảng 100 người là kinh khủng thì hiện nay đã số bệnh nhân được quản lý là hơn 10.000 người và gần nhất ngày 1.3 là hơn 13.000 người, đó là chưa tính đến khá nhiều bệnh nhân không khai báo hoặc chưa kịp khai báo.
Trong khi đó, đội ngũ cán bộ y tế đã trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19, toàn làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, môi trường lây nhiễm, gấp 200% công suất, tốc độ nhanh, thời dan làm việc dài. Đến nay, một loạt cán bộ y tế nhiễm virus, thành bệnh nhân F0, nhiều người thành F1 nên lực lượng y tế mỏng đi rất nhiều. Tình trạng này xảy ra cả ở cơ sở y tế công lập và tư nhân, ít nhất khoảng 10 -20%, có cơ sở 30 –40%, thậm chí có nơi tới 60-70%. Những người còn lại đã phải làm việc gánh cho những người khác.
PV: Và hệ quả là người bệnh đang phải chịu thiệt thòi?
- GS.TS Nguyễn Anh Trí: Tôi nói ví dụ như ở TP Hà Nội, việc tập trung đông người ở trạm y tế, việc người dân phàn nàn không được quan tâm… khiến người ta nghĩ đến công tác phòng chống dịch của TP trở nên bất cập. Mặc dù Bộ Y tế đã có đủ phác đồ điều trị cho người bệnh F0, từ nặng đến nhẹ nhưng người thực thi những phác đồ ấy lại không có, không thể hướng dẫn người dân điều trị tại nhà một cách đầy đủ…
Về điều này, tôi cho rằng, nhân dân đặc biệt là những bệnh nhân Covid-19 hết sức tha thứ cho cán bộ y tế vì họ không lười, không thiếu trách nhiệm nhưng sức không tải nổi. Người dân thường phản ánh không gọi được cán bộ y tế, hoặc gọi đến thì tư vấn qua quýt nhưng không biết rằng, có bệnh nhân níu kéo trao đổi 3 phút – 5 phút… trong khi hàng chục, hàng trăm cú điện thoại khác vẫn đang đổ về.
Đông người đến làm các thủ tục tại Trạm y tế phường Mai Động (quận Hoàng Mai, Hà Nội)
PV: Ông có cho rằng, qua đại dịch đã lộ rõ bất cập ở hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng của chúng ta đang yếu, thiếu hay không không được quan tâm đúng mức?
- GS.TS Nguyễn Anh Trí: Từ nhiều năm nay, Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội, UBND TP đến sự vận hành của Sở Y tế đều khẳng định cần đầu tư gấp, nhiều cho y học dự phòng. Nói công bằng là có sự đầu tư này, nhưng để hiện thực hóa toàn bộ nội dung Nghị quyết thì rất khó. Nghị quyết đề ra là phải đầu tư nhưng đầu tư bao nhiêu, từ nguồn nào thì chưa rõ, nhất là trong hoàn cảnh chống dịch như thế này, giá trị kinh tế lớn nên không dễ gì có đủ nguồn tiền để nâng cấp hệ thống y tế cơ sở.
Tôi lấy ví dụ, một trạm y tế cơ sở tại Hà Nội hiện nay có khoảng 10 người làm việc, lo cho khoảng 10 nghìn người dân, lo cho hết từ các việc truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm, phát thuốc, tiêm chủng, trả kết quả, cấp giấy…; đó là chưa tính những phường có 50 nghìn – 90 nghìn dân. Nếu chỉ cần thêm 2 người cho mỗi cơ sở thì lấy đâu nhân lực khoảng 1.000 người cho hơn 500 xã phường của Hà Nội?
Lại nói đến vấn đề lương, nhiều người được trả lương cao cũng không nhận làm. Chắc hẳn mọi người còn nhớ, cách đây khoảng 2 tháng, khi dịch ở TP HCM đã bắt đầu được tạm lắng, thì hàng nghìn cán bộ y tế xin thôi việc, họ không chỉ là kỹ thuật viên, điều dưỡng, mà còn có cả bác sĩ đã làm 20 năm, có người còn giữ chức vụ lãnh đạo, hoặc phụ trách lĩnh vực gì đó. Điều đó cho thấy áp lực công việc, cùng với áp lực của xã hội, kỳ thị đã khiến họ bỏ nghề.
Phải khẳng định là không dễ gì ngày 1 ngày 2 mà đầu tư được đủ tài, lực lấp khoảng trống thiếu hụt cho y tế cơ sở. Để đầu tư như chúng ta mong muốn không phải bổ sung 2 người mà phải đầu tư 10 – 15 người, mà để thực thi thì rất khó và còn lâu lắm. Tôi lấy ví dụ Bệnh viện tư nhân Medlatec, trước mùa dịch, tổng số nhân viên y tế là 900 người, nhưng hiện nay là 2.000 người và tuyển người liên tục, tiền công đã tăng gấp đôi so với thời kỳ năm 2019 trở về trước, kèm theo đó là những ưu đãi xét nghiệm, cam kết xét nghiệm miễn phí cho cả nhà nếu nhân viên nhiễm virus… nhưng việc tuyển cũng rất khó khăn.
Những thông báo hướng dẫn người dân tại một trạm y tế
PV: Việc quá tải là điều không mong muốn, nhưng thách thức cho TP Hà Nội là đỉnh dịch đang tới gần. Theo xin Giáo sư cho biết, TP Hà Nội cần làm gì để khắc phục tình trạng quá tải này?
- GS.TS Nguyễn Anh Trí: Về điều này Sở Y tế cần phải lường trước, nhìn thấy trước và có biện pháp. Với tư cách người làm chuyên môn và tham gia với người làm công tác chống dịch, tôi thấy chúng ta vẫn đang trong tầm kiểm soát và mọi việc có thể khắc phục nếu chúng ta điều chỉnh một số việc. Thứ nhất phải khẳng định dịch đang tăng và chưa qua đỉnh, có thể sau 1 - 1,5 tháng nữa. Do đó, TP Hà Nội, Sở Y tế và các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng.
Tôi nhận thấy, một số trạm y tế đã áp dụng công nghệ, để người dân quay clip test nhanh và có sự theo dõi của nhân viên y tế cũng được công nhận, hoặc chấp nhận kết quả test nhanh tại các cơ sở y tế được Sở Y tế cấp phép. Đây là đây là định hướng đúng và là giải pháp tốt nhất bây giờ để hỗ trợ bệnh nhân. Tuy nhiên, vẫn bị vướng ở tính nhất quán, chỗ thực hiện thế này, chỗ thực hiện thế kia, có nơi bắt người dân phải đến tận nơi xét nghiệm, khai báo, gây tình trạng tụ tập đông người…
Ngoài ra, người dân cũng không nên phó thác toàn bộ tính mạng của mình cho y tế cơ sở sở mà không biết rằng họ cũng bề bộn công việc. Mọi người phải trang bị kiến thức phòng dịch của mình, điều trị tại nhà như thế nào, các dấu hiệu chuyển bệnh, thực hiện 5 K không để lây cho người khác, theo dõi khuyến cáo của bộ Y tế; sử dụng smartphone thành thục, các kỹ năng quay phim, chụp ảnh, mạng internet, nếu người già không làm được thì cần trợ giúp của con cháu.
PV: Xin cám ơn ông!
QUỲNH HOA (thực hiện)