Điều trị bệnh đồng nhiễm cho người nhiễm HIV

VHO- Theo kết quả giám sát được Bộ Y tế thực hiện năm 2018 thì tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính ở người nhiễm HIV tại Việt Nam vào khoảng 30% (22-44%), ở người tiêm chích ma túy từ 40-90%. Virus viêm gan C lây truyền qua đường máu, đường quan hệ tình dục và mẹ truyền cho con. Do có đường lây truyền giống HIV nên tình trạng người có hành vi nguy cơ cao đồng nhiễm HIV mắc viêm gan virus C là khá phổ biến và có nguy cơ tiến triển thành xơ gan hoặc bệnh lý gan mất bù cao hơn so với người chỉ nhiễm viêm gan C.

Điều trị bệnh đồng nhiễm cho người nhiễm HIV - Anh 1

 Người đang điều trị methadone tại 36 tỉnh, thành được điều trị viêm gan C bằng thuốc kháng virus Ảnh: HUYỀN AN

Ước tính, Việt Nam hiện có khoảng 6,6 triệu người nhiễm viêm gan B mạn tính và hơn 900.000 người nhiễm viêm gan C mạn tính. Xơ gan và ung thư gan tiếp tục tăng nếu không mở rộng nhanh bao phủ chẩn đoán và điều trị viêm gan B và viêm gan C. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong số 10 quốc gia có tỷ lệ tử vong do ung thư gan cao nhất trên toàn cầu.

Với sự hỗ trợ từ Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2021-2022, chúng ta có 16.000 người nhiễm HIV và người đang điều trị methadone tại 36 tỉnh, thành phố được điều trị viêm gan virus C bằng thuốc kháng virus. Thuốc này có tác dụng trực tiếp an toàn cao, khả năng dung nạp tốt, ít tương tác với thuốc ARV, thuốc methadone, phù hợp với mọi kiểu gen viêm gan C. Tại Hội thảo Sơ kết triển khai điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV và người đang điều trị methadone do Bộ Y tế tổ chức ngày 14.12.2022 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, kết quả đến hết ngày 30.11.2022, trong số người bệnh hoàn thành điều trị đã thực hiện xét nghiệm tải lượng virus viêm gan C lần 2 (là xét nghiệm cần thiết để đánh giá kết quả điều trị viêm gan C) thì tỷ lệ điều trị khỏi viêm gan C là 96,6%. “Chúng ta cũng ghi nhận không có sự khác biệt về tỷ lệ điều trị khỏi viêm gan C giữa cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, cung cấp các bằng chứng khoa học và thực hiện về hiệu quả điều trị khỏi viêm gan C tại Việt Nam. Mặc dù đã đạt được kết quả tốt sau 2 năm triển khai điều trị viêm gan C cho người nhiễm HIV và người đang điều trị methadone do Dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ, nhưng vẫn còn các khoảng trống cần được tiếp tục thực hiện thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Theo chiến lược y tế toàn cầu của WHO về “HIV, viêm gan virus và bệnh lây truyền qua đường tình dục giai đoạn 2022-2030”, để viêm gan C không còn là mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030 thì các quốc gia cần ưu tiên, tối ưu hóa đáp ứng với HIV, viêm gan virus và bệnh lây truyền qua đường tình dục trong những người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục đồng giới… Tuy nhiên, việc điều trị viêm gan C ở người nhiễm HIV cũng là một trong các mục tiêu cần phải đạt được để chấm dứt bệnh dịch AIDS vào năm 2030 ở Việt Nam.

Bác sĩ Đỗ Thị Nhàn, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng, việc lồng ghép điều trị viêm gan C tại các cơ sở y tế điều trị người nhiễm HIV là khả thi, cần tiếp tục duy trì và mở rộng việc điều trị tại các tỉnh, thành không được Dự án Quỹ toàn cầu tài trợ. “Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm đơn vị cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV, huy động sự tham gia của người bệnh, sự tham gia của các tổ chức cộng đồng để hỗ trợ người bệnh chủ động tiếp cận với điều trị xét nghiệm và điều trị viêm gan C. Hiện có rất ít người được tiếp cận với điều trị viêm gan C do BHYT chi trả, do đó, việc mở rộng điều trị viêm gan C có BHYT tại các cơ sở y tế tuyến huyện, đảm bảo tính bền vững của chương trình sau khi các nhà tài trợ dừng hỗ trợ là rất cần thiết”, bác sĩ Đỗ Thị Nhàn nhận định. 

 QUỲNH HOA

 

Ý kiến bạn đọc