Đi bộ khó khăn, nhiều người nhầm lẫn giữa các bệnh lý khác nhau
VHO- Đang đi bị đau tức chân, chuột rút, nhiều người nghĩ đến bệnh đau khớp, gout hoặc hết đau lại không nghĩ đến nữa cho đến khi bệnh tiến triển nặng thì mới phát hiện mình mắc bệnh động mạch chi dưới.
Ông N.H.K (67 tuổi, ở Ba Đình) là một trong hơn 100 người dân đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để tham gia chương trình khám, tư vấn, siêu âm doppler miễn phí bệnh động mạch chi dưới mạn tính vào ngày 30.7.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước khám bệnh cho người dân có biểu hiện đau chân cách hồi
Ông đến khám với triệu chứng đau ở chân, cứ đi một lúc lại đau khiến ông phải dừng lại để nghỉ. “Cứ đi khoảng 50 - 100m tôi phải dừng lại nghỉ, lên cầu thang có lúc ì klên được tầng 2 nhưng có lúc đi được vài bậc phải dừng nghỉ. Tôi không biết là bệnh gì không đi khám bệnh, tôi đã nghĩ đến thoát vị đĩa đệm nên chèn vào dây thần kinh khiến đau ở chân. Đến nay tôi đi bộ 100 – 200m là rất vất vả”, ông K chia sẻ.
Cũng theo ông K, ông đã mắc bệnh 7 – 8 năm nay, khi đó ông còn chơi đá bóng và tennis, lúc đó chỉ thấy tê tê ở chân, nghỉ 1 lúc là chơi tiếp. Nhưng 3 năm trở lại đây thì bệnh càng ngày càng nặng, khoảng cách đau ngắn hơn, ông không thể chơi thể thao được nữa. Qua khai thác tiểu sử các bác sĩ được biết ông K có thói quen hút thuốc lá và thuốc lào nhiều năm. Đánh giá các triệu chứng lâm sàng của ông K là điển hình của bệnh động mạch chi dưới mạn tính, và được chỉ định thực hiện các chiếu chụp cận lâm sàng cần thiết để chẩn đoán bệnh và hội chẩn đưa ra hướng can thiệp sớm nhất cho người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh động mạch chi dưới mạn tính là một bệnh lý tiến triển dai dẳng và theo từng giai đoạn. Biểu hiện của bệnh là đau nhức chân khi vận động hay còn gọi là đau cách hồi. Khi diễn tiến bệnh nặng lên, quãng đường đi lại được liên tục của bệnh nhân sẽ càng ngày càng ngắn. Nặng hơn, người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức chi dưới liên tục ngay cả khi đang nghỉ ngơi và cuối cùng là các dấu hiệu thiếu máu cục bộ như loét da, hoại tử đen bàn ngón chân, phải cắt cụt chi. Bệnh thường hay gặp ở bệnh nhân cao tuổi, tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá nhiều năm.
“Bệnh động mạch chi dưới phát hiện sớm hay không thì bệnh vẫn tiến triển và tiến triển theo tuổi, giai đoạn 1 từ chỗ động mạch dầy nhẹ, sau đó hẹp dần hẹp dần rồi dẫn tắc mạch máu. Lúc đầu chân bệnh nhân sống tạm được 1 thời gian, dần dần tắc lâu sẽ dẫn đến thiếu máu dẫn đến hoạt tử, thậm chí tử vong. Lúc này muốn chữa cũng không được. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh sớm thì bệnh tiến triển chậm, nếu bệnh nhân không được điều trị thì 3 năm có thể tắc mạch máu rồi, còn nếu được điều trị tốt có thể kéo dài đến 7 – 10 năm, thậm chí không bị tắc động mạch chân. Chúng tôi đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, điều trị khó khăn phải phối hợp mấy phương pháp. Nhiều cơ sở y tế chọn giải pháp cắt ngón chân nhưng không bao giờ khỏi được vì không có máu nuôi đủ nên vết thương sẽ bị rò rỉ, lở loét mãi”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói.
Chia sẽ về những trường hợp bị ngón chân hoại tử, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực thông tin thêm, các triệu chứng của bệnh động mạch chi dưới cũng là điển hình nhưng phần lớn không gây cảm giác nguy hiểm đến tính mạng nên thường chủ quan, khi đau nghỉ một lúc thì hết đau nên vẫn chịu đựng. Ngoài ra, bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi nên người bệnh hay nghĩ đến bệnh khớp, gout, hoặc do biến chứng của bệnh đái tháo đường. Do đó, bệnh nhân khi có triệu chứng trên cần phải được kiểm tra sớm để kiểm soát các yếu tố làm tăng tiến triển của bệnh, giảm thiểu biến chứng do tắc động mạch, giảm thiểu tàn phế cho người bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng như ảnh hưởng tới gia đình và xã hội. Bệnh thường hay gặp ở bệnh nhân cao tuổi, tiểu đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm.
Q.HOA