Để cuộc sống không “đứng im” một lần nữa
VHO- Vừa qua, tại Nhà tang lễ Thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tổ chức buổi họp mặt tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19. Khơi lại quãng thời gian khốc liệt năm 2021 không phải để “ôn nghèo kể khổ”, nhưng cũng cần phải nhắc nhớ để không ai bị lãng quên, để những người ở lại sớm vượt qua nỗi đau và tiếp tục sống thật tốt…
Những cành huệ trắng, những nén tâm hương và những giọt nước mắt đã rơi xuống trong lễ tưởng niệm, một lần nữa khiến chúng ta hồi ức lại khoảng này năm trước dịch bệnh khốc liệt đã cướp đi sinh mệnh của hàng chục ngàn người; hàng chục ngàn gia đình vĩnh viễn mất đi người thân yêu, hàng ngàn đứa trẻ trở nên mồ côi; lễ tang không được tổ chức theo phong tục, tập quán để lại nỗi day dứt và niềm tiếc thương vô hạn cho người thân, cho gia đình...
Một năm đã qua đi, quãng thời gian chưa dài nhưng khiến nhiều người nhanh chóng quên sự tàn khốc của dịch bệnh, khi vô tư sinh hoạt trong cộng đồng như “chưa hề có cuộc chia ly”. Liệu họ có biết, Covid-19 vẫn đang tiềm ẩn đâu đó quanh ta và chỉ chờ thời cơ là bùng phát trở lại. Có thể kể đến, dấu hiệu dịch đang nóng lên mỗi ngày ở các quốc gia Đông Bắc Á. Theo thông tin mới nhất, Nhật Bản và Hàn Quốc đều ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản cảnh báo nguy cơ Covid-19 quay trở lại lần thứ 8 tại nước này, đồng thời kêu gọi các địa phương tăng cường hệ thống y tế và thúc đẩy việc tiêm vắc xin. Số ca mắc mới Covid-19 theo ngày ở Hàn Quốc cũng tăng lên đến gần 73 nghìn ca, dự báo làn sóng dịch mới sẽ đạt đỉnh vào đầu tháng 12.2022 với số ca nhiễm có thể lên tới 200.000 ca/ngày. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bổ sung mùa đông ở Hàn Quốc đang ở mức thấp, chỉ khoảng 3,5%. Các chuyên gia y tế lo ngại, cả Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ bước vào làn sóng dịch mới với các nguy cơ lây nhiễm cao từ các biến chủng mới của virus SAR-CoV-2, đặc biệt, tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi tỷ lệ người dân tiêm phòng mũi tăng cường để đối phó với biến chủng Omicron đang rất thấp.
Còn tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, trong ngày 19.11, gần 140.000 liều vắc xin phòng Covid-19 đã được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là hơn 261 triệu. Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho biết, tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam vẫn chưa đạt tiến độ như mong muốn. Trong khi đó, tổ chức Y tế thế giới đánh giá nhân loại vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch bệnh trở nên phức tạp và có nguy cơ gia tăng trở lại; đồng thời, khuyến cáo các quốc gia cần tiếp tục nỗ lực, duy trì các biện pháp phòng, chống dịch.
Có thể thấy, khi số lượng ca nhiễm Covid-19 trên cả nước lên đến trên 100 nghìn ca mỗi ngày, nhiều người đã có suy nghĩ “thế này rồi ai cũng thành F0”. Rõ ràng, suy nghĩ này đã làm nảy sinh tâm lý chủ quan, đặc biệt là trong giai đoạn “nóng” như hiện nay, nhiều cá nhân vẫn còn e ngại với vắc xin mũi nhắc lại. Chúng ta không nên hoang mang lo sợ, nhưng cũng tránh tâm lý chủ quan, thả lỏng. Mỗi người, mỗi gia đình cần áp dụng các biện pháp phòng, chống để hạn chế số ca mắc mới, để cuộc sống không một lần nữa bị “đứng im”, “đóng băng”, không dịch chuyển… Các chuyên gia y tế cũng đã lưu ý, không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần nâng cao cảnh giác, khi thấy dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần phải xét nghiệm Covid-19 tại nhà, tham gia tiêm vắc xin đầy đủ và đặc biệt, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch.
THÚY HỒNG