“Cứu tinh” giúp người sống sót nhờ bài thuốc giải độc lá ngón
VHO - Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức, Đồn biên phòng Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) đã sáng chế ra bài thuốc dân gian giải độc lá ngón hữu hiệu, cấp cứu kịp thời giúp nhiều nạn nhân hồi sinh làm lại cuộc đời. Luôn miệt mài, bác sĩ quân y Lê Anh Đức đã trở thành tấm gương sáng về bác sĩ biên phòng hết lòng vì nhân dân.
Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức cùng Bộ đội Biên phòng Tri Lễ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương nhổ bỏ cây lá ngón
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo ở xã Thanh Long (Thanh Chương) nhưng bác sĩ quân y Lê Anh Đức lại theo nghiệp bộ đội biên phòng rồi gắn bó với nghề thầy thuốc ở các bản làng vùng cao. Công tác tại Đồn Biên phòng Tri Lễ (địa bàn xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong), nơi có bà con dân tộc Thái, H’Mông, Khơ Mú sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế, cuộc sống nhiều gia đình khó khăn, vì thế nhiều người dân quá túng quẫn hoặc có mâu thuẫn không được giải tỏa đã tìm ăn lá ngón để kết thúc cuộc đời. Không ít người trẻ, khi buồn chuyện tình cảm, hoặc vì bị bố mẹ mắng chửi... đã tìm đến cái chết bằng lá ngón. Trăn trở, day dứt bởi những cái chết tức tưởi khi một số bệnh nhân mặc dù được người nhà đưa đến bệnh xá nhưng không cứu được do lá ngón, thiếu tá, bác sĩ Đức đã tìm ra bài thuốc bằng nước thân chuối để giải độc lá ngón.
Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức chia sẻ: “Cây lá ngón gây chết người là do có chứa hoạt chất cực độc alkaloid. Để cứu nạn nhân phải nhanh chóng đào thải được chất độc ra khỏi cơ thể họ bằng cách gây nôn, móc hầu họng. Nhưng cái khó nhất là chất độc alkaloid gây tử vong rất nhanh, nếu cho nạn nhân uống nhiều nước mà chưa kịp đào thải ngay cũng không kịp. Công tác tại vùng biên giới hàng chục năm, tôi đã chứng kiến những cái chết rất thương tâm. Những cái chết không chỉ để lại đau xót cho gia đình, người thân, mà còn gây bàng hoàng trong dư luận về vấn đề tâm lý, suy nghĩ của giới trẻ. Bài thuốc này được phát hiện từ việc quan sát cách ăn uống của đồng bào dân tộc Mông ở các bản làng vùng cao. Bà con người Mông khi đi rừng, lên núi thường vắt nước từ thân cây chuối rừng để uống. Tài liệu y khoa cũng chỉ ra rằng, nước từ cây chuối có thể đẩy được độc tố ra khỏi cơ thể con người. Từ đó, ý tưởng dùng nước ép từ cây chuối cho những người ăn lá ngón uống, rồi dùng các thủ thuật gây nôn, đẩy độc tố ra khỏi cơ thể nạn nhân đã được tôi nghiên cứu và thử nghiệm thành công”.
Bác sĩ Lê Anh Đức (áo blouse bên phải) cấp cứu nạn nhân bị ngộ độc do ăn lá ngón tự tử Ảnh: LÊ THẠCH
Nhờ bài thuốc quý này, nhiều cuộc đời đã thay đổi, nhiều cuộc sống hồi sinh với hy vọng mới. Cô bé Thò Y.D. (11 tuổi) ở bản Pà Khốm là một trong những bệnh nhân may mắn được bác sĩ Đức cứu sống sau khi ăn lá ngón do buồn chuyện nhà. Ngay sau đó em được bạn cùng phòng phát hiện, gọi giáo viên đưa đến Trạm Y tế xã trong tình trạng khá nguy kịch. Ngay lập tức, thiếu tá Lê Anh Đức đang tăng cường tại Trạm Y tế xã Tri Lễ đã cùng với các đồng nghiệp thực hiện các biện pháp cứu chữa theo bài thuốc dân gian do chính anh nghiên cứu. Nhờ vậy, em Thò Y.D. được cứu sống. Trường hợp anh Lô Văn X. (SN 1985), ở bản Yên Sơn, là bệnh nhân đầu tiên được anh Đức cứu sống sau khi ăn lá ngón. Nhớ lại chuyện xưa, anh X. chia sẻ thời điểm đó, hai vợ chồng con trai đã ra ở riêng, quá trình chung sống xảy ra mâu thuẫn, cộng thêm việc đã uống rượu nên đã tìm đến lá ngón để tự tử. May mắn, anh được phát hiện, đưa đến Trạm Quân dân y biên phòng và được bác sĩ Đức cấp cứu, điều trị bằng bài thuốc của mình. Hiện anh X. đã trở thành thợ xây lành nghề, có cuộc sống ổn định. Bà con nơi đây xem bác sĩ Đức là ân nhân, là người con trong gia đình và đặt biệt danh trìu mến là “Thầy thuốc của bản làng”.
Từ bài thuốc bằng nước thân chuối, từ năm 2016 đến nay, bác sĩ Lê Anh Đức cùng các đồng nghiệp đã cứu chữa được hàng chục người bị ngộ độc lá ngón. Bài thuốc cũng được bác sĩ Đức truyền cho nhiều đồng nghiệp ở địa bàn khác và lan tỏa tới bà con các vùng biên giới, giúp cứu được nhiều người ăn phải cây độc. Trải qua 25 năm phục vụ trong quân ngũ, trong đó hơn 20 năm công tác tại các địa bàn biên giới khó khăn như xã Keng Đu, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), xã Tri Lễ (huyện Quế Phong)..., thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp, bác sĩ Lê Anh Đức luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn. Bác sĩ Đức cũng tự mình học ngôn ngữ của đồng bào để phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đồng đội được tốt hơn.
Ông Xồng Bá Cha, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho hay, trên địa bàn hầu như năm nào cũng xảy ra trường hợp người dân ăn lá ngón. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tri Lễ và đội ngũ cán bộ, người có uy tín tại các thôn, bản kiên trì đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, kết hợp với xóa nhổ, bài trừ cây lá ngón. Nhờ vậy đã hạn chế được nạn ăn lá ngón trong nhân dân. Bài thuốc do bác sĩ Lê Anh Đức điều chế đã cứu sống tính mạng của nhiều người dân trên địa bàn. Trong 2 năm (2022-2023) có 2 cháu học sinh THCS, tiểu học trên địa bàn ăn lá ngón đều được cứu sống.
Theo thượng tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ, việc nghiên cứu tìm ra bài thuốc và cấp cứu cho các bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón của bác sĩ Đức có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, làm sáng đẹp hình ảnh người “thầy thuốc quân hàm xanh” trong lòng nhân dân.
PHẠM NGÂN