Công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm: Cần “sớm hơn một bước, cao hơn một mức”

VHO- Mặc dù chưa phát hiện trường hợp xâm nhập, tuy nhiên trước nguy cơ chỉ là ngày một ngày hai, vì thế việc chuẩn bị tâm thế ứng phó là cần thiết. Đồng thời, Chính phủ, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm khác đang có xu hướng gia tăng.

Công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm: Cần “sớm hơn một bước, cao hơn một mức” - Anh 1

 Chăm sóc bệnh nhân mắc cúm A tại Bệnh viện Thanh Nhàn Ảnh: THẢO HẠNH

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liên tục công bố dịch bệnh đậu mùa khỉ, theo đó hiện đã có trên 18 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.

Ba tình huống phòng, chống dịch đậu mùa khỉ

Trước nguy cơ dịch bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam, vừa qua TP.HCM có văn bản xin phép Bộ Y tế thực hiện khai báo ở cảng hàng không. Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm, cho biết WHO đánh giá mức độ dịch toàn cầu đang ở mức trung bình, còn ở Việt Nam ở mức thấp đến trung bình, do đó việc khai báo y tế tại các sân bay có thể gây ách tắc.

Dù vậy, Bộ Y tế cũng đang xây dựng hướng dẫn giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ ở Việt Nam, đồng thời kích hoạt lại hệ thống kiểm dịch tại cửa khẩu. Như vậy, những hành khách đi từ quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được đo thân nhiệt và các biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện các ca nghi nhiễm, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm chẩn đoán. Ngoài ra cũng đã hội ý, xin ý kiến Hội đồng khoa học để xem xét việc triển khai khai báo y tế. Cùng quan điểm về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, cơ sở y tế sẽ là nơi giám sát, phát hiện ca bệnh đầu tiên, chứ không phải là ở sân bay. Dó đó có 2 nhóm người nguy cơ mắc bệnh cao nhất là người trực tiếp chăm sóc người bệnh và nhân viên phòng xét nghiệm chẩn đoán đậu mùa khỉ.

Hiện nay, việc xét nghiệm hiện chỉ có phương pháp Realtime RT-PCR, nhưng Việt Nam chưa sản xuất được dung dịch môi trường để xét nghiệm nên đang chờ WHO gửi. Trước mắt, chỉ tiến hành giám sát, theo dõi lâm sàng với các biểu hiện của bệnh, phân biệt về nốt ban phỏng giữa đậu mùa khỉ với các bệnh lý khác như tay chân miệng, đậu mùa, herpes lan toả, kết hợp với yếu tố dịch tễ để nhận định ca bệnh. Để chủ động ứng phó, chẩn đoán điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế xây dựng kế hoạch ứng phó với 3 tình huống dịch. Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho hay, tình huống 1 là chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam: Các bệnh viện kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo các giai đoạn của dịch; chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng, chống dịch. Tình huống 2, khi có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam, các cơ sở y tế tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở. Ở tình huống 3, khi dịch lây lan ra cộng đồng, các cơ sở mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; huy động các khoa lâm sàng và các bộ phận hỗ trợ tham gia; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết.

Không để dịch chồng dịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Công điện số 680/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Đặc biệt dịch đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid-19, sốt xuất huyết, cúm A…; để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Trước đó, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu tháng 7.2022 đến nay số bệnh nhân mắc cúm A nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố; chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, trong đó các tỉnh, thành phố có số mắc cao: Thanh Hóa (36.759 trường hợp mắc), Thái Bình (13.876), Hưng Yên (13.392), Nghệ An (8.792), Hà Tĩnh (8.028), Đồng Tháp (6.033), Sơn La (4.572), Khánh Hòa (3.655), Lai Châu (3.378), Long An (3.329)... Mới đây, Bệnh viện Medlatec cũng tiếp nhận bệnh nhân có biểu hiện sốt nóng, nhiệt độ cao nhất 38 độ C, ho khan, đau rát họng, khàn tiếng, chảy nước mũi.

Để tìm nguyên nhân chính xác, bệnh nhân được ThS.BS Nguyễn Thị Thu Hương, Chuyên khoa Truyền nhiễm chỉ định làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, CRP, điện giải đồ, xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, cúm AB, tổng phân tích nước tiểu và được nội soi tai mũi họng, siêu âm thai. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (Dengue NS1 dương tính) và cúm A. “Trong giai đoạn hiện nay, trước sự bùng phát và diễn biến khó lường của các bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng như cúm A/B, sốt xuất huyết, Covid-19 hay nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ với những triệu chứng dễ khiến người dân nhầm lẫn và chủ quan. Do vậy, người dân khi thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường, đặc biệt sống trong vùng dịch tễ có người bị mắc bệnh cần đeo khẩu trang, đảm bảo các biện pháp phòng bệnh và đi khám sớm, nhất là những đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng như người già, người mắc bệnh lý nền, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ”, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng chống dịch bệnh, người dân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng tại nhà nếu không có đơn hoặc tư vấn của bác sĩ; thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn thức ăn dễ tiêu và tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn; mang khẩu trang, vệ sinh bàn tay, tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Nếu có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, chảy máu, đau bụng, mệt mỏi... thì cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán đoán kịp thời. Để tránh bệnh sốt xuất huyết cần mắc màn khi ngủ, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ nhằm không cho muỗi vằn phát triển, tránh đến nơi có người mắc để hạn chế lây nhiễm; thực hiện tiêm phòng cúm hằng năm là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.

Đối với bệnh đậu mùa khỉ, tại Công điện nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu (đối với địa phương có cửa khẩu) trong cộng đồng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh. 

 VIỆT THANH

Ý kiến bạn đọc