Công nghệ hướng đích trong điều trị viêm loét dạ dày, trào ngược
VHO- Công nghệ hướng đích là một công nghệ được biết đến nhiều trong điều trị ung thư đã mở ra “kỷ nguyên” về liệu pháp trung đích, đặc biệt là ứng dụng vào bệnh lý viêm loét dạ dày. Công nghệ này đã được các nhà khoa học của ĐH Quốc gia Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố năm 2018.
Nằm trong chuỗi hoạt động kết nối Cung – Cầu khoa học và công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 31.5 Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức hội thảo khoa học “Báo cáo tính hiệu quả và an toàn của công nghệ hướng đích ứng dụng trong bệnh viêm loét dạ dày”nhằm công bố kết quả nghiên cứu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ hướng đích vào hợp chất thiên nhiên curcumin và bệnh lý viêm loét dạ dày mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân mắc căn bệnh này.
TS Phạm Thị Thu Hường trình bày báo cáo tại hội thảo
Tại hội thảo, TS Phạm Thị Thu Hường, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ Enzym và Protein (Klept – Trường ĐH KHTN – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, curcumin là thành phần tinh chất của củ nghệ vàng, có tác dụng chống viêm, ức chế bơm proton, giảm đau; đồng thời giúp ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn H.P (nguyên nhân gây ra ung thư), tạo lớp nhầy, bảo vệ dạ dày. Đối với curcumin hướng đích có khả năng tập trung mạnh với tế bào viêm (tăng gấp 70 lần) so với Nano curcumin thông thường, vì vậy hiệu quả vượt trội hơn khi hướng đích tập trung vào các tế bào viêm. Việc sử dụng axit folic trong curcumin hướng đích để làm chất dẫn đường, không có tác dụng dược lý và an toàn cho người sử dụng.
Theo ông Vương Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp cho rằng, công nghệ hướng đích được ứng dụng thành công vào curcumin đã tạo ra bước đột phá trong việc hỗ trợ bệnh lý viêm loét dạ dày. Hiện nay, công nghệ curcumin hướng đích đã được chuyển giao độc quyền đưa vào thương mại hóa với sản phẩm sủi Scurma Fizzy, đã mang lại hiệu quả điều trị cho nhiều bệnh nhân viêm loét dạ dày, trào ngược.
LÊ DUY