Cơ quan nào thanh toán số tiền cho người bệnh đã tự mua?

VHO- Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đáng lẽ được quỹ BHYT chi trả nhưng nhiều người bệnh đã phải bỏ tiền túi ra để được bác sĩ điều trị bệnh cho mình và hiện không biết có được thanh toán số tiền đó không.

Cơ quan nào thanh toán số tiền cho người bệnh đã tự mua? - Anh 1

 Nhiều loại thuốc, vật tư y tế bị thiếu khiến bệnh nhân không được Quỹ BHYT chi trả (ảnh minh họa) Ảnh: THÁI AN

Theo Bộ Y tế, hiện nay có tình trạng thiếu thuốc tại một số địa phương và bệnh viện tuyến Trung ương, các thuốc thiếu gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và Trung ương, trong đó chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm; một số trang thiết bị y tế chuyên sâu.

Theo Luật BHYT, các bệnh viện ký hợp đồng với BHXH Việt Nam điều trị cho các bệnh nhân có thẻ BHYT phải đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế. Tuy nhiên, thực tế tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế này chưa biết đến bao giờ mới hết buộc bệnh nhân phải chờ đợi nếu muốn được Quỹ BHYT thanh toán. Với những bệnh lý cần điều trị ngay thì bệnh nhân hoặc phải chuyển sang điều trị dịch vụ hoặc tự mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế để bác sĩ điều trị. Dù với bất cứ hình thức nào đều gây phiền hà, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bệnh nhân. Mặt khác dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi Quỹ BHYT khi bệnh nhân phải bỏ tiền mua, nhưng bệnh viện vẫn kê vào danh mục điều trị cho bệnh nhân để được Quỹ BHYT thanh toán. Với những loại thuốc giá thành thấp nhưng nhân với số lượng bệnh nhân và một số loại vật tư, thuốc đắt tiền thì tổng số tiền này sẽ rất lớn.

Báo cáo tại cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Y tế lý giải về nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế một phần do tác động của các yếu tố như tình hình dịch, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, giai đoạn 2020- 2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị.

Thủ tướng Chính phủ cũng đồng tình việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ quan là chính, với việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm. “Phải bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ cho các cơ sở y tế, trước mắt là bảo đảm thuốc, vật tư y tế theo diện BHYT”, Thủ tướng chỉ đạo.

Chia sẻ về tình trạng này, một lãnh đạo bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội nhận định, việc thiếu này xảy ra cả hệ thống, trên toàn quốc, một phần vì các đơn vị làm nhiệm vụ mua sắm triển khai chậm, vì năng lực của cán bộ, nhân viên; một phần do biến động mô hình bệnh tật, số bệnh nhân vượt quá kế hoạch dự kiến nên không đủ thuốc. Trước đây có thể vẫn xảy ra tình trạng thiếu, nhưng các bệnh viện áp dụng mọi giải pháp linh động như “vay mượn” các cơ sở y tế khác, rồi làm thủ tục thầu sau. Nhưng hiện nay không đơn vị nào “dám” vay nữa, vì không biết làm vậy có đúng quy định không. Cộng với biến động giá nhanh quá, khi vay ở giá này, nhưng sau đó sụt giảm hoặc tăng thì phải trả tiền theo giá nào? Bên cạnh đó là năng lực của nhà cung cấp thầu, trúng thầu rồi nhưng có đủ vật tư, trang thiết bị cung cấp cho nhiều cơ sở y tế đang thiếu không… Nếu làm lại thầu thì các bệnh viện sẽ phải chờ đợi thêm 4 - 5 tháng nữa…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chủ trì cuộc họp với Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó trực tiếp quán triệt, chỉ đạo người đứng đầu BHXH các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất để phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo ngay việc cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT, vì sức khoẻ, tính mạng của người dân nói chung và quyền lợi của người tham gia BHYT nói riêng. Tuyệt đối không để người bệnh BHYT phải tự mua các thuốc, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng. 

Khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế

V ăn bản số 4035/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ vừa phát đi truyền đạt ý kiến của Thường trực Chính phủ về việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế. Công văn nêu rõ, ngày 29.6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội Quý II, 6 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ KH&ĐT, ý kiến của các đại biểu, phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Phó Thủ tướng dự họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận: Bộ Y tế khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan đến hoạt động mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, chủ trương xã hội hoá, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế để ban hành trước ngày 4.7.2022 các quy định, hướng dẫn theo thẩm quyền nhằm khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho người dân; kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Khẩn trương tổ chức thực hiện đấu thầu tập trung thuốc ở Trung ương; chỉ đạo các tỉnh, các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức đấu thầu thuốc theo đúng quy định, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm. Bộ Tài chính tập trung cao độ, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để thực hiện hiệu quả yêu cầu nêu trên. P.V

 KHÔI NGUYÊN

Ý kiến bạn đọc