Chiến lược 2X – “Bom tấn” trong công tác phòng, chống lao

VHO- Sức khỏe ông La O Dắc (74 tuổi, dân tộc Chăm, tỉnh Gia Lai) đã cải thiện hẳn sau đợt điều trị lao dài ngày. Ông là 1 trong 5 người trong xã được phát hiện lao nhờ chương trình sàng lọc cộng đồng theo chiến lược 2X – một trong những cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp" được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2022.

Chấm dứt bệnh lao không phải là chuyện “trên trời”

Mô hình phát hiện chủ động bệnh lao 2X là nằm trong cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp” của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung – nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương và 22 đồng nghiệp vừa đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2022.

Chiến lược 2X – “Bom tấn” trong công tác phòng, chống lao - Anh 1

TTND.PGS.TS Nguyễn Viết Nhung nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị bệnh đường hô hấp”

Nói về công trình này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ, hằng năm Việt Nam có hơn 170.000 bệnh nhân mắc lao mới, bệnh lao đã xuất hiện 140 năm và tìm được nguyên nhân nhưng chưa giải quyết được. Sự đau đáu đó thành khát vọng làm thế nào chấm dứt được bệnh lao của các nhà khoa học.  “Công trình được tiến hành nhiều năm với tiêu chí xuyên suốt là làm thế nào để phát hiện sớm, chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả bệnh lao. Chúng ta đổi mới công nghệ, nhưng nếu chỉ áp dụng ở phòng thí nghiệm thì không hiệu quả, mà phải đổi mới về tiếp cận, tức là đem công nghệ, kỹ thuật của mình đến với người bệnh”, GS Nguyễn Viết Nhưng nói.

Ứng dụng xét nghiệm GenXpert để khẳng định bệnh lao, nhưng nếu chỉ sử dụng một loại xét nghiệm này để sàng lọc trên toàn bộ người dân thì sẽ rất tốn kém, và không thể thực hiện được. Vì vậy, xét nghiệm GenXpert được kết hợp với X-quang đã mang lại hiệu quả rõ rệt, và giảm chi phí rất nhiều. Mô hình này đã được Việt Nam đề xuất tới Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã học tập, áp dụng, đem lại vị thế chiến lược cho Việt Nam trên hệ thống phòng, chống lao toàn cầu.

“Nếu chúng ta khám, sàng lọc chủ động thì số bệnh nhân mắc lao giảm nhanh hơn thường quy tới 44%, cộng 7 năm thì có thể giảm 72%, cho thấy việc chấm dứt không phải là chuyện “trên trời” mà có thể ở ngay dưới đất. Kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 thể hiện rõ, khi chúng ta tìm ra nguồn lây, hạn chế và phong tỏa nó thì dịch sẽ nhanh chóng được khống chế. Và bệnh lao cũng vậy, khi bệnh nhân lao càng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì chúng ta cũng sẽ càng giảm được nguồn lây; cùng với phương pháp điều trị 4 tháng (giảm 2 tháng so với thường quy) nằm trong cụm công trình nghiên được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ thì tôi tin tưởng bệnh lao tại Việt Nam sẽ được đẩy lùi. Tạp chí Medicine công bố kết quả nghiên cứu phát hiện chủ động cộng đồng 2X đã gọi đây quả bom tấn trong công tác phòng chống lao. Do vậy, để chống lao hiệu quả cần phải coi chiến dịch 2X là chương trình trọng tâm”, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh.

Số bệnh nhân lao tăng gấp đôi nhờ chiến lược 2X

Ông La O Dắc (thôn Mai Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết, trước đó đã xuất hiện những cơn đau, tức ngực, và ho nhiều, thậm chí ho cả đêm. Nhưng ông chỉ đi khám bệnh ở trạm y tế xã, được bác sĩ kê thuốc rồi về, sau vài hôm lại ho. Tháng 5 vừa qua, khi đang làm rẫy thì y sĩ Rơ Châm Lộc ở trạm y tế xã gọi điện báo về khám sức khỏe miễn phí. Sau khi khám, tôi được bác sĩ phát hiện mắc bệnh lao và gửi đến Trung tâm y tế huyện Krông Pa điều trị, đỡ được 60% - 70% thì về xã để lấy thuốc uống tiếp.

Chiến lược 2X – “Bom tấn” trong công tác phòng, chống lao - Anh 2

Một buổi khám, sàng lọc bệnh nhân lao theo chiến lược 2X tại xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai

Y sĩ Rơ Châm Lộc cho biết, qua 3 buổi khám sàng lọc miễn phí với tổng số 985 người ở xã Đất Bằng, đã phát hiện 4 bệnh nhân lao, và 14 ca lao tiềm ẩn được điều trị. Các bệnh nhân được chuyển gửi đến Trung tâm Y tế huyện điều trị tấn công 2 tháng, sau đó về xã tiếp tục được cung cấp thuốc điều thêm 4 tháng.

Đất Bằng là 1 trong 22 xã (thuộc 3 huyện) của của tỉnh Gia Lai được triển khai dự án khám sàng lọc và điều trị bệnh nhân lao ngoài cộng đồng do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến sức khỏe cộng đồng (SCDI) phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Gia Lai triển khai từ tháng 1.2022 đến tháng 12.2023. Đến nay, dự án đã thực hiện được 10 buổi khám sàng lọc, trên tổng số hơn 3.000 người dân, phát hiện 24 bệnh nhân lao và 39 ca lao tiềm ẩn.

Bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai cho biết, thay vì chờ bệnh nhân đến khám thì Bệnh viện phối hợp với cán bộ dự án, Trung tâm y tế huyện, UBND xã, Trung tâm y tế xã về tận các thôn, bản mời bà con đến khám sàng lọc lao miễn phí theo chiến lược 2X. “Chúng tôi mang máy X-quang di động và đảm bảo an toàn đến với bà con, sau khi phát hiện những bất thường ở phổi, bệnh nhân sẽ được lấy mẫu đờm để xét nghiệm GenXpert để khẳng định bệnh nhân mắc lao hay các bệnh khác”, bác sĩ Mai Minh Hiền giải thích.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai, mấy năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người bệnh đi khám giảm, số bệnh nhân lao cũng giảm. Tuy nhiên, nhờ chiến dịch khám 2X nên số bệnh nhân tăng gấp đôi, thậm chí gấp 2,5 lần như ở huyện Krông Pa. “Thực hiện khám sàng lọc bệnh nhân lao ngoài cộng đồng theo chiến lược 2X không chỉ giúp phát hiện được nhiều bệnh nhân hơn mà còn phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Thông thường, bệnh nhân mắc lao đi khám ở nhiều nơi, từ trạm y tế xã, tới huyện, rồi mới đến bệnh viện tỉnh, mà đa phần khám 5 lần 7 lượt rồi mới phát hiện ra bệnh lao, lúc đó thì bệnh đã nặng, thậm chí tổn thương phổi rồi”, bác sĩ Mai Minh Hiền cho hay.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc