Chạy nước rút tiêm vắc xin cho người dân

VHO- Hà Nội đặt chỉ tiêu tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 100% người dân trong độ tuổi tiêm chủng, có ngày đạt hơn 400.000 mũi tiêm. Đây cũng là mục tiêu để các địa phương triển khai, còn Bộ Y tế đang tiếp tục nỗ lực đàm phán để thêm nguồn vắc xin về nước cũng như thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin tại Việt Nam.

Chạy nước rút tiêm vắc xin cho người dân - Anh 1

Hơn 1.000 phụ nữ mang thai trên 13 tuần được tiêm vắc xin phòng Covid-19

Sáng 12.9, Hà Nội tiếp tục ghi nhận những bệnh nhân dương tính mới trong cộng đồng cộng đồng, trong đó có nhiều ca được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc ở khu vực nguy cơ cao. Hà Nội dự kiến lấy khoảng 8 triệu mẫu. Tính đến 20h ngày 11.9, toàn thành phố đã lấy được 1.286.990 mẫu, trong đó có 936.112 mẫu xét nghiệm PCR gộp (138.289 mẫu có kết quả âm tính và 2 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả) và 323.878 mẫu test nhanh (có 323.862 mẫu âm tính và 16 mẫu dương tính).

Cùng với thần tốc lấy mẫu xét nghiệm Hà Nội cũng tăng cường tiêm vắc xin ngừa Covid-19 với số mũi tiêm kỷ lục trong ngày 11.9 là 411.452 mũi. Trước đó, ngày 8.9 đạt hơn 300.000 mũi tiêm; ngày 9.9 đạt gần 330.000 mũi tiêm. Các đối tượng tiêm chủng đã được mở rộng với người già, có bệnh lý nền và phụ nữ có thai. Đặc biệt, những ngày qua hơn 1.000 phụ nữ có thai trên địa bàn thành phố đã được tiêm vắc xin Pfizer tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Thanh Nhàn… Anh Nguyễn Mạnh Linh, phường Định Công, quận Hoàng Mai là một trong những người chở vợ đi tiêm vắc xin tại Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, khi nghe tin vợ được đi tiêm chủng thì cả nhà rất mừng. Ở giai đoạn này vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất nên các bà bầu được tiêm thì rất yên tâm, hai vợ chồng đã dậy từ sớm ăn sáng đầy đủ rồi đến bệnh viện đúng giờ.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn, các sản phụ đăng ký tiêm ở phường, sau đó được chuyển danh sách tới Bệnh viện. Một số bà bầu cũng gọi điện đến để tư vấn những e ngại liên quan đến tiêm chủng, trong đó chủ yếu quan tâm đến việc vắc xin có ảnh hưởng gì tới em bé. Các bác sĩ giải thích phụ nữ mang thai trên 13 tuần đều được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng Covid-19 và hoàn toàn không ảnh hưởng đến thai nhi. Trước khi tiêm được khám sàng lọc, siêu âm kiểm tra toàn trạng để đánh giá… Chính vì vậy, sản phụ hoàn toàn yên tâm khi đi tiêm vắc xin Covid-19.

Để đảm bảo mục tiêu xét nghiệm và tiêm 100% người dân Hà Nội trước ngày 15.9, gần 4.000 y bác sĩ, nhân viên y tế từ 11 tỉnh, thành phía Bắc đã được chi viện cho Hà Nội. Tại quận Long Biên, với sự hỗ trợ của đoàn y, bác sĩ tỉnh Bắc Giang, đã triển khai 123 dây chuyền tiêm, nhiều quận, huyện khác tổ chức 3 ca tiêm phòng, có phường đến 00h mới kết thúc. Các loại vắc xin đang được tiêm tại Hà Nội gồm Pfizer, AstraZeneca và khoảng 1 triệu liều vắc xin Vero Cell (Sinopharm), tuy nhiên đa số người đến tiêm đều chung quan điểm được tiêm sớm là vắc xin tốt nhất nên việc lựa chọn, từ chối tiêm chỉ lác đác ít người.

Theo số liệu của Sở Y tế Hà Nội, tổng số mũi tiêm thực hiện trên địa bàn TP qua các đợt tiêm chủng là 3.906.597 mũi, sử dụng 3.538.826 liều vắc xin/4.591.476 liều vắc xin được cấp, đạt tiến độ 77,1%. Trong khi đó, số liệu cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, thì Hà Nội có 84,11% người dân trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin (bao gồm cả những người tiêm tại các Bệnh viện Trung ương). Và Hà Nội đã rời khỏi top 10 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất nước. Với tốc độ này, nhiều phường trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành xong việc tiêm; Hoàn Kiếm là quận đầu tiên đạt tỷ lệ về đích 92% người trên 18 tuổi được tiêm phòng vào trưa ngày 12.9. TP sẽ sớm hoàn thành mục tiêu 100% người dân trong độ tuổi được tiêm mũi 1 trước ngày 15.9. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long coi đây là mục tiêu rất tham vọng của Hà Nội, và nhiều địa phương khác cũng đang triển khai để đạt được mục tiêu này.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 9 và quý IV.2021, số lượng vắc xin về Việt Nam sẽ tăng lên từ nguồn viện trợ, từ chương trình Covax và mua của nước ngoài. Cùng với đó, cơ quan này cũng đề nghị các nhóm nghiên cứu, nhà sản xuất và các đơn vị chuyên môn liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất vắc xin Covid-19 phát triển trong nước và vắc xin nhận chuyển giao… Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu TNLS, phát triển vắc xin phòng Covid-19, đánh giá đến nay việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất các loại vắc xin ở Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Đồng thời đề nghị các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế tích cực, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, đảm bảo nguồn kinh phí cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vắc xin Covid-19.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc