Chấn chỉnh việc thực hiện Quy tắc ứng xử của nhân viên y tế

VHO- Gần đây, một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phản ánh tình trạng phải chờ đợi lâu mới được khám chữa bệnh, không rõ ràng trong các khoản thu…, Bộ Y tế vừa yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát, chấn chỉnh, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế…

Chấn chỉnh việc thực hiện Quy tắc ứng xử của nhân viên y tế - Anh 1

 Bác sĩ khám bệnh tại Bệnh viện

 Yêu cầu nêu trên được Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề cập trong công văn 1135 /KCB-QLCL&CĐT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cơ sở khám chữa bệnh về việc xử lý thông tin báo chí, rà soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), từ đại dịch Covid-19 đến nay, đơn vị luôn ghi nhận và đánh giá cao sự vất vả, nỗ lực của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện. Tuy nhiên trong thời gian qua, nhiều cơ quan truyền thông phản ánh một số vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện K… về tinh thần, thái độ giao tiếp, y đức của một vài nhân viên y tế khiến người dân bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành y tế. Cụ thể, nội dung một clip lan truyền trên mạng xã hội vào cuối tháng 8 do người phụ nữ có tài khoản facebook là H.K.A chia sẻ, chị có anh trai bị ung thư và đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) để khám dịch vụ. Người này cho hay, có mặt tại Bệnh viện từ 4-5h sáng, xếp hàng rất lâu mới được khám và được chỉ định đi đóng tiền. “Tưởng có phiếu khám xong thì được khám bệnh, nhưng người nhà bệnh nhân tiếp tục phải xếp một hàng dài nữa để chờ đợi đóng 200.000 tiền khám. Như vậy phải chờ đến trưa mới được đóng tiền, và đến tối mới khám xong”.

Cũng trong clip, người phụ nữ cho rằng, bệnh nhân phải đóng hết các loại tiền vẫn phải đóng tiền mua dao mổ, mỗi người một con dao mổ như thế là lãng phí; có người phải mua dao mổ 25 triệu đồng. “Bộ Y tế đang ở đâu, để cho bệnh nhân kêu than”, chị H.K.A bức xúc. Chị cũng mô tả bệnh nhân có bao nhiêu tiền, đóng hết vào tiền viện phí, để rồi đến trưa lại phải xếp hàng để xin suất cơm từ thiện. “Tại sao Bệnh viện không đăng ký trực tuyến và chuyển tiền thẳng vào bệnh viện chứ không đóng tiền trực tiếp, không qua tay ai cả. Rồi người nhà, người bệnh nằm vật vờ phía ngoài hết ngày nọ đến ngày kia, thậm chí cả tuần chưa được truyền hoá chất. Đồng tiền cuối đời của con người vào Bệnh viện K3 Tân Triều mà vẫn bị hành, vẫn bị khổ”, người phụ nữ nói.

Không chỉ phản ánh sự việc ghi nhận tại Bệnh viện, chị H.K.A còn thừa nhận số bệnh nhân ung thư gấp 10 lần mấy năm trước, và nhắn nhủ mọi người bảo vệ lo cho sức khỏe của mình. Đồng thời, nói rằng bệnh ung thư là không chữa được. Nếu mình bị ung thư thì sẽ sắp xếp cuộc sống cho con mình, tìm ngôi chùa thanh tịnh để ở, chịu đau một tí chứ không vào bệnh viện để chữa. Clip đã nhận được hàng chục nghìn lượt “like” và hàng nghìn bình luận. Bên cạnh những bình luận chia sẻ với y, bác sĩ về tình trạng quá tải của bệnh viện, tập trung các bệnh nhân nặng ở nhiều địa phương tới khám… thì không ít bình luận đồng cảm với các ý kiến của chị H.K.A, và cho rằng mình cũng trải qua những điều tương tự.

Lên tiếng về nội dung clip đăng tải, đại diện Bệnh viện K cho hay, lãnh đạo bệnh viện đã triển khai họp các đơn vị liên quan, theo đó cán bộ y tế đảm bảo thực hiện đúng quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện ban hành. Thực tế cho thấy số lượng người bệnh có nhu cầu đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện ngày càng gia tăng, cụ thể số lượt khám bệnh 6 tháng đầu năm 2023 là 214,997 lượt, tăng 39,7% so với năm 2022. Bệnh viện đã chủ động nắm bắt được vấn đề việc người bệnh xếp hàng chờ khám vào khung giờ cao điểm từ 6h00 - 7h30 các ngày trong tuần. Bệnh viện đã triển khai hàng loạt các giải pháp để cải thiện vấn đề này như: Khuyến khích người bệnh đặt lịch khám, hẹn giờ khám qua ứng dụng Tư vấn, khám bệnh từ xa; Tăng số lượng bàn khám tại cơ sở Tân Triều lên 28 phòng khám...

Việc triển khai các giải pháp trên đã giúp khu vực phòng khám giảm tình trạng ùn tắc đặc biệt là vào đầu giờ tiếp đón, khám bệnh, việc giải quyết triệt để vấn đề này là mong muốn của Bệnh viện với mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên phần lớn người bệnh ung thư có điều kiện khó khăn, đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước vì vậy với tâm lý chung của người bệnh và các điều kiện khách quan khác, người bệnh thường chủ động tới khám và chờ đợi; hoặc tới khám trước giờ hẹn đã đăng ký. Bệnh viện K khẳng định một số thông tin như video đăng tải “Ung thư không thể chữa khỏi”… là thông tin không chính xác. Bệnh viện K trong thời gian qua đã nỗ lực cùng các bệnh viện, Trung tâm, Khoa, cơ sở ung bướu trên cả nước tiếp đón, khám chữa bệnh ung bướu cho người dân, nhiều nghiên cứu, thống kê cho thấy tỷ lệ chữa khỏi một số bệnh ung thư có thể đạt trên 90% nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Bệnh viện K cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp người bệnh điều trị thành công khỏi bệnh 15, 20, 30 năm.

Trước sự việc này, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát, chấn chỉnh, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; tăng cường tập huấn các kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế. Xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm. Đồng thời, quán triệt phương châm “Lấy người bệnh là trung tâm”, đẩy mạnh triển khai hoạt động bảo đảm an toàn người bệnh với mục tiêu “Y tế trước tiên là không gây hại cho người bệnh”, hưởng ứng chủ đề Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2023: “Lắng nghe tiếng nói, tâm tư người bệnh”. 

TRẦN HẠNH

Ý kiến bạn đọc