Cảnh giác với bệnh cúm mùa

VHO- Các chuyên gia cảnh báo, dịch Covid-19 hiện đang được kiểm soát, cùng với các hoạt động mở cửa và nới lỏng biện pháp phòng chống dịch, hệ miễn dịch của cơ thể giảm sút khiến cho vi khuẩn dễ xâm nhập, dễ bị đồng nhiễm nhiều dịch bệnh như Covid-19, cúm mùa, sốt xuất huyết…

Cảnh giác với bệnh cúm mùa - Anh 1

 Nhiều người dân tiêm phòng dịch cúm trước mùa đông sắp tới Ảnh: KHÔI NGUYÊN

Tại Việt Nam, vào cuối tháng 7 đầu tháng 8, trên thị trường “cháy” các loại thuốc chứa hoạt chất Tamiflu bởi nhu cầu của người dân mua thuốc để tự điều trị bệnh cúm A. Thời điểm đó, chỉ trong vòng 2 tuần, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có hơn 100 ca mắc cúm A thăm khám và nhập viện điều trị. Đặc biệt có ngày tiếp nhận cùng lúc 20 bệnh nhân tại khu công nghiệp cùng nhập viện do cúm A. Đến đầu tháng 8, Bệnh viện đã điều trị cho hơn 252 trường hợp mắc, chủ yếu ở nhóm đối tượng trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 44,1%), tiếp đó là nhóm tuổi 18-49 tuổi (chiếm 39,7%).

PGS.TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, gia tăng dịch cúm A là xu hướng toàn cầu trong mùa hè vừa qua và sẽ có thể gia tăng mạnh vào mùa đông. Điều này có thể lý giải rằng, có giai đoạn chúng ta xiết chặt các hoạt động để khống chế dịch Covid-19, khi dịch được kiểm soát thì người dân phơi nhiễm với bệnh đó giảm đi, theo thời gian sự miễn dịch cũng giảm xuống. Chia sẻ kinh nghiệm Hàn Quốc tại hội thảo hội thảo khoa học “Cập nhật phòng tránh bệnh cúm mùa đông xuân năm 2022-2023” (do Hội Y học dự phòng Việt Nam tổ chức), GS Kang Jin Han, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc cho biết, trước kia dịch cúm thường hay xảy ra vào mùa đông nhưng đợt vừa rồi lại xảy ra ở mùa hè sau đợt dịch Covid-19, như vậy dự báo dịch cúm vào mùa đông sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa.

Cũng theo Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, không có vắc xin nào đảm bảo tỉ lệ bảo vệ 100%, mà đều có tỷ lệ bảo vệ nhất định nhưng điều quan trọng nhất là giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, phòng bệnh nặng, nguy cơ nhập viện dẫn đến tử vong. “Thời điểm này Việt Nam đang xuất hiện nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đã ghi nhận nhiều người đồng nhiễm từ 2-3 bệnh truyền nhiễm như cúm, sốt xuất huyết, Covid-19, thậm chí là Adeno. Khi một người đồng nhiễm nhiều bệnh thì nguy cơ bệnh diễn biến nặng sẽ cao gấp nhiều lần nhiễm một bệnh. Do đó, bằng mọi cách chúng ta phải giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nhiều nhất có thể. Ví dụ như cúm có thể tiêm vắc xin, các bệnh khác dùng phương pháp vệ sinh, hạn chế tiếp xúc...”, ông Phạm Quang Thái nói.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc