Cẩn thận kẻo “tiền mất tật mang”

VHO- Thời gian gần đây trên mạng xã hội tên tuổi của một số bác sĩ đầu ngành, bác sĩ nổi tiếng, thậm chí là thương hiệu của nhiều bệnh viện lớn đã bị một số cá nhân, cơ sở... giả mạo với mục đích quảng cáo bán thuốc, chữa bệnh. Do đó, người dân cần phải hết sức cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước mánh khóe lừa đảo này nhằm tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Cẩn thận kẻo “tiền mất tật mang” - Anh 1

 Hình ảnh được bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM chia sẻ trên facebook cá nhân

Mới đây trên một trang blog cá nhân có tên TS. BS Trương Hữu Khanh, với hình đại diện là ảnh của bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM quảng cáo về thuốc chữa bệnh sỏi thận. Theo đó, trang này giới thiệu tặng miễn phí thuốc điều trị sỏi thận, sỏi mật. “Món quà vô giá cho bà con mắc sỏi thận”. Đồng thời để tăng thêm độ tin cậy, trang này còn viết thêm: Nhận chỉ đạo từ cấp trên và hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, tặng miễn phí 300 liệu trình đặc trị sỏi thận, sỏi mật cho bà con trên toàn quốc. Đồng thời nói thêm, chi phí chương trình này hoàn toàn được tài trợ bởi Quỹ từ thiện “Y học cổ truyền Việt Nam”. Thực tế đây không phải là lần đầu tiên, hình ảnh của bác sĩ Trương Hữu Khanh bị lợi dụng mà trước đó đã có nhiều trang fanpage, nhiều facebook… đã sử dụng tên, hình của vị bác sĩ này để quảng cáo.

Không chỉ cá nhân các bác sĩ mà thậm chí ngay cả thương hiệu của một số bệnh viện lớn cũng bị mạo danh nhằm trục lợi. Trước thực trạng trên Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã phải phát đi cảnh báo đối với toàn thể bệnh nhân. Theo đó Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, hiện nay một số cá nhân, tổ chức mạo danh cán bộ, nhân viên y tế đang làm việc tại bệnh viện rồi nhắn tin, gọi điện hoặc cung cấp đường link vào website, số điện thoại tổng đài mạo danh cho người bệnh để tư vấn, giới thiệu các loại thuốc điều trị hỗ trợ không rõ nguồn gốc, có thể là thuốc giả, thuốc kém chất lượng, hết hạn sử dụng… có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh, thậm chí tử vong. Do đó, nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh và uy tín của bệnh viện, nên Bệnh viện Da liễu TP.HCM khuyến cáo bệnh nhân cần đề cao cảnh giác, tránh mắc bẫy lừa đảo của các đối tượng giả danh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.

Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng: Trước hết việc mạo danh bác sĩ, dược sĩ để bán hàng online là hành vi vi phạm pháp luật. Như chúng ta đã biết, việc phát triển mạnh của hình thức bán hàng online trong thời gian gần đây trên các mạng xã hội đã kéo theo hành vi trục lợi của một số cá nhân. Một trong số đó phải kể đến là mạo danh bác sĩ, dược sĩ, để bán thuốc online. Hành vi này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của các bác sĩ, người hành nghề y chân chính mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người mua hàng. Bởi bán hàng online trên không gian mạng có thể tiếp cận được đa dạng đối tượng khách hàng rộng khắp cả nước.

Tại Điều 101 trong Nghị định 15/2020/ NĐ-CP, quy định rõ mức tiền phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống. Còn tại khoản 3, Điều 102, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật cũng sẽ bị phạt với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

NGUYỄN HIẾU

Ý kiến bạn đọc