Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vững vàng trong tâm dịch: Chung tay đồng hành với y, bác sĩ
VHO- Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2, Đông Anh-Hà Nội) trở thành tâm dịch nhưng với sự vào cuộc nhanh chóng, mạnh mẽ của lãnh đạo Bộ Y tế, TP Hà Nội nơi đây đã dần ổn định tinh thần để vẫn tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19…
Chiều ngày 6.5, Binh chủng Hóa học - Trung tâm ứng cứu sự cố hóa học (Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã phun khử khuẩn tại Bệnh viện
Tin bệnh viện “nơi tuyến đầu” chống dịch có bác sĩ mắc Covid-19 được loan ra từ những ngày trước khiến cho người dân ban đầu còn hoang mang, thì nay cộng đồng và mạng xã hội đã gửi đến đội ngũ y bác sĩ nơi đây những lời động viên thể hiện sự trân quý. Bởi đây là bệnh viện tuyến đầu điều trị gần một nửa số bệnh nhân Covid-19 của cả nước, trong đó có nhiều ca nặng từ các tỉnh chuyển về.
“Các y bác sĩ cố gắng, vững vàng chiến đấu”
Lo lắng là tâm lý ban đầu, nhưng ở một góc độ khác cũng dễ dàng nhận thấy người dân đón nhận thông tin trên đã điềm tĩnh hơn, không còn hốt hoảng như lần lây nhiễm tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng trước đó.
Có lẽ không phải vì người dân “nhờn” với điều này mà bởi họ có lòng tin vào các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nói riêng và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các tỉnh, thành... Tuy vậy, khó có thể quên được giọng nói run run của PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện khi nhiều phóng viên gọi điện hỏi về tình hình Bệnh viện. Ngay trong buổi sáng ngày 5.5, ông đã ký nhiều văn ban về việc cách ly toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới, truy vết, xét nghiệm cho toàn bộ mọi người trong Bệnh viện... Tuy nhiên, ít ai biết được rằng đằng sau những giải pháp quyết liệt ấy, người đứng đầu chỉ huy các “trận địa”, “phòng tuyến” chống dịch trên cả nước cũng không giấu nổi cảm xúc khi chính cơ sở của mình trở thành “điểm nóng”.
Một động thái rất tích cực và đáng ghi nhận trên mạng xã hội trong những ngày qua là, thay vì những lời mỉa mai, đổ lỗi mà đã lo lắng, động viên, yêu thương các y bác sĩ nhiều hơn. Cùng với việc thay avatar với nội dung “Đồng hành cùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chiến thắng Covid-19” được lan toả là những lời chúc “Các y bác sĩ cố gắng, vững vàng chiến đấu”; “Vất vả quá. Cầu mong bình an đến với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương”; “Chúc các anh chị sức khỏe, kiên cường chiến đấu để giúp đồng bào ta chiến thắng dịch bệnh! Thương ạ!”; “Chúc bác sĩ và đồng nghiệp của bác sĩ nơi tuyến đầu thật nhiều sức khoẻ, bình an, vững tinh thần. Chúng tôi luôn tin yêu các bạn!”... Một tài khoản bày tỏ: “Chúc các bác sĩ và điều dưỡng, nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sức khoẻ và thành công. Bệnh viện là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Trân trọng cảm ơn đội ngũ cán bộ quản lý, bác sĩ và nhân viên Bệnh viện”...
Có được tình cảm đáng quý này là bởi đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, y bác sĩ đã tạo được lòng tin vững chắc cho người dân và người bệnh nói riêng khi điều trị cho gần 1 nửa số ca Covid-19 của cả nước mà chưa có trường hợp nào tử vong. Theo ông Vũ Mạnh Cường, Vụ phó Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), suốt hơn một năm qua Bệnh viện này đã đứng vững, các bác sĩ, điều dưỡng và đội ngũ thầy thuốc, nhân viên ở đó đã vượt qua rất nhiều gian khó và thách thức. Họ không chỉ điều trị cho những bệnh nhân được đưa đến đây, mà cứ nơi nào có dịch là các thầy thuốc của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lại cấp tốc lên đường.
Tiếp tế cho các y bác sĩ và bệnh nhân bị cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương
Tuân thủ nghiêm ngặt “5K”
Họ giúp thiết lập những bệnh viện dã chiến ở những điểm nóng của dịch tại các địa phương, lập nên những đơn nguyên hồi sức tích cực trong thời gian ngắn kỷ lục để điều trị bệnh nhân nặng bằng máy thở, hệ thống tim phổi nhân tạo (ECMO) và các trang thiết bị hiện đại mà họ mang từ bệnh viện của mình xuống. Họ gấp rút đào tạo, cầm tay chỉ việc cho các nhân viên y tế địa phương để thích ứng ngay lập tức với công việc điều trị bệnh nhân Covid-19 theo những quy trình chuyên khoa nghiêm ngặt. Họ đã trải qua 2 tháng chống dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam; 2 tháng ăn Tết trong bệnh viện dã chiến ở Hải Dương. “Đó thực sự là những kỳ tích. Covid-19 là dịch bệnh phức tạp, không thể lường hết được những chuyển động khó đoán định của nó. Việc phát hiện các ca dương tính tại Bệnh viện dĩ nhiên là một tin không vui, nhưng đó cũng chỉ là thêm một thử thách nữa mà tôi tin là Bệnh viện sẽ tiếp tục chiến thắng”, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng nhấn mạnh.
Những kinh nghiệm dày dặn trong công tác phòng, chống dịch sẽ là một loại “vắcxin”, tăng sức đề kháng cho các y bác sĩ. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cũng theo ông Vũ Mạnh Cường, trong những thời điểm này, rất cần cộng đồng và các bác sĩ cùng sát cánh bên tập thể thầy thuốc của Bệnh viện, tiếp thêm sức mạnh để một lần nữa họ vượt qua thử thách.
Đến nay, từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã có tới hơn 15 tỉnh, thành ghi nhận bệnh nhân dương tính. Ngay lập tức, các địa phương đã triển khai các giải pháp mạnh mẽ để tăng cường hiệu quả của phòng, chống dịch như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh...; đặc biệt Thái Bình đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, các cơ sở làm đẹp, quán karaoke, massage, xông hơi, rạp chiếu phim, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng... bị tạm dừng. Các địa phương cũng tạm đóng cửa các cơ sở tôn giáo, di tích, tạm dừng hoạt động ở phòng tập gym, aerobic, yoga...; hạn chế người dân ra đường...
Các chuyên gia khuyến cáo, cùng với những chỉ đạo của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các địa phương, người dân cần nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế vì đến thời điểm hiện nay, những khuyến cáo này vẫn đang phát huy hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nói những người không thực hiện cách ly, làm lây lan dịch bệnh là “giặc” trong phòng chống dịch thì hơi quá, nhưng họ cần phải nhìn lại bản thân; đồng thời cần có những biện pháp cứng rắn hơn đối với những cá nhân này.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp trốn cách ly, hay nhập cảnh trái phép, không đeo khẩu trang... đã bị pháp luật xử lý, nhưng còn những đối tượng không tuân thủ quy định cách ly (bao gồm cách ly tập trung hay cách ly tại gia đình) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, bác sĩ Nguyễn Hữu Khanh cho rằng, trong nhóm người bị cách ly, có người cách ly tập trung, người hoàn thành cách ly, người cách ly, theo dõi sức khoẻ tại nhà và người nhập cảnh trái phép cũng dễ vi phạm và cần phải được truyền thông về các hình thức xử phạt để tăng tính răn đe. “Với những người trong khu cách ly tập trung nếu họ không đeo khẩu trang, đi lại tự do, không đảm bảo giãn cách thì bắt buộc tăng thời gian cách ly và phải nộp tiền cách ly sẽ khiến họ tuân thủ hơn”, bác sĩ Khanh đề nghị.
QUỲNH HOA; ảnh: HOÀN ANH