Bệnh sốt xuất huyết Dengue đang bùng phát mạnh

VHO- Sở Y tế TP.HCM cảnh báo, mặc dù chỉ mới đầu mùa mưa nhưng bệnh sốt xuất huyết Dengue đang có xu hướng bùng phát mạnh và đang dần vào cao điểm, số ca mắc liên tục tăng cao. Do đó, các cơ sở y tế và tuyến điều trị tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn các trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue đang bùng phát mạnh - Anh 1

 TP.HCM thực hiện tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết

 Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy, trong tuần vừa qua, thành phố ghi nhận có hơn 2.180 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 38,5% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú tăng 25,9% và ngoại trú tăng 57,1%. Số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy đến nay gần 16.060 ca, tăng 117,3%. Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết nặng hiện chiếm tỷ lệ 1,7% trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong tuần qua đã ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đưa tổng số ca sốt xuất huyết tử vong lên 9 ca, tăng 7 ca so với cùng kỳ năm 2021 (2 ca).

Báo cáo của 4 bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue của TP.HCM cho biết, số ca nhập viện điều trị tại các bệnh viện này đang tăng nhanh, trong đó có trên 625 trường hợp đang nằm điều trị nội trú với hơn 80 ca nặng, 50% số bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các bệnh viện tuyến tỉnh khác, do quá khả năng điều trị.

Theo Sở Y tế TP.HCM, phần lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue có thể được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi hàng ngày tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ để xử trí kịp thời. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, có thể từ nhẹ (chỉ sốt vài ngày rồi hết) đến rất nặng và có thể tử vong. Đa số trường hợp bệnh nhân đều tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến thành thể sốt xuất huyết Dengue nặng có biến chứng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Do đó, trong quá trình điều trị ngoại trú, bệnh nhân cần tái khám và làm xét nghiệm máu hàng ngày. Đặc biệt, cần theo dõi nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng thì phải nhập viện điều trị nội trú.

Thông tin phòng, chống dịch của Sở này cũng cho biết, sốt xuất huyết Dengue diễn tiến qua ba giai đoạn gồm: Giai đoạn sốt, thường từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh, trong đó sốt cao liên tục, bệnh nhân uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại. Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn.. Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần. Tuy nhiên có một tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nguy kịch.

Giai đoạn nguy kịch thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh tính từ khi bắt đầu sốt. Ở giai đoạn này, người bệnh hạ sốt đột ngột (đây là dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn là đã hết bệnh), tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ, li bì; thậm chí lơ mơ, rối loạn tri giác; cảm giác đau bụng nhiều, liên tục, nhất là tại vùng dưới sườn bên phải, nôn ói, tiểu ít, xuất hiện các biến chứng chảy máu ở nhiều nơi (xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu, phụ nữ có thể bị rong kinh rong huyết); một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện viêm cơ tim, tổn thương gan nặng, biến chứng tổn thương đa phủ tạng và có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong. Giai đoạn này, người bệnh cần được nhập viện theo dõi điều trị tích cực. Nếu được điều trị kịp thời, tích cực và đúng phương pháp thì bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn hồi phục, thường sau ngày thứ 7 của bệnh.

Trước tình hình số ca mắc sốt xuất huyết Dengue, số ca nặng và số ca tử vong có khuynh hướng tăng cao ngay từ đầu mùa mưa trên địa bàn, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch về tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi vằn) nhằm kiềm chế sự gia tăng ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu tất cả các hộ gia đình, trụ sở cơ quan đơn vị, nơi sản xuất, trường học, bệnh viện, nơi công cộng… thực hiện các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Bởi cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Do đó, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, xí nghiệp, trường học… phải nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. 

HOÀNG QUÂN

Ý kiến bạn đọc