Bệnh nhân Parkinson thường bỏ qua dấu hiệu từ ... 25 năm trước
VHO- Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh thường gặp ở những người lớn tuổi nhưng có gần 10% trường hợp người bệnh khởi phát ở độ tuổi dưới 40. Bệnh Parkinson không gây nguy hiểm đến tính mạng ngay tức thì nhưng nó làm trở ngại lớn cho công việc và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Bác sĩ Trần Đình Văn hướng dẫn bệnh nhân Parkinson thực hiện các động tác phục hồi chức năng Ảnh: THÁI BÌNH
Trong đó, nhiều người bệnh sau một thời gian dài mắc bệnh sẽ có những dấu hiệu trầm cảm do ngại tiếp xúc xã hội.
Những dấu hiệu bệnh xuất hiện từ hàng chục năm trước
Chia sẻ tại buổi sinh hoạt trực tuyến CLB thường niên với bệnh nhân Parkinson của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vào cuối tuần qua, anh Đinh Mạnh Thắng (37 tuổi, TP.HCM) cho biết, mình phát hiện bệnh khi mới 33 tuổi và đã trải qua 4 năm chung sống với bệnh. Hiện anh đang phải uống thuốc điều trị, nhưng thuốc chỉ có tác dụng 1,5 - 2h. Anh bày tỏ làm sao có thể kéo dài giai đoạn này trước khi xuất hiện các triệu chứng cứng khớp, run tay chân, té ngã; và tập môn thể thao nào đối với người bệnh Parkinson.
Với câu hỏi của anh Thắng, TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, bệnh nhân Parkinson gặp ở nhiều độ tuổi, trong đó có khá nhiều bệnh nhân trên 30 tuổi. Bệnh nhân ở độ tuổi trẻ và người cao tuổi có phương pháp điều trị giống nhau, nhưng tác động của bệnh đối với người trẻ lớn hơn vì ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình, trong độ tuổi lao động phải giao tiếp, làm việc nhiều nên đòi hỏi điều trị tích cực hơn. “Tuy nhiên, đây là bệnh mãn tính nên người bệnh phải kiên trì điều trị, có thể tập môn thể thao trong nhà để đảm bảo an toàn, tập các nhóm cơ vận động cơ thô như đi bộ, tập yoga, các bài tập giúp bệnh nhân tăng khả năng di chuyển, tránh té ngã…”, TS Tuấn nói.
Thông tin thêm về bệnh Parkinson, Ths.Bs Ngô Thị Huyền, Khoa Nội - Hồi sức thần kinh chia sẻ, Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ người bệnh Parkinson gia tăng. Các yếu tố thúc đẩy bệnh nhân gia tăng là cơ cấu dân số ngày càng già hóa, cùng với môi trường kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa và sử dụng nhiều sản phẩm có hóa chất dùng hằng ngày như thuốc trừ sâu, dung môi hữu cơ trong sơn, màu vẽ, kim loại nặng trong nước uống. Ngoài ra, việc chẩn đoán bệnh cũng tốt hơn nên nhiều người trẻ tuổi đã được phát hiện và phải sống chung với bệnh tới 20 - 30 năm.
Tiến triển tự nhiên của bệnh Parkinson trải qua rất nhiều giai đoạn từ tiền lâm sàng (giai đoạn khởi phát) cho đến khi các triệu chứng rõ ràng như run tay chân, cứng khớp, trương lực cơ (giai đoạn toàn phát). Trước khi được chẩn đoán thì bệnh nhân đã xuất hiện nhiều triệu chứng, rồi trải qua 5 giai đoạn từ 10 - 25 năm với các biểu hiện nhẹ nên thường bị bỏ qua. Giai đoạn 1 là ảnh hưởng một bên của cơ thể, chưa ảnh hưởng đến bên kia; giai đoạn 2 là bệnh nhân đã có ảnh hưởng đến bên kia nhưng chưa ảnh hưởng đến phản xạ tư thế của bệnh nhân, bệnh nhân chưa có nguy cơ ngã nhiều. Sang giai đoạn tiếp theo bệnh nhân đã có nguy cơ ngã và ngã nhiều hơn phụ thuộc vào nhiều vật liệu dụng cụ hỗ trợ như gậy, và ở giai đoạn 5 thì bệnh nhân phải dùng tới xe lăn. Lúc này các chất dẫn truyền ở trong não đã mất khoảng 60 đến 70%.
Các dấu hiệu thường xuất hiện từ từ hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác trước khi sang giai đoạn toàn phát như táo bón, dạ dày, tiểu đêm (có thể biểu hiện trong 20 năm trước); giảm khứu giác, bất thường thị giác, rối loạn giấc ngủ, mê sảng, buồn ngủ ban ngày, hội chứng chân không yên, trầm cảm, suy giảm nhận thức (biểu hiện trong 10 năm trước)…
Đi khám và phát hiện sớm bệnh Parkinson
“Có 10 dấu hiệu của bệnh Parkinson mà người bệnh cần nhớ để khi thấy xuất hiện nên đến các cơ sở khám chuyên khoa để xác định gồm: Giọng nói nhẹ, chậm hơn, hụt hơi; táo bón; mặt không cảm giác; dáng gù, khom lưng; chóng mặt, ngất; viết chữ nhỏ; khó ngủ; mất ngửi; khó vận động hoặc đi lại; run. Khi tới phòng khám thì bác sĩ sẽ đánh giá bằng các bài test tỉ mỉ theo thang điểm cho bệnh nhân. Lợi ích của việc chẩn đoán sớm và phát hiện sớm sẽ giúp bệnh nhân được sử dụng các thuốc điều trị dấu hiệu, kéo dài thời gian khởi phát và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân, không để các triệu chứng như run, cứng vận động xuất hiện sớm…”, bác sĩ Ngô Thị Huyền nhấn mạnh.
Khi bệnh nhân chuyển sang giai đoạn toàn phát với những dấu hiệu rõ như run, tăng trương lực cơ làm cho bệnh nhân giảm khả năng vận động thì rất dễ ngã, vì thế cần tập những bài tập liên quan đến phục hồi chức năng làm thế nào khắc phục được những biến chứng của Parkinson. Theo PGS Nguyễn Kim Liên, Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), vai trò của phục hồi chức năng là một trong kiềng ba chân để điều trị bệnh Parkinson bên cạnh biện pháp điều trị bằng thuốc (nội khoa) và phẫu thuật đặt điện cực (ngoại khoa). Mục đích của phục hồi chức năng là ngăn chặn sự tiến triển suy giảm vận động của bệnh nhân Parkinson. Đó là các bài tập để cải thiện chức năng hô hấp, bài tập thở kích thích thần kinh cơ hoặc để duy trì gia tăng kiểm soát các tư thế như các bài tập ngửa cổ, duỗi tay, giảm cứng cơ hoặc kéo dãn các nhóm cơ để duy trì các cấp vận động của khớp…
Làm sao để chẩn đoán sớm nhằm cải thiện được chất lượng cuộc sống của bệnh nhân Parkinson, PGS Nguyễn Kim Liên nhấn mạnh, chính bản thân bệnh nhân phải luôn quan tâm đến sức khỏe của mình, để ý xem mình có có triệu chứng khác lạ so với bình thường hay không. Nhiều bệnh nhân đến phòng khám nói rằng, “tôi nhận ra là có phản ứng nói chậm, tay chân kém linh hoạt từ mấy tháng nhưng thực tế khi các bác sĩ hỏi thì bệnh nhân đã có những biểu hiện từ vài năm trước nhưng đã bỏ qua vì cho rằng mình già hoặc sức khỏe thay đổi không đáng ngại cho lắm”. Vì vậy cần phải nhận biết những triệu chứng thường gặp ở bệnh Parkinson, và đi khám sớm khi được chẩn đoán bệnh thì phải hiểu rõ bệnh.
Hiện nay, một số tiến bộ cập nhật trong chẩn đoán bệnh Parkinson là nghiên cứu chuyển động ngón tay khi đánh máy, test sàng lọc khứu giác, hay phân tích đặc điểm bước chân bị dính vào nhau và dính xát với mặt đất... Một số kỹ thuật khác đang được nghiên cứu như chụp dấu ấn sinh học lấy từ máu, từ nước tiểu DNA của bệnh nhân, lấy dịch não tủy là những test rất phức tạp, độ chính xác cao nhưng để áp dụng vào lâm sàng thì chi phí rất tốn kém.
(Còn nữa)
QUỲNH HOA