90% bệnh nhân ung thư dạ dày được điều trị khỏi sau phẫu thuật ở giai đoạn sớm
VHO- Đây là thông tin được PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đưa ra tại chương trình khám, tầm soát miễn phí bệnh lý ung thư dạ dày diễn ra ngày 24.9 tại Hà Nội.
Anh Nguyễn Văn Hùng (50 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) là 1 trong những người có mặt sớm tại buổi khám. Anh Hùng cho biết, từ trước đến nay anh không có bệnh gì nhưng 2 tuần vừa qua anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng ợ hơi thường xuyên nên khi biết có chương trình khám miễn phí nên anh đã đến khám. Kết quả chụp chiếu cho thấy, anh bị viêm nông dạ dày và 5 ngày nữa đến lấy kết quả sinh thiết có vi khuẩn HP hay không. “Bác sĩ cho biết nếu sinh thiết vi khuẩn HP cho kết quả lành tính thì tôi chỉ cần uống thuốc, nếu ác tính thì phải phẫu thuật. Trong gia đình vợ tôi bị dạ dày, đại tràng đã 20 năm nay”, anh Hùng cho hay.
Độ tuổi bệnh nhân mắc ung thư dạ dày ngày càng trẻ hóa
Anh Hùng là 1 trong hơn 160 bệnh nhân đến khám, tầm soát tại chương trình. PGS.TS Phạm Hoàng Hà, Trưởng khoa Phẫu Thuật tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, các bệnh nhân ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có cả bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi. Bệnh ung thư dạ dày hiện nay cũng có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, về mặt lý thuyết, bệnh nhân ung thư đa số là từ 55 tuổi trở lên, nhưng những năm gần đây có rất nhiều bệnh nhân trẻ được phẫu thuật ở tuổi 30 – 40, thậm chí thậm chí bệnh nhân trẻ tuổi nhất Khoa đã mổ ung thư dạ dày cho bệnh nhân 25 tuổi. “Bệnh nhân trẻ thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn so với nhiều người tuổi, bởi người trẻ đang ở độ tuổi lao động khi xuất hiện khó chịu trong cơ thể thường sẽ đi kiểm tra ngay, cùng với đó là cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông. Khác với người già nhiều người không ở với con cái, hoặc ngại phiền con cái trong việc đi khám nên khi xuất hiện triệu chứng khó chịu thì người già cố chịu, đến mức không thể chịu đựng nổi mới gọi con cái đưa đến bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn”, PGS Phạm Hoàng Hà nói.
Trưởng khoa Phẫu Thuật tiêu hóa cũng cho biết, đối với bệnh ung thư từ trước đến nay được xếp vào bệnh “tứ trứng nan y” nhưng ông vẫn khẳng định là chữa khỏi được. Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày là phẫu thuật, điều trị hóa chất, điều trị đích, trong đó, phẫu thuật vẫn là phương pháp duy nhất đem lại điều trị hiệu quả và khỏi bệnh. Hiệu quả phẫu thuật phụ thuộc vào giai đoạn bệnh của bệnh nhân, nếu bệnh được mổ ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1 -2) thì tỉ lệ khỏi bệnh rất cao; nếu ở giai đoạn muộn tỉ lệ sống sau mổ có thể lên tới 70%-80%; còn ở giai muộn hơn (giai đoạn 4) thì thời gian sống sau mổ được tính bằng tháng và không nói đến sự khỏi bệnh.
Nội soi dạ dày để xác định các tổn thương
“Theo quy định khoa học, sau 5 năm phẫu thuật, bệnh nhân còn sống, không tái phát, không di căn được coi là khỏi bệnh. Với các bệnh nhân chúng tôi theo dõi, có tới 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm sau phẫu thuật sống hơn 5 năm, nhiều bệnh nhân sống tới 10 -15 năm. vẫn còn sống. trong đó, sau mổ ung thư dạ dày có thể trên đến 90%, từ những trường hợp xuất hiện rất sớm. Điều đó có nghĩa rằng ung thư dạ dày là bệnh có thể chữa dạ khỏi được”, ông Hà nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, bệnh ung thư dạ dày cũng như các bệnh ung thư nói chung chưa xác định được nguyên nhân cụ thể; nhưng nhiều bằng chứng cho thấy yếu tố nguy cơ hay những yếu tố thuận lợi để gây ra bệnh ung thư dạ dày là thói quen, lối sống, chế độ ăn của người Việt Nam giàu chất Nitrat - có trong các đồ ăn như dưa muối, thịt hun khói, đồ nướng, hút thuốc lá, uống rượu bia quá đà và kéo dài… Nhóm bệnh nhân có nguy cơ bị ung thư dạ dày là người có tổn thương tiền ung thư tức là trong dạ dày đã có những bệnh dễ mắc ung thư ví dụ như polyp dạ dày, viêm loét dạ dày, viêm dạ dày mãn tính điều trị lâu dài hoặc nhiễm khuẩn HP. Ngoài ra, nhóm bệnh nhân có yếu tố gia đình, tức là trong gia đình có thành viên bị ung thư dạ dày hoặc là những yếu tố thuận lợi dẫn đến bệnh ung thư dạ dày.
“Ung thư dạ dày giai đoạn đầu và được phát hiện sớm chủ yếu nhờ hai nhóm: nhóm bệnh nhân không có triệu chứng gì và được phát hiện chủ yếu trong các chương trình khám bệnh định kỳ . Họ có thể là bệnh nhân có nguy cơ cao - trong các bệnh nhân trong gia đình có người mắc bệnh ung thư dạ dày hoặc bản thân bệnh nhân trước đây có mắc các bệnh dạ dày hoặc tổn thương dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm niêm mạc dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP hoặc bệnh nhân có chế độ ăn uống, lối sống không hợp lý. Ở nhóm thứ hai là những trường hợp có triệu chứng ở mức độ nhẹ, được gọi là triệu chứng mơ hồ; tức là bệnh nhân có những biểu hiện ăn không vào đầy bụng, chậm tiêu, tức - nặng bụng, thậm chí bệnh nhân thấy có biểu hiện đau nhẹ ở vùng bụng trên rốn. Với các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, mơ hồ như thế thì người bệnh cần phải theo dõi và đi khám để xác định bệnh”, PGS.TS Phạm Hoàng Hà khuyến cáo.
Q.HOA