Thách thức chuyển đổi số đối với ngành Xuất bản
VHO - Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu, ngành Xuất bản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức, từ bảo vệ bản quyền đến thay đổi thói quen người dùng và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.

Cơ hội từ sách điện tử
Theo thống kê tại Hội thảo "Chuyển đổi số - Nhận thức và hành động" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức, sách điện tử đang mở ra nhiều tiềm năng với khả năng lưu trữ lớn, tính tiện lợi và cá nhân hóa cao.
Ông Nguyễn Thành Nam, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số cho biết: "73% người dùng đã chuyển sang sách điện tử nhờ ưu điểm như dễ dàng tìm kiếm, kết nối với thiết bị nghe và tích hợp nội dung đa phương tiện."
Năm 2024, hơn 50 nhà xuất bản tại Việt Nam đã tham gia xuất bản điện tử, đóng góp vào doanh thu toàn ngành đạt 8.700 tỷ đồng. Số lượng người dùng máy đọc sách cũng vượt mốc 300.000, tăng trưởng 15%/năm, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, sách điện tử cũng đặt ra nhiều rào cản như yêu cầu kết nối internet, ảnh hưởng sức khỏe khi sử dụng thiết bị điện tử lâu dài, và đặc biệt là nguy cơ mất dữ liệu.

Thách thức về bản quyền và thói quen người dùng
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất là thách thức về bản quyền. Ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên gia an toàn thông tin, nhấn mạnh: "Sách điện tử dễ bị sao chép và phân phối trái phép, gây thiệt hại lớn cho nhà xuất bản và tác giả."
Sách lậu không chỉ làm giảm doanh thu mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm mã độc, ảnh hưởng đến người dùng.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia đề xuất áp dụng công nghệ bảo vệ nội dung số như Watermarking (đóng dấu nhận dạng), Content Encryption (mã hóa nội dung) và Digital Rights Management (DRM - hệ thống quản lý bản quyền số).
Bên cạnh đó, thói quen sử dụng sách giấy của học sinh và giáo viên vẫn là rào cản lớn. Ông Lê Hồng Quân, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, cho biết: "Việc thay đổi nhận thức và hành vi người dùng đòi hỏi thời gian và chiến lược truyền thông hiệu quả."
Khó khăn trong mô hình kinh doanh và nhân sự
Chuyển đổi số cũng đặt ra bài toán về mô hình kinh doanh. Người dùng thường kỳ vọng sách điện tử có giá rẻ hơn sách giấy, trong khi các nhà xuất bản cần cân bằng giữa lợi nhuận và chi phí đầu tư công nghệ.
Ông Quân chia sẻ: "Cần xây dựng mô hình kinh doanh bền vững, không chỉ dừng lại ở việc bán sách một lần mà phải tạo ra nguồn thu dài hạn."
Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng là một thách thức. Đội ngũ nhân sự trong ngành xuất bản vẫn quen với mô hình truyền thống, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng công nghệ mới.
Ông Nguyễn Tuấn Dương, Phó Trưởng ban Chiến lược sản phẩm VNPT IT, đề xuất: "Các nhà xuất bản cần đào tạo nhân sự chuyên sâu về chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái số đồng bộ từ ứng dụng đọc sách đến hệ thống thanh toán."

Giải pháp và tầm nhìn tương lai
Để vượt qua những thách thức, các chuyên gia khuyến nghị chúng ta nên có sự đâu tư sâu hơn vào công nghệ bảo mật, ví dụ như ap dụng blockchain, AI để bảo vệ nội dung số.
Bên cạnh đó cũng phải thay đổi nhận thức người dùng bàng cách tăng cường truyền thông về lợi ích của sách điện tử. Từ đó chú trọng vào vấn đề đào tạo nhân lực - Mở các khóa học chuyên sâu về chuyển đổi số cho đội ngũ xuất bản.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định: "Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà là mệnh lệnh của thời đại. Chúng tôi cam kết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng xuất bản và mở rộng thị trường."
Chuyển đổi số trong ngành xuất bản mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía. Từ bảo vệ bản quyền, thay đổi thói quen người dùng đến xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp, các nhà xuất bản cần có chiến lược đồng bộ và dài hạn.
Với quyết tâm cao và sự hỗ trợ từ công nghệ, ngành xuất bản Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên tầm quốc tế trong kỷ nguyên số.