Lịch sử, văn hóa của chùa Phật Tích trong dòng chảy lịch sử dân tộc

QUANG ANH

VHO - Để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của bạn đọc về giá trị lịch sử, văn hóa... của chùa Phật Tích, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Phật Tích - Trung tâm Phật giáo cổ nhất ở Việt Nam do Thượng tọa, TS. Thích Đức Thiện và ThS. Nguyễn Thái Bình đồng chủ biên.

Lịch sử, văn hóa của chùa Phật Tích trong dòng chảy lịch sử dân tộc - ảnh 1
Lịch sử, văn hóa của chùa Phật Tích trong dòng chảy lịch sử dân tộc

Cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về giá trị lịch sử, văn hóa chùa Phật Tích;

Những đóng góp quan trọng về tôn giáo, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... của chùa Phật Tích trải qua chiều dài lịch sử dân tộc.

Chùa Phật Tích (Phật Tích tự) còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự), là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha, Non Tiên), thuộc xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, Phật Tích đã nằm trong địa bàn diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ.

Trên cơ sở hình thành trung tâm Phật giáo đầu tiên ở nước ta (trung tâm Dâu - Luy Lâu), nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La đã về đây dựng chùa và truyền đạo.

Nhưng phải đến đời Lý (1009-1225) thì chùa Phật Tích mới được xây dựng với quy mô lớn. Chùa Phật Tích được triều Lý ưu ái đặc biệt bởi nằm trong vùng văn hóa lâu đời của xứ Kinh Bắc, quê hương của vua Lý.

Theo tài liệu cổ thì chùa Phật Tích được khởi dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (1057). Năm 1066, vua Lý Thánh Tông lại cho xây dựng một cây tháp cao. Sau khi tháp đổ mới lộ ra ở trong đó bức tượng Phật A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng.

Để ghi nhận sự xuất hiện kỳ diệu của bức tượng này, làng gần kề chùa đổi tên là Phật Tích và dời cả lên sườn núi.

Kể từ khi xây dựng (năm 1057), chùa Phật Tích đã được các triều đại chọn sử dụng vào các công việc xã hội ngoài phạm vi tôn giáo một cách hiệu quả.

Do vị trí đắc địa của ngôi chùa, từ lâu trong dân gian đã từng lưu truyền nhiều truyền thuyết về chàng Vương Chất giả làm tiều phu mải mê xem tiên đánh cờ đến nỗi để mục cả cán rìu, hay huyền thoại về mối tình giữa Từ Thức với nàng tiên Giáng Hương gắn liền với lễ hội hoa mẫu đơn...

Lịch sử, văn hóa của chùa Phật Tích trong dòng chảy lịch sử dân tộc - ảnh 2

Những cổ tích huyền thoại đó làm cho khung cảnh chùa Phật Tích thêm huyền ảo, góp phần làm cho ngôi chùa thêm sức hấp dẫn đối với tín đồ và khách thập phương.

Cuốn sách “Phật Tích - Trung tâm Phật giáo cổ nhất ở Việt Nam” dày hơn 340 trang, gồm 2 phần: “Phật Tích – Giá trị lịch sử và văn hóa”, “Phật Tích - Đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc thời Lý”.

Bên cạnh các bài viết đi sâu khẳng định những giá trị lịch sử, nghệ thuật quý giá, những đóng góp quan trọng về lịch sử, văn hóa của chùa Phật Tích trong dòng chảy lịch sử dân tộc, cuốn sách còn có nhiều bài nghiên cứu thể hiện sự quan tâm, đề xuất việc bảo tồn, tôn tạo, phục hồi hệ thống các di tích chùa, tháp Phật Tích nhằm xây dựng Phật Tích thành trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh và sinh thái.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc