Đưa các em hành trình Trường Sa, Nhà giàn DK1 qua trang sách
VHO - Nhà của con chó Xù là đảo Đá Đông A, huyện đảo Trường Sa. Nếu con Xù biết nói và ai đó hỏi, “này Xù, hãy miêu tả về thế giới xung quanh nào”, bài văn của con Xù chắc viết rằng, “thế giới này là 2 ngôi nhà, toàn bộ còn lại là nước biển và thỉnh thoảng lại có người đi tàu từ đảo 2 ngôi nhà khác đến thăm…”.

Đó là những lời văn dung dị, dễ thương được nhà báo Lê Văn Chương viết dành cho các em thiếu nhi. Xuyên suốt tập sách dày gần 200 trang sách (do Nhà Xuất bản Trẻ TP.HCM phát hành tháng 4.2025) là những câu chuyện về Trường Sa và Nhà giàn DK1 được viết với vẻ hồn nhiên, lời văn mộc mạc như ánh nắng ban mai.
Tập sách này gồm 6 phần: Chó cưng ở Trường Sa, Bố mẹ là cây phong ba, Em bé Trường Sa, Những năm tháng gian lao, Tìm ra xứ sở như trong mơ, Những bãi ngầm và Nhà giàn DK1.

Nhà báo Lê Văn Chương, phóng viên Báo Biên phòng, cộng tác viên của Báo Văn Hóa là cây bút có nhiều tác phẩm viết về ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Ngày 27.3.2025, tại thành phố Hải Phòng, Quân chủng Hải quân tổ chức tổng kết trao giải thưởng sáng tác văn học nghệ thuật (VHNT) về đề tài Hải quân nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021- 2025, nhà báo Lê Văn Chương đã được trao giải A bộ sách (3 tập) Như cây phong ba trên đảo Hoàng Sa.
Ngay sau khi trao giải, tác giả đã nhận được nhiều lời thăm hỏi từ bạn đọc ở thành phố Hải Phòng để chia sẻ cảm xúc về 3 tập sách.
Trên Báo Văn Hóa, nhà báo Lê Văn Chương là cây bút quen thuộc viết về đề tài biển đảo trên khắp vùng duyên hải ra tới các đảo xa bờ, gần đây là các bài viết về gương những đảng viên trẻ trên thềm lục địa của Tổ quốc, góc nhìn về quần đảo Thổ Chu (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), những câu chuyện sống động về quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), ngư dân Hoàng Sa bám biển kiên cường.
“Cả đêm hôm qua, con chó tên Đen ngồi cạnh ụ súng trung liên 12,7 mm nên đã thấm mệt. Con Đen đi tới, đi lui và mắt dõi về phía trước như ngàn ngày đã trôi qua. Nó được sinh ra và lớn lên ở đảo Cô Lin, từ nhỏ đã quen với hình ảnh hòn đảo được bao quanh bởi những cọc bê tông, giống như một hàng rào cắm để ngăn quân thù tiếp cận vào đảo…”.
Tác giả tâm sự, trong tập sách này, phần viết về chó là nội dung hay nhất và thu hút các cháu nhỏ. Tác giả từng bỏ ra nhiều ngày đến Trường Trung cấp 24 Biên phòng (tại huyện Ba Vì, TP Hà Nội) để quan sát những chú chó, từ đó có những đặc tả rất thú vị về loài chó tinh khôn và gần gũi với con người.

Trong tập sách này, tác giảcũng kể lại câu chuyện về những tháng năm gian khổ của các thế hệ cha anh đi trước ở Trường Sa, những người con đến từ rất nhiều miền quê trên đất Bắc như: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hải Dương… Không biết bao nhiêu mồ hôi của lớp lớp những cán bộ, chiến sĩ thời đó đã rơi xuống ở vùng biển đảo Trường Sa.
Tác giả cũng dành một chương nói về những ngư dân ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, từ thập niên 80 của thế kỷ trước, họ là những chàng trai trẻ, trên tàu không có thiết bị định vị, nhưng vẫn dò đường để ra vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa và thềm lục địa của Tổ quốc.
Câu chuyện đó cũng góp phần gợi lên cảm xúc cho các cháu học sinh sự cảm phục các bác, các chú ở làng chài đã kiên cường bám giữ biển khơi.