Trại hè “Hoa hướng dương”: Cuộc hội ngộ của trẻ mồ côi và mẹ đỡ đầu
VHO- Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày gia đình Việt Nam 28.6, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức sự kiện Trại hè “Hoa hướng dương” cho trẻ mồ côi năm 2023.
Ban Chấp hành Hội LHPN huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận đỡ đầu em Phan Lê Thanh Khải (5 tháng tuổi, tổ 22, ấp Tiến Thành, xã Quảng Thành)
Tham dự có 100 em đến từ 39 tỉnh, thành Hội tiêu biểu, gồm 71 em gái và 29 em trai, độ tuổi từ 9-16. Trong số này, có 37 em mồ côi cha, 39 em mồ côi mẹ và 24 em mồ côi cả cha lẫn mẹ; có 9 em là người dân tộc thiểu số (Chăm, Vân Kiều, Mông, Khmer, Hoa). Trong số 99 bố mẹ đỡ đầu có 67 mẹ và 1 bố đỡ đầu trực tiếp, 22 mẹ đỡ đầu gián tiếp thuộc nhiều ngành nghề, tầng lớp xã hội. Dự kiến chương trình được tổ chức từ ngày 7 - 8.6 tại Học viện Viettel (xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Người mẹ của 36 trẻ mồ côi
“A... mẹ đến rồi, mẹ đến rồi! Con nhớ mẹ... mẹ ơi!...”, nghe những câu reo vui và nét mặt hân hoan rạng ngời của những đứa trẻ, dường như mọi sự mệt mỏi của chị Đào Thị Thanh An (Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) đều tan biến hết. Đó cũng là niềm vui, là động lực lớn để chị thường xuyên rong ruổi trên các tuyến đường, không quản vất vả mang những phần quà hỗ trợ đến cho các con của mình.
Giữa năm 2021, khi đại dịch Covid bùng phát dữ dội, hằng ngày chị An cùng các chị em trong BCH Hội LHPN xã thường xuyên đi quyên góp thực phẩm để gửi lên tiếp tế cho bà con địa phương đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... bị kẹt lại chỗ trọ khi những nơi này thực hiện Chỉ thị giãn cách của Chính phủ.
Công việc tiếp tế là cơ duyên đưa chị An đến nơi ở của ba cháu nhỏ Đinh Thị Tuyết Lam (sinh năm 2008, học lớp 9), Đinh Đăng Khôi (sinh năm 2010, học lớp 6) và Đinh Thị Tường Lam (sinh năm 2012, học lớp 5). Cha mẹ các cháu đi làm công nhân tại Bình Dương và gửi con lại nhà cho ông bà ngoại chăm sóc. Nhưng thật không may, người cha bị nhiễm Covid-19 và không qua khỏi; người mẹ ở lại phòng trọ một mình với nỗi đau đớn, hụt hẫng và lo lắng tột cùng. Thấu hiểu được điều đó, chị An cùng chị em trong Hội đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền, gạo, thực phẩm, vật dụng... giúp các cháu ổn định cuộc sống và duy trì việc học.
“Thương người như thể thương thân, đã thương thì thương cho trót”, với suy nghĩ đó, cuối năm 2021, chị An lại tiếp tục vận động Mạnh Thường Quân xây cho các cháu một căn nhà nhỏ. Ngày bốn mẹ con đoàn tụ cũng là ngày tro cốt người cha được mang về quê, nước mắt buồn vui của cả xóm cùng rơi trước hoàn cảnh của họ. Hiện tại, mẹ các cháu không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy nên không đủ khả năng nuôi con ăn học. Từ cơ duyên gặp mặt lần đầu, chị An đã nhận làm mẹ đỡ đầu ba cháu, tháng nào chị cũng tất bật mang gạo, thực phẩm, quần áo, tập viết do chị đi vận động đến để các con được tiếp bước tới trường.
Từ những lần gặp gỡ, kết nối như thế, cùng sự đồng hành của các nhà hảo tâm, đến nay chị Thanh An đã nhận đỡ đầu 36 trẻ mồ côi trong xã. Hơn một năm nay, chị được chồng con hỗ trợ hết mọi việc sản xuất, chăm sóc gia đình để chị dành thời gian làm công tác thiện nguyện. “Ngoài việc làm cầu nối với các nhà hảo tâm, tôi còn muốn làm chỗ dựa tinh thần cho những người mẹ, người bà và cho bọn trẻ. Bởi lẽ, sau khi mất người thân là trụ cột gia đình, họ rất hoang mang, lo sợ, không biết bắt đầu tổ chức cuộc sống cho những thành viên còn lại từ đâu. Họ cần lắm những bàn tay chìa ra giúp đỡ, hay có khi chỉ là một lời khuyên chân thành, một định hướng đúng đắn, một sự động viên kịp thời... để tiếp tục đứng vững và bước trên con đường phía trước. Còn đối với các cháu mồ côi, việc mang hơi ấm tình thân, gia đình đến với các cháu sẽ giúp các cháu đỡ tủi thân hơn, vượt qua đau buồn, tự ti, mặc cảm để có cái nhìn tích cực trong cuộc sống”, chị An bộc bạch.
Cuộc hội ngộ của trẻ mồ côi và mẹ đỡ đầu
Sau dịch Covid-19, tháng 10.2021, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động Chương trình “Mẹ đỡ đầu” với mục tiêu vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ trẻ em mồ côi do dịch bệnh. Trong đó chú trọng vận động, kết nối phụ nữ trên địa bàn nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ với tinh thần tự nguyện. Đến nay, Chương trình đã quyên góp được tổng số tiền trên 115 tỉ đồng, hỗ trợ, đỡ đầu cho 19.760 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn... Cuộc sống của nhiều trẻ thiếu may mắn đã có những đổi thay tích cực.
Đại diện Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết, nhiều địa phương đã đạt tiêu chí 100% trẻ mồ côi do Covid-19 trên địa bàn có mẹ đỡ đầu, nhiều tỉnh/thành Hội đã thực hiện cam kết hỗ trợ không chỉ con mồ côi do Covid-19 mà còn mở rộng đến đối tượng mồ côi do các nguyên nhân khác. Nhiều mẹ đã cam kết đỡ đầu cho đến khi con học xong đại học.
Mặc dù Chương trình mới chỉ bắt đầu cho một hành trình dài, nhưng các con đã được bù đắp phần nào những mất mát phải trải qua. Bên cạnh hỗ trợ các con về vật chất, tinh thần, các cấp Hội còn đặc biệt chú trọng tới việc kết nối, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ phù hợp với độ tuổi, tư vấn sức khoẻ, tâm lý, định hướng học tập, liên hệ cơ sở đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... Tạo điều kiện để các con được phát triển trong môi trường gia đình và cộng đồng, không để em nào bị bỏ lại ở phía sau.
Sự kiện Trại hè “Hoa hướng dương” chính là dịp để các con được nhận đỡ đầu của Chương trình “Mẹ đỡ đầu” (do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động) gặp gỡ, giao lưu, tương tác trực tiếp với các bạn, các anh, các chị ở khắp mọi miền tổ quốc và trải nghiệm các hoạt động vui chơi tập thể, được hòa mình với thiên nhiên và học hỏi nhiều kỹ năng mới. Thông qua các hoạt động của Trại hè, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng mong muốn tiếp tục lan tỏa sâu rộng giá trị nhân văn của Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em và Ngày Gia đình Việt Nam 2023. Sự kiện cũng là dịp để tri ân các cá nhân, tổ chức, đơn vị đã đồng hành cùng các cấp Hội trong quá trình triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu”.
NGUYỆT MINH