Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu

VHO - Trên địa bàn Thừa Thiên Huế có khoảng 1.600 loại dược liệu, chiếm hơn 30% số loài cây thuốc của cả nước. Với điều kiện thuận lợi trong phát triển cây thảo dược, tỉnh Thừa Thiên Huế mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển sản phẩm lĩnh vực dược liệu thông qua các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu - Anh 1

Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia dược liệu và các nhà đầu tư. Ảnh: S.Thùy

Ngày 30.11, Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Làng Công nghệ dược liệu sạch và Công ty TNHH Sản xuất thương mại La-San tổ chức Diễn đàn thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu.

Diễn đàn đã thảo luận, đánh giá những tiềm năng, cơ hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm tìm kiếm các mô hình, giải pháp công nghệ mới, phù hợp với định hướng phát triển ngành dược liệu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thông qua diễn đàn nhằm kết nối các startup và đại diện các Sở, ban, ngành, hiệp hội; kêu gọi các nhà đầu tư, các startup có các giải pháp giải quyết các nhu cầu của lĩnh vực dược liệu… Sự kiện này cũng nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo” (thuộc Đề án 844), hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực miền Trung.

Theo bà Bùi Thanh Hằng, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Việt Nam là một trong 15 nước trên thế giới có tên trong “bản đồ dược liệu”, với khoảng 5.117 loài cây dược liệu đã được ghi nhận, trong đó có 200 loài đã được khai thác thương mại có giá trị cao. Tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây thảo dược, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 1.600 loại dược liệu, chiếm 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước.

Ngành dược liệu đang chuyển mình để thích ứng với xu hướng phát triển xanh và bền vững. Đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị cho chuỗi giá trị dược liệu, đặc biệt đổi mới sáng tạo mở giúp thúc đẩy kết quả nghiên cứu từ viện, trường ra thị trường.

Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu - Anh 2

Người dân huyện Phong Điền thu hoạch lá tràm để nấu tinh dầu tràm nổi tiếng xứ Huế. Ảnh: S.Thùy

Ngoài lợi thế về số lượng loài dược liệu, Thừa Thiên Huế cũng là địa phương có nhiều danh y, ngự y nổi tiếng và lưu trữ nhiều phương thuốc hay, bài thuốc quý và phương pháp khám chữa bệnh Đông y. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện 17 nhiệm vụ KHCN về dược liệu; trong đó có các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, nhiệm vụ do Quỹ Phát triển KHCN tài trợ.

Thông qua các dự án KH&CN đã đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu theo các tiểu vùng sinh thái khác nhau. Đề xuất quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tài nguyên cây thuốc cho các tiểu vùng sinh thái khác nhau dựa trên các dẫn liệu phân bố tự nhiên, sinh thái (tính chất đất, độ ẩm, địa hình) và tập quán sử dụng cũng như xây dựng thành công danh mục 200 cây thuốc chữa bệnh theo tri thức bản địa. Đặc biệt, đã phát hiện cácloài dược liệu quý để đưa vào danh mục nghiên cứu và đưa vào trồng trọt.

Đến nay, diện tích cây dược liệu được gây trồng tại tỉnh Thừa Thiên Huế khoảng khoảng hơn 315 ha, tập trung mạnh ở địa phương như huyện Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Quảng Điền, với những loài cây dược liệu quý như: sa nhân, ba kích, đinh lăng, hà thủ ô, thổ phục linh, sâm cau,... Tuy nhiên, hiện nay ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất còn thấp nên năng suất, chất lượng sản phẩm còn chưa cao. Đây là vấn đề cần phải giải quyết để có thể đưa quy mô, diện tích và công nghệ trồng dược liệu ở Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.

Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dược liệu - Anh 3

Tìm hiểu sản phẩm tinh dầu cây màng tang vừa đạt giải thưởng về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2023. Ảnh: S.Thùy

Giám đốc Sở KH&CN cũng nêu 6 quan điểm, định hướng phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; trong đó, sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp bằng các cơ chế chính sách để phát triển từ vùng trồng dược liệu đến các khâu sản xuất, chế biến và thương mại hóa sản phẩm dược liệu, phát triển sinh kế cho người dân vùng miền núi và đồng bào DTTS.

Trong tất cả các địa phương đang được ưu tiên phát triển cây dược liệu, huyện miền núi A Lưới là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cùng với dư địa rộng lớn. Để phát triển tiềm năng này, UBND huyện A Lưới đã quy hoạch diện tích 360 ha vùng trồng dược liệu tại các xã có đông đồng bào DTTS theo kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng đồng bào DTTS và miền núi 1719, giai đoạn I, có tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng. Các loại dược liệu sẽ được trồng như: ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm bố chính, thiên niên kiện,...

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc