Thi công kè và cầu đi bộ ven sông Như Ý, TP Huế: Người dân lo lắng vì nhà nứt, vườn sụt lún
VHO- Suốt hơn một tháng qua, hàng chục hộ dân sinh sống ven sông Như Ý, qua phường Phú Hội và Xuân Phú, TP Huế thấp thỏm vì nứt nhà, sân vườn sụt lún do thi công các hạng mục của bờ kè và cầu đi bộ ven sông. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, nỗi lo lắng càng chồng chất.
Đơn vị thi công đã hoàn thành việc đóng cọc dọc sông Như Ý, đoạn từ Đập Đá đến cầu Vân Dương
Dự án xây dựng kè và đường đi bộ ven sông Như Ý được khởi công từ tháng 6.2023, đến nay đã hoàn thành việc ép cọc. Công trình sẽ góp phần hạn chế tình trạng sạt lở dọc sông kéo dài nhiều năm qua; đồng thời là điểm nhấn trong việc chỉnh trang, tạo không gian cảnh quan để cộng đồng dân cư và du khách trải nghiệm.
Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Trưởng ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế, chủ đầu tư dự án, đến nay các nhà thầu đã hoàn thành việc đóng ép cọc từ khu vực Đập Đá đến chân cầu Vân Dương, chiều dài gần 1,6 km. Mỗi cọc có chiều dài từ 14-22m nên khi thi công đã gây ảnh hưởng đến các nhà dân sinh sống bên mép sông Như Ý. Trước khi triển khai dự án, đơn vị cũng đã đánh giá và lường trước tình huống này. Những hộ dân trong phạm vi ảnh hưởng bởi dự án, đơn vị đã có khảo sát, chụp ảnh và quay video thực trạng nhà cửa trước khi thi công để có cơ sở đối chiếu, so sánh mức độ thiệt hại nhằm hỗ trợ, đền bù hợp lý.
Công trình kè và đường đi bộ ven sông Như Ý có tổng mức đầu tư hơn 260 tỉ đồng, từ nguồn vốn kết dư của dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế (với tổng mức 24,8 tỉ yên từ vốn ODA của Nhật Bản). Dự án do liên danh giữa Công ty CP Xây dựng 568 (Hà Nội) và Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế thi công. Quá trình thực hiện, có hơn 30 hộ dân ven sông Như Ý, thuộc phường Phú Hội và phường Xuân Phú bị ảnh hưởng vì nứt nhà, sụt lún sân vườn với các mức độ khác nhau. Do đang vào mùa mưa bão, nhiều hộ dân đã rất lo lắng với tình trạng này. Gia đình ông Nguyễn Tấn Đức đang sinh sống trong căn nhà ở số 57 Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú, là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhiều đoạn tường nhà, nền móng nứt toác, tạo khe hở rất nguy hiểm. Trong nhà còn có mẹ già hơn 80 tuổi và con nhỏ nên hơn một tháng qua gia đình ông Đức đã phải sống trong sự thấp thỏm, lo lắng mỗi khi có mưa to. Đợt lũ lụt vào giữa tháng 11 vừa qua, cả gia đình đã phải sơ tán đến nơi khác trú ẩn vì sợ nhà sập.
Tường nhà ông Nguyễn Tấn Đức bị nứt toác sau khi đơn vị thi công ép cọc làm kè và cầu đi bộ ven sông Như Ý
Nhiều hộ dân sinh sống ven sông Như Ý cho biết rất đồng thuận và phấn khởi khi có dự án làm kè và đường đi bộ. Khu vực ven sông đã bị sạt lở nhiều năm qua, lại thường xuyên “hứng” rác thải mỗi mùa mưa lụt nên trở nên nhếch nhác; chính vì thế, dự án sẽ góp phần tạo diện mạo mới, chỉnh trang cảnh quan cũng như tạo điều kiện cho người dân có thêm điều kiện kinh doanh dịch vụ khi cầu đi bộ hoàn thành. Tuy nhiên, việc thi công dự án cần đảm bảo lợi ích hài hòa, kịp thời hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng để sớm khắc phục nhà cửa, ổn định cuộc sống. Ông Trần Công Quang, sinh sống ven sông Như Ý cho biết, mỗi khi đơn vị thi công ép cọc là nhà cửa rung lên rõ ràng, sau đó xuất hiện các vết nứt nẻ dọc tường nhà, các công trình phụ cũng nứt toác, sụt lún. Người dân đã phản ánh đến chính quyền địa phương và chủ đầu tư để sớm có phương án khắc phục cho người dân trong khu vực. Tuy nhiên đến nay đã hơn một tháng vẫn chưa có thông tin gì về giải quyết vấn đề này.
Được biết, chủ đầu tư đã ghi nhận hiện trạng và nắm thông tin về sự việc, đồng thời cũng tổ chức cuộc họp với đơn vị thi công, công ty bảo hiểm gói thầu, chính quyền địa phương để có phương án sớm. Ông Văn Viết Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế thông tin: Chúng tôi đang phối hợp với công ty bảo hiểm để xác định thiệt hại của các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng khi thi công, do theo các quy định của bảo hiểm nên còn chậm. Thực tế, các nhà nằm dọc sông Như Ý có mức độ hư hại khác nhau, có nhà bị nứt tường, nhà sụt lún, có gia đình bị ảnh hưởng nhà ở chính (xây dựng có phép), có hộ lại bị hư công trình phụ, cơi nới không phép. Về quy trình, phải có đơn vị giám định độc lập để đánh giá toàn bộ thiệt hại, nguyên nhân, hướng xử lý khắc phục trên cơ sở giá trị đền bù của công ty bảo hiểm. Đối với những trường hợp nằm ngoài phạm vi được bảo hiểm đền bù, nhà thầu sẽ phối hợp với chủ đầu tư, chính quyền địa phương có phương án hỗ trợ thêm cho người dân sớm ổn định cuộc sống.
Theo kế hoạch, Ban Quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế sẽ tiếp tục có cuộc họp với các đơn vị liên quan vào đầu tháng 12 tới để làm rõ mức độ thiệt hại, dự toán cần hỗ trợ để khắc phục cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Dự án kè và cầu đi bộ dọc sông Như Ý có chiều dài gần 1,6 km, rộng 6m, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6.2024. Theo thiết kế, tuyến đường được lát đá granite, hệ thống lan can sử dụng thép không gỉ, sơn tĩnh điện. Toàn tuyến có bãi đỗ xe rộng hơn 1.300m2; có 11 bến nước; đoạn bắc qua hói Thát Lát có dựng cầu vòm dài 36m… Ngoài ra, các khu vực giáp ranh với nhà dân ở dọc tuyến sẽ được chỉnh trang, bố trí tiểu cảnh, cây xanh để tạo không gian cảnh quan cho TP Huế. |
SƠN THÙY