Thêm cảnh tỉnh trước lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”

VHO- Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền 2 đoạn clip ghi lại hình ảnh một thanh niên độ tuổi ngoài 20 bị đánh đập, tra tấn bằng dùi cui điện, sau đó gửi hình ảnh về cho người nhà để gây áp lực đòi tiền chuộc. Trong phim, người thanh niên bị chích điện giật nảy người, lăn lộn đau đớn nhưng không dám kêu la và cho biết trong vòng 20 phút nếu không có tiền sẽ tiếp tục bị đánh.

Thêm cảnh tỉnh trước lời dụ dỗ “việc nhẹ lương cao” - Anh 1

Tin nhắn cuối cùng của chị B.T.N gửi cho chồng trước khi bỏ trốn

 Nhân vật trong clip được cho là anh là C.P.L.E, quê ở Long An, chỉ vì tin lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao” nên đã đi làm việc tại Campuchia. Ở một clip, E chỉ dám lấy chăn che chắn khi bị tra tấn; còn clip kia, anh này được gọi điện về cho người thân trong tình trạng bị trói, gương mặt thể hiện sự hoảng loạn tột cùng: “Cứu em với anh ơi, cứu em với! Em đau quá!”…

Người thân của E nghe điện và tìm cách thỏa hiệp: “Đừng đánh nữa, để chờ gia đình gom tiền, khi nào có đủ sẽ liên hệ lại, chứ mấy bạn uýnh nó cũng vậy thôi… Phải để má mày mượn tiền chứ. Má mày không có khả năng, chỉ có ông chú mày, khi nào ông ấy đưa tiền cho má, rồi đưa cho tao mới có tiền chứ. Mày thừa biết những câu chuyện như vậy rồi mà vẫn đâm đầu vào”. Người bị đánh rên rỉ: “Thôi em lỡ dại rồi, lần này em về em sẽ ngoan ngoãn, nghe lời. Ổng này nói có bao nhiêu tiền thì chuyển trước, cho 20 phút nữa, nếu không có tiền thì em bị đánh đến tối”…

Đoạn clip đã thu hút hàng nghìn lượt bình luận và hàng chục nghìn lượt chia sẻ. Trong đó, nhiều người đã kể về tình trạng người lao động bị cắt tai, cắt gân, cắt mũi… nếu không lừa đảo đủ chỉ tiêu.

Cũng để cảnh báo tình trạng bị lừa đảo xuất khẩu lao động bất hợp pháp, chồng chị B.T.N (Sơn La) đã chia sẻ về hoàn cảnh của vợ mình sau khi bỏ trốn không thành và chết tại Myanmar. Anh cho biết, chị N cùng 6 chị em khác ở Điện Biên bị lừa bán sang Myanmar làm việc cho một phụ nữ người Việt Nam (quê Móng Cái, Quảng Ninh). Bà này sau khi thua ở sòng bạc đã gán nợ cả 7 người với số tiền hơn 4 tỉ đồng. Muốn trở về với gia đình, họ phải nộp tiền chuộc 500-600 triệu/người.

Chị B.T.N đã phải giấu giếm điện thoại để trao đổi với gia đình, nhưng số tiền chuộc quá lớn nên không thể thu xếp ngay được. Chị N cho biết, mỗi ngày phải kiếm đủ số tiền nhất định, nếu không sẽ bị bỏ đói, bị đánh đập, hành hạ, luôn có bảo vệ theo sát. Lần đó, chị thông báo với chồng là đã tìm được nhà xe và lên kế hoạch bỏ trốn, nhờ chồng và mẹ ở nhà vay mượn sẵn 120 triệu để nộp cho nhà xe, vì ở lại cũng chết nên muốn đánh cược với số phận. Chị nói với chồng, nếu trốn được bảo vệ và lên xe an toàn sẽ nhắn tin, nghĩa là chị được bình an; còn sau 3 ngày mà anh không liên lạc được thì liên hệ với nhà xe mà chị gửi số điện thoại, dặn anh chăm sóc con tốt…

Chị N phải chờ thời cơ sau mấy ngày vì bọn chúng bảo vệ rất nghiêm ngặt; anh chồng cũng chỉ biết động viên vợ cố gắng, cẩn thận, ở nhà sẽ thu xếp đủ tiền. Nhưng kế hoạch thất bại, chị B.T.N không bao giờ còn cơ hội trở về nhà, gặp chồng và các con. Đến tận bây giờ, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, gia đình cũng chưa lo đủ tiền để làm thủ tục đưa tro cốt của chị N về nhà.

Hai câu chuyện trên là lời cảnh tỉnh cho những người vẫn đang manh nha ý định trốn ra nước ngoài lao động bất hợp pháp, bị hấp dẫn bởi lời quảng cáo “việc nhẹ lương cao”. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều cảnh báo, nhưng còn rất nhiều người nhẹ dạ, dễ dàng dính vào bẫy của bọn lừa đảo, tiền mất tật mang, thậm chí mất mạng. Đối tượng mà kẻ xấu nhắm vào thường là trẻ vị thành niên, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động với các hình thức lừa đảo rất đa dạng, tinh vi.

Bộ Công an khuyến cáo, các đối tượng liên tục thay đổi cách thức lừa đảo nên cơ quan chức năng không thể cảnh báo hết; vừa cảnh báo rồi lại nảy sinh ra hình thức mới tinh vi và khó xử lý hơn; phương thức, thủ đoạn phạm tội có xu hướng đan xen, kết hợp nhiều hình thức khác nhau, tập trung đánh vào tâm lý của “con mồi”. Hầu hết chúng đã nắm được một phần thông tin cá nhân của nạn nhân và sử dụng các “chiêu” thao túng tâm lý như tạo sự tin tưởng, lợi dụng lòng tham hoặc sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo.

Do đó, khi muốn tìm việc làm, xuất khẩu lao động, người lao động cần đến các trung tâm xúc tiến việc làm hoặc các công ty xuất khẩu lao động được nhà nước cấp phép. Không nên tin vào lời dụ dỗ không có căn cứ của bất cứ cá nhân nào, kể cả người quen. 

NGUYÊN KHANG

Ý kiến bạn đọc