Tháp cổ giữa đại ngàn chờ “chống sập”

VHO - Tại xã biên giới Mỹ Lý thuộc huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), trong quần thể tháp Phật cổ đến nay chỉ còn lại duy nhất một ngôi tháp hàng nghìn năm tuổi ở bản Yên Hòa còn nguyên. Nhưng nhiều năm qua không được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, tháp cổ Xốp Lợt có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Tháp cổ giữa đại ngàn chờ “chống sập” - Anh 1

 Chính quyền xã Mỹ Lý đã phải cắm biển cảnh báo hạn chế ra vào, dùng lưới B40 làm hàng rào bao quanh khuôn viên tháp

 Sau nhiều năm “cầu cứu”, UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt phương án tu bổ, tôn tạo khẩn cấp tránh đổ sập đối với di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tháp Xốp Lợt. Hiện UBND huyện Kỳ Sơn đang lập phương án tu bổ. Sau khi có phương án, Sở VHTT tỉnh Nghệ An sẽ đề xuất nguồn vốn, trình Sở Tài chính thẩm định.

Tháp cổ thiêng bị “lãng quên”

Từ bản Xiêng Tắm, chúng tôi lên thuyền máy ngược sông Nậm Nơn lên bản biên giới Yên Hòa (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Ngay gần bên sông, trên một khu đất với không gian tĩnh mịch, chúng tôi được chiêm ngưỡng một ngôi tháp cổ huyền bí có tên tháp Xốp Lợt. Đây là một ngôi bảo tháp tuyệt tác của kiến trúc Phật giáo duy nhất còn nguyên nằm lặng lẽ, thâm u giữa đại ngàn.

Tháp Xốp Lợt cao khoảng 30m, ngọn tháp cao vút tựa hình tháp bút trên đáy hình vuông kích thước 5m mỗi mặt. Trên tháp cổ còn nhiều hoa văn, phù điêu ẩn trong lớp rêu phong phủ mờ. Nổi bật là hoa văn về Phật giáo như phù điêu tượng Phật, hình hoa sen, cúc, voi, ngựa... được tạo tác tỉ mẩn, dù vật liệu chỉ là vôi vữa. Tháp cổ này được cho là xây từ thế kỷ VII. Trước đây, ở xã Mỹ Lý còn có một quần thể tháp cổ, nhưng trải qua thời gian tất cả đều đã bị đổ sập, không còn ở dạng phế tích. Nay tháp cổ chơ vơ nằm một bên bờ rào của Trường tiểu học Mỹ Lý. Hiện phần lớn thân tháp cổ đã bị bong tróc, phô ra lớp gạch đỏ thẫm. Chân tháp xuất hiện một lỗ hổng rộng 2m, sâu 1m, cao 4m. Bằng sự quan sát thông thường cũng có thể nhận biết, tháp Xốp Lợt có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Tháp cổ giữa đại ngàn chờ “chống sập” - Anh 2

 Tháp cổ xã Mỹ Lý nằm ở bản Yên Hòa

Ông Lô Văn Uôn, 75 tuổi, người bản Yên Hòa cho biết, lớn lên ông đã thấy ngôi tháp nhưng hỏi thì không một ai biết rõ cụ thể nguồn gốc, chỉ biết tháp cổ là nơi thờ tự hương nến vào ngày mùng 1 và ngày rằm hằng tháng của bà con nơi đây. Hiện, ở cạnh tháp cổ có một cây bồ đề khá lớn, dưới gốc bồ đề, dựng một bàn thờ nhỏ có tượng Phật và một bát hương để thờ tự. Tháp cổ trở thành tháp thiêng từ bao đời nay, khi bị hạn hán, bị bệnh dịch..., người dân bản đều đến thắp hương cầu an. Nhưng thật buồn, thời gian qua tháp cổ bị tàn phá nặng nề. Để cứu ngọn tháp độc nhất vô nhị này, chúng tôi được biết chính quyền xã Mỹ Lý đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng tìm phương án bảo tồn, tuy nhiên đều không có kết quả. Sau thời gian dài đằng đẵng “cầu cứu” tháp cổ trong vô vọng, bà con dân bản rất mừng vì nay tháp cổ đã đang được cơ quan có chức năng “hồi âm” lên phương án bảo vệ trùng tu tôn tạo để chống sụp đổ.

Ông Uôn còn kể câu chuyện ly kỳ về những kẻ đang tâm hủy hoại lấy cắp cổ vật ở trong tháp. Có lần một người dưới xuôi lên đây mua được tượng Phật do kẻ gian ăn trộm bán lại. Mua về, đêm nào ông ta cũng gặp ác mộng. Rồi tai ương đến khiến gia đình ông khuynh gia bại sản. Một đêm có người báo mộng, nếu ông không mang đồ vật trả lại cho ngôi tháp cổ sẽ bị chết. Theo báo mộng, ông ta lặn lội vượt rừng đến Mỹ Lý ra tháp cổ quỳ xuống, vái lạy và đem tượng trả lại. Có hai thanh niên ở Mỹ Lý vào trong tháp lấy tượng Phật đem bán thì người bị chết đuối, người bị thiêu cháy khi đốt nương rẫy. Thật kỳ lạ, nhiều tượng Phật bị đánh cắp đã được những tên trộm trả lại.

Tháp cổ giữa đại ngàn chờ “chống sập” - Anh 3

 Tháp cổ đang bị xâm hại nghiêm trọng

Khẩn cấp tu bổ di sản

Tháp Xốp Lợt là công trình kiến trúc cổ Phật giáo tồn tại hàng thế kỷ trên mảnh đất miền Tây xứ Nghệ. Tháp được tạo bởi các lớp gạch thẻ xếp chồng lên nhau, ở giữa các viên gạch sử dụng một lớp vữa để kết dính. Đế và thân tháp gồm 4 mặt quay về 4 hướng Đông Nam - Tây Nam - Tây Bắc - Đông Bắc. Tháp Xốp Lợt được xem là một công trình nghệ thuật quý hiếm, độc đáo của Nghệ An. Di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh đầu năm 2024. Để bảo vệ, chính quyền xã Mỹ Lý đã phải cắm biển cảnh báo hạn chế ra vào, dùng lưới B40 làm hàng rào bao quanh khuôn viên tháp.

Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý kể lại: Trước đây, bên trong tháp cổ này có rất nhiều tượng Phật bằng đồng đen. Thời điểm trước, khi đồng đen lên cơn sốt, kẻ gian đục phá tháp cổ để lấy trộm tượng Phật bên trong. Tháp cổ này hiện có hàng chục lỗ thủng chi chít từ chân tháp lên đến đỉnh. Đó đều là những dấu vết để lại sau mỗi lần kẻ gian đục tháp để lấy trộm tượng Phật bằng đồng. Tuy nhiên, người dân Yên Hòa lại phát hiện nhiều bức tượng được kẻ gian âm thầm trả lại, đặt bên trong những lổ thủng của tháp. Đến nay, đã có 7 tượng Phật bằng đồng được trả lại. Phần lớn kẻ gian lấy trộm tượng Phật đều là người ở địa phương khác. Hiện nay, lo sợ đặt ở tháp cổ không có bảo vệ sẽ tiếp tục bị mất nên 5 tượng Phật đang được xã Mỹ Lý bảo vệ nghiêm ngặt, còn 2 bức tượng khác do Ban Quản lý bản Yên Hòa cất giữ.

Theo bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Sở VHTT Nghệ An, tháp Xốp Lợt đã trở thành công trình văn hóa Phật giáo đặc biệt ở miền Tây Nghệ An, ghi dấu ấn về sinh hoạt tín ngưỡng phật giáo của đồng bào các DTTS ở khu vực biên giới nước ta. Cùng với những thăng trầm của thời gian, hiện công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Trước tình trạng đó, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương tu bổ, tôn tạo khẩn cấp di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tháp Xốp Lợt. Trải qua thời gian, do bị tác động bởi con người, môi trường, tháp đã bị hư hỏng nặng. Một phần chân tháp đã bị sụt lở dẫn đến tháp bị nghiêng và có nguy cơ đổ sập. Trước mắt, dự án tập trung khắc phục điểm hư hỏng, tránh tháp đổ sập, sau đó mới tính đến các phương án tôn tạo khác, bà Hạnh cho biết thêm. 

 Trước đây, bên trong tháp cổ có rất nhiều tượng Phật bằng đồng đen. Thời điểm trước, khi đồng đen lên cơn sốt, kẻ gian đục phá tháp cổ để lấy trộm tượng Phật ở bên trong. Tháp cổ này hiện có hàng chục lỗ thủng chi chít từ chân tháp lên đến đỉnh. Đó đều là những dấu vết để lại sau mỗi lần kẻ gian đục tháp để lấy trộm tượng Phật bằng đồng.

Tuy nhiên, người dân Yên Hòa lại phát hiện nhiều bức tượng được kẻ gian âm thầm trả lại, đặt bên trong những lổ thủng của tháp. Đến nay, đã có 7 tượng Phật bằng đồng được trả lại. Phần lớn kẻ gian lấy trộm tượng Phật đều là người ở địa phương khác.

(Ông LƯƠNG VĂN BẢY, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý)

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc