Quy hoạch Thủ đô phải quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hoá

VHO - Thủ đô Hà Nội là nơi hội tụ, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc, quý báu của dân tộc Việt Nam, nơi có nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú. Hà Nội là nơi hội tụ các giá trị văn hóa rất quý báu, là nơi có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, rất to lớn, tài nguyên về vị thế, nguồn lực vị thế rất to lớn. Hà Nội có nguồn lực từ các di sản văn hóa đồ sộ, cả văn hóa vật thể, cả văn hóa phi vật thể, trong đó có những điểm nhấn như Hoàng thành Thăng Long được quốc tế ghi nhận. Từ làng nghề, lễ hội đến những giá trị văn hóa rất giàu có của Hà Nội, đến nguồn lực con người... Do đó, việc đầu tư và phát huy giá trị các nguồn lực sẽ nâng tầm giá trị, phục vụ quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thành uỷ Hà Nội và Bộ Biên tập tạp chí Cộng sản tổ chức tại Hà Nội nhằm làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô, đồng thời tiếp tục gợi mở, đề xuất các ý tưởng, giải pháp xây dựng quy hoạch, nhất là các nội dung đột phá, các trọng tâm và việc khai thác, huy động nguồn lực để thực hiện Quy hoạch một cách hiệu quả, bền vững.

Quy hoạch Thủ đô phải quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hoá - Anh 1

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam

  Về Nguồn lực con người, các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, nguồn lực con người của Hà Nội trước hết phải kể đến là nhân tài. Thủ đô Hà Nội là trung tâm thu hút và hội tụ nhân tài trên phạm vi cả nước. Hà Nội là nơi tập trung đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu của đất nước, với hệ thống các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học lớn nhất cả nước. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Đây là tiềm năng, nguồn lực vô giá giúp Hà Nội thuận lợi trong việc tiếp nhận, phổ biến tri thức, công nghệ mới - những nhân tố quan trọng cho sự phát triển trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng đánh giá, Hà Nội chưa khai thác có hiệu quả nguồn lực con người cho phát triển Thủ đô. Để thực hiện Quy hoạch Thủ đô, giải pháp về thu hút, khai thác nguồn lực con người, nguồn lực hiền tài của Thủ đô. Hà Nội cần được quan tâm tập trung trong thời gian tới, nhất là với vị thế của Thủ đô, nơi tập trung một đội ngũ lớn nhất trong cả nước các tri thức đầu ngành, các nhà văn hóa đầu ngành, các trung tâm khoa học, giáo dục đào tạo, văn hóa.

Đối với nguồn lực tài nguyên di sản văn hóa, Hà Nội là nơi hội tụ các giá trị văn hóa rất quý báu, là nơi có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, rất to lớn. Hà Nội có nguồn lực từ các di sản văn hóa đồ sộ, cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, trong đó có những điểm nhấn như Hoàng thành Thăng Long được quốc tế ghi nhận. Hà Nội có nhiều làng nghề truyền thống, nhiều lễ hội đặc sắc. Hà Nội có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, mang giá trị hội tụ, chắt lọc, kết tinh, tiêu biểu và toả sáng của dân tộc, ghi dấu ấn đậm nét của những địa danh tiêu biểu cho lịch sử ngàn năm văn hiến.

 Theo số liệu thống kê, Hà Nội là địa phương có số nghệ nhân đông đảo nhất, với 47/52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc, gồm: sơn mài, khảm trai, thêu ren, dệt lụa, gốm sứ, mây tre đan... Tại các làng nghề hiện có: 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty trách nhiệm hữu hạn, 1.466 doanh nhân, 164 hợp tác xã, có trên 176.000 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút trên 739.000 người lao động.

Quy hoạch Thủ đô phải quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hoá - Anh 2

Di sản văn hoá thế giới Hoàng thành Thăng Long 

Trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, Hà Nội cũng là nơi tập trung đông đảo đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, là nơi tập trung các trường đại học, viện nghiên cứu về văn hóa và nghệ thuật, tiêu biểu, như: Đại học Văn hóa Hà Nội; Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia, Viện Văn hóa và Phát triển... Đồng thời, Hà Nội là đầu mối giao lưu về văn hóa, nghệ thuật của quốc gia, là nơi có tiềm năng thu hút đội ngũ văn nghệ sĩ của quốc tế đến sống và sáng tạo với 88 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, 62 rạp hát.

Hà Nội đứng đầu cả nước về di sản văn hóa vật thể, với 5.922 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt. Trên mỗi mảnh đất, mỗi công trình, mỗi góc phố phường Hà Nội là chứng tích lịch sử, biểu tượng văn hóa, tiềm ẩn và kết tinh các giá trị. Hà Nội còn lưu giữ một kho tàng vô giá về văn hoá phi vật thể, với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, có 3 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; 1 di sản nằm trong Danh mục cần bảo vệ khẩn cấp của UNESCO; 25 di sản trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hà Nội là “đất trăm nghề”, là địa bàn có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, hệ thống lễ hội của Hà Nội cũng rất phong phú, đa dạng với trên 1.000 lễ hội dân gian cổ truyền mang đậm màu sắc lịch sử, chiếm vị trí rất lớn và có tác động tích cực, sâu sắc đến đờí sống văn hoá, tinh thần của người Hà Nội.

Việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, nâng tầm bằng công nghệ số sẽ lưu trữ được hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng sẽ góp phần tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tài nguyên du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, thành phố sáng tạo đến bạn bè quốc tế...

Đối với nguồn lực thiết chế văn hóa, đến nay, toàn Thành phố có 25 trung tâm văn hóa thành phố quản lý; 30 Trung tâm Văn hóa và Thể thao quận, huyện, thị xã quản lý; 151 Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã; 4.236 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố. Hà Nội đang tiếp tục rà roát, đầu từ, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa các cấp. Đây là một nguồn lực rất lớn để Hà Nội triển khai, phát triển các hoạt động văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người dân Thủ đô.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, chính sách văn hóa là điều kiện cơ bản để phát huy vai trò động lực của văn hóa trong phát triển. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là những bước đi hết sức cụ thể để hiện thực hóa việc khai thác giá trị nguồn lực văn hoá trong quá trình phát triển Thủ đô.

Quy hoạch Thủ đô phải quan tâm hàng đầu đến yếu tố văn hoá - Anh 3

Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá

Đặc biệt, vị thế của Hà Nội là vị thế địa chính trị, vị thế tự nhiên, vị thế kết nối giao thông, vị thế phát triển kinh tế và dịch vụ, và vị thế về không gian đô thị, vị thế hội tụ tinh hoa văn hóa với vai trò là Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội sở hữu một nguồn lực không gian, cảnh quan giàu bản sắc và độc đáo như hệ thống sông, hồ, cây xanh. Tập trung phát huy các nguồn lực từ vị thế của Thủ đô là đặc điểm riêng có, đặc thù so với các địa phương khác. Do đó, cần xem xét, tổng hợp từ các yếu tố: hành chính, văn hóa, khoa học giáo dục, kinh tế... để khai thác, phát huy và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này trong quá trình phát triển.

Các chuyên gia, nhà khoa học đều thống nhất nhận định rằng, Hà Nội đang có thời cơ mới để phát triển. Hà Nội được công nhận là Thành phố vì hòa bình, tham gia vào mạng lưới “Thành phố sáng tạo”. Theo Nghị quyết số 15- CT/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố kết nối toàn cầu. Những kết nối mang tính quốc tế này sẽ hình thành động lực rất lớn và khả năng huy động nguồn lực chưa từng có trong tương lai. Trong bối cảnh sự phát triển bùng nổ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, với các lợi thế, vị thế riêng có, đặc thù nhiều thuận lợi của Thủ đô Hà Nội thì việc tranh thủ tận dụng các nguồn lực về thời cơ, biến động lực thành động lực sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển trong tương lai.

Với việc ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Quy hoạch Thủ đô sẽ cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước” tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2- 2022, của Thành ủy, “Về việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và nhiều văn kiện quan trọng khác của Trung ương và Thành phố về phát huy các giá trị và nguồn lực, trong đó có nguồn lực về văn hóa.

HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc