Nông dân Vĩnh Châu được mùa hành tím
VHO- Những ngày này, miệt biển thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đang vào vụ thu hoạch củ hành tím chính vụ 2023, trên khắp các cánh đồng trồng hành, người dân đang thu hoạch và hành tím được chất thành từng đống trên các bờ ruộng hành hay hai bên đường trên một số con đường giao thông nông thôn. Trên các tuyến đường, phương tiện vận tải chuyên chở hành ra vào tấp nập, tạo nên khung cảnh làng quê rộn ràng.
Hành tím trúng mùa, trúng giá mang đến niềm vui trọn vẹn cho nông dân trồng hành ở miệt biển Vĩnh Châu
Hành tím là cây màu chủ lực đã mang lại cuộc sống ổn định cho bàcon Khmer miệt biển Vĩnh Châu. Trong niên vụ hành tím năm nay, nông dân thị xã Vĩnh Châu xuống giống được khoảng 5.100ha (giảm hơn 800 ha so với những năm trước) tập trung nhiều ở phường 2, xã Vĩnh Hải và Lạc Hòa. Trong đó, có 3 vụ/năm là hành sớm, hành chính vụ và hành giống, hành chính vụ có diện tích lớn nhất khoảng 3.500 ha đang vào vụ thu hoạch.
Đang thu hoạch hành tím dưới ruộng, anh Lâm Sà Rươl, ấp Âu Thọ B (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) phấn khởi: “Vụ hành chính vụ năm nay, tôi xuống giống 3.000m2, đã thu hoạch 2.000m2 và đang tiếp tục thu hoạch diện tích hành còn lại, năng suất đạt 2,1 tấn/1.000m2. Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên hành cho năng suất tốt, giá bán hành là 18.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000 - 4.000 đồng so cùng kỳ năm trước. Đây là mức giá vượt ngoài sự kỳ vọng của người trồng hành và cũng lâu lắm rồi giá hành mới lại lập đỉnh như ở niên vụ này. Theo đó, vụ hành mùa này trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/1.000m2. Tuy nhiên, với số hành thu hoạch được hơn 6 tấn, tôi bán hành tươi cho thương lái 4 tấn, số còn lại dự trữ chờ giá tăng cao hơn nữa sẽ xuất bán, nhằm tăng nguồn thu…”.
Ông Mã Chí Thọ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu cho biết, rút kinh nghiệm những năm trước đây, năm 2023 thị xã Vĩnh Châu vận động bà con trồng hành rải vụ, giúp cho tình hình tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng rớt giá, giúp cho nông sản có giá, nông dân có lãi. Đồng thời, sản phẩm hành tím đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và được trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
“Ngoài ra, địa phương đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân, giúp nông dân giảm thiểu những tác động bất lợi của yếu tố thời tiết, nhất là việc xây dựng các mô hình sản xuất hành tím theo hướng sinh học... Qua đó, giúp cho nông dân tăng lợi nhuận, giảm chi phí đầu tư và đảm bảo được khâu tiêu thụ hiệu quả, ổn định”, ông Thọ nói.
PHƯƠNG MINH