Nỗi lòng... thưởng Tết

VHO - Những ngày cuối năm, người lao động vẫn chăm chỉ cho đến ngày làm việc cuối cùng để được lĩnh thưởng Tết. Dù ít, dù nhiều nhưng người lao động vẫn trông chờ vì để có thêm một khoản thu nhập sắm sửa một cái Tết ấm cúng với gia đình.

Nỗi lòng... thưởng Tết - Anh 1

Chị Nguyễn Thị Nhâm (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) lo lắng Tết này mức tiền thưởng không cao vì công việc ít, lương ít Ảnh: ĐẶNG TÚ

Ngày 30.12.2023, chị Nguyễn Thị Hòa ( 35 tuổi, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) trở lại phòng trọ ở thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) để dọn dẹp đồ đạc chuyển về quê sinh sống. Dù chỉ gần 2 tháng nữa là hết năm, nhưng sau nhiều trăn trở, chị cũng đặt bút ký đơn xin nghỉ việc, chấp nhận không có thưởng Tết.

Những người không có thưởng

Chị Hoà chia sẻ, 11 năm liền gắn bó với công ty, chị cũng đầy tiếc nuối, nhưng tình đồng nghiệp cũng như chế độ đãi ngộ lao động cùng khoản tiền thưởng Tết hơn 8 triệu (như năm ngoái) cũng không thể níu chân chị. “Gần con được ngày nào hay ngày ấy. Chồng hiện đang làm ở Hà Nội cũng sẽ về quê”, chị Hoà cho hay.

Chị Hoà lấy chồng 4 năm sau mới có con, bao nhiêu tiền kiếm được, hai vợ chồng lại chắt chiu dành dụm để chạy chữa hiếm muộn. Cuối cùng, niềm vui vỡ oà đến với anh chị khi hai bé sinh đôi chào đời vào năm 2019. Thời điểm đó, để con hằng ngày được bú mẹ, chị Hoà phải dậy từ 5h30 sáng bắt xe từ Vĩnh Phúc, cách nhà 50km để đến Hà Nội làm việc, rồi 16h lại tất tưởi thu xếp để về nhà bế ẵm các con. Vất vả như thế nhưng chị Hoà cũng chưa nghĩ đến chuyện nghỉ việc, vì kinh tế gia đình còn khó khăn, bao nhiêu khoản chi tiêu đè nặng lên vai đôi vợ chồng công nhân. Rồi dịch Covid-19 ập đến, không thể đi về liên tục, chị Hoà đành phải cai sữa và gửi con cho ông bà chăm sóc. Đến nay đã được 3 năm, kinh tế đã ổn định hơn, hai vợ chồng chị quyết tâm trở về quê hương để được sống gần gia đình, nuôi dạy các con.

Tương tự như chị Hoà, chị Trần Thị Thuý (quê Yên Bái) cũng vì hoàn cảnh gia đình nên đã nghỉ việc ở Công ty Canon (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) được 3, 4 tháng. Khi báo đài nói nhiều về thưởng Tết, chị cũng xao xuyến nhưng vì nghỉ giữa chừng nên chị đành chấp nhận. “Hiện nay tôi đã xin đi làm ở một công ty gần nhà nhưng vì thời gian ít nên chắc không đáng bao nhiêu nên tôi cũng không nghĩ tới”, chị Thuý cho hay. Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, tính đến hết tháng 11.2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp khoảng 955.000 người, tăng 9,5% so với cùng kỳ 2022 (tương ứng tăng gần 910.000 người). Mặc dù, mỗi dịp cuối năm, người lao động đều trông chờ vào khoản thưởng Tết để mang về gia đình, nhưng do nghỉ việc giữa chừng nên rất nhiều người trong số lao động nêu trên không được lĩnh tiền thưởng Tết.

Người ăn không hết...

Chị Nguyễn Thị Nhâm (43 tuổi, quê Nghệ An) đi làm công nhân được 11 năm với mức lương khoảng 6,5 triệu đồng/ tháng nhưng cũng chỉ tằn tiện sống ở nhà trọ công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long. Giá nhà trọ tập thể chung với 3, 4 chị em khác, cùng tiền điện nước cũng chỉ 50.000 đồng/tháng/người, chỉ bằng một bát phở nhưng chị cũng chỉ gửi về cho gia đình 2 - 3 triệu đồng/tháng.

Khi hỏi về tiền thưởng Tết, chị Nhâm không tỏ vẻ hào hứng vì cho rằng năm nay công việc ít, tiền thưởng không biết có được bằng năm ngoái (thưởng Tết năm 2022 của chị 8,5 triệu đồng). Theo chị Nhâm, những tháng gần đây, mỗi tháng công ty cho người lao động nghỉ 3 ngày thứ 7, 4 ngày Chủ nhật và 1 ngày phép, như vậy chị sẽ không được hưởng nguyên lương. Ngoài ra, những năm trước thay vì được làm thêm 5 – 7 tiếng tăng ca thì giờ chỉ được làm 1 – 2 tiếng nên chắc chắn thu nhập sẽ giảm sút, tiền Tết sẽ ít đi. “Cả năm làm việc chúng tôi cũng chỉ trông chờ, hy vọng vào tiền Tết. Nhưng lương ít thì tiền Tết cũng ít”, chị Nhâm chia sẻ. Theo Bộ LĐ,TB&XH, báo cáo của các tỉnh, thành phố với hơn 47.374 doanh nghiệp, tương ứng với 4,79 triệu lao động (chiếm 17,36% tổng số lao động làm công hưởng lương trên cả nước) cho thấy, tiền lương năm 2023 bình quân ước đạt 8,49 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng). Mức lương cao nhất năm 2023 ở TP.HCM là hơn 931 triệu đồng/tháng, thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tại Đồng Nai là 834 triệu đồng/tháng thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI.

Về tiền thưởng Tết Giáp Thìn 2024, khoảng 61,37% doanh nghiệp (trong tổng số 47.374 doanh nghiệp báo cáo) có mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất năm 2024 là 5,68 tỉ đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp FDI ở tỉnh Long An. Riêng ở Hà Nội, tiền thưởng Tết Giáp Thìn 2024 cao nhất là 450 triệu đồng/người thuộc một doanh nghiệp FDI, ngược lại mức thấp nhất chỉ là 500.000 đồng. Như vậy thưởng Tết cao nhất ở Hà Nội đã nhỉnh hơn cùng kỳ (năm ngoái là 400 triệu đồng). Khu vực FDI cũng có tiền thưởng bình quân cao nhất với 4 triệu đồng/người. Ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, dự kiến thưởng cao nhất 90 triệu đồng, bình quân thưởng là 3,5 triệu đồng/người. Nhóm công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước, công ty TNHH MTV do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ thưởng bình quân 3,3 và 3,1 triệu đồng/người. Hai nhóm này có thưởng Tết cao nhất lần lượt là 29,8 triệu đồng, 20 triệu đồng và chung mức thưởng thấp nhất 500.000 đồng/ người.

Theo Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Cá biệt, một số đơn vị nợ lương người lao động. Do vậy, Sở đã phối hợp với Liên đoàn Lao động và các UBND quận, huyện, thị xã giám sát, kiểm tra, yêu cầu doanh nghiệp chi trả đầy đủ tiền lương cho lao động theo quy định.

Trong khi có người hân hoan lĩnh tiền Tết vài trăm triệu đồng thì cũng có người lao động chỉ hưởng vài trăm nghìn. Đành rằng, tiền thưởng là giá trị gia tăng của người lao động khi họ hoàn thành tốt công việc, đóng góp cho doanh nghiệp. “Một trăm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, vì vậy, đa phần tiền thưởng mang ý nghĩa động viên để người lao động tiếp tục cống hiến thời gian và công sức cho công ty. Đằng sau người lao động là cả một gia đình, vì vậy vài trăm nghìn tiền thưởng Tết chắc hẳn cũng chứa đựng những nỗi niềm khó tả. 

Tập trung nguồn lực chăm lo Tết cho người lao động

Để chăm lo Tết Nguyên đán 2024 cho người lao động, từ rất sớm Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực về vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động; đảm bảo tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết, đón Tết vui tươi, an toàn. Với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có chủ đề “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ”. Theo kế hoạch, chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ” sẽ được tập trung tại cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở. Những nơi không tổ chức chương trình “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ” tập trung, căn cứ điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động phù hợp để đoàn viên, người lao động đón Tết, đảm bảo mọi đoàn viên, người lao động được quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn.

Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” cũng sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp và qua sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu ngày Tết của đoàn viên, người lao động với giá ưu đãi, đảm bảo chất lượng… THU NGỌC

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc