Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

VHO - Chiều 27.7 tại Bình Phước, Ủy ban Dân tộc phối hợp với tỉnh Bình Phước tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào thiểu số trong điều kiện mới”, khu vực Đông Nam Bộ.

Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 1

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh; lãnh đạo một số Bộ, ngành và các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu; đại diện các cục, vụ của Ủy ban Dân tộc và các ban, sở, ngành, đoàn thể, đơn vị tỉnh Bình Phước cùng hơn 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; các già làng, người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở, đến từ các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh, các địa phương cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; xác định đây là một bộ phận của công tác giáo dục tư tưởng và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, thực hiện đầy đủ các thể chế, chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật hiện hành, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với nhu cầu của xã hội từng nhóm đối tượng. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của phương tiện thông tin đại chúng.

Theo đánh giá tại Hội thảo, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào thiểu số thời gian qua đã góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền công bằng trong tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tộc thiểu số. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giúp đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi có tranh chấp, vướng mắc liên quan đến pháp luật...Nhiều mô hình, cách làm hay về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả như thông qua các hình thức biên soạn tài liệu, tổ chức hội nghị, tập huấn; phổ biến, giáo dục pháp luật qua các phiên tòa xét xử lưu động; phiên tòa giả định, thông qua cuộc họp cơ quan, tổ chức họp dân tại thôn, khu phố; cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tư vấn  pháp luật; trợ giúp pháp lý; hoạt động hòa giải; hệ thống loa truyền thanh cơ sở...

Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Anh 2

Hơn 200 đại biểu là già làng, chức sắc, tuyên truyền viên, hoà giải viên... khu vực Đông Nam Bộ dự Hội thảo

Tại Hội thảo, tham luận của Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp đã làm rõ thực trạng và giải pháp đẩy mạnh thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Ủy ban Dân tộc và Bộ Tư pháp trong phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Nam Bộ. Tham luận của Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Phước tập trung vào vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tham luận của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ những giải pháp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác này; báo cáo viên tham gia tuyên truyền phải đảm bảo quy định về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ; khéo léo lồng ghép nội dung tuyên truyền với những câu chuyện, số liệu, sự kiện thực tế để tăng tính thuyết phục; khi xây dựng nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, lồng ghép với việc “lắng nghe, giao lưu” trực tiếp với đồng bào...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước đề xuất một số giải pháp như: Các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở địa phương quan tâm hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền; nâng cao hơn nữa năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tăng cường vai trò nòng cốt của MTTQ và sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội… 

Hội thảo cũng nghe các đơn vị, địa phương chia sẻ những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc, giải pháp đặc thù trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với vùng dân tộc thiểu số và vùng biên giới để từ đó tổng hợp, kiến nghị với cơ quan thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết.

Diễn ra đến ngày 28.7, Hội thảo sẽ giúp cho các đại biểu hiểu rõ hơn về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS, những khó khăn và hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Qua đó, các đại biểu chủ động áp dụng linh hoạt những kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS tại địa phương mình, góp phần triển khai thực hiện tốt Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025.

CẨM THẠCH; ảnh: TRẦN LINH

Ý kiến bạn đọc