Lâm Đồng: Hạ mức độ bảo vệ đối với dinh Tỉnh trưởng

VHO - Công trình kiến trúc Dinh Tỉnh trưởng tại số 1 Lý Tự Trọng (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng), vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng hạ mức độ bảo vệ cao nhất với các biệt thự có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và có giá trị lịch sử, văn hóa...

Lâm Đồng: Hạ mức độ bảo vệ đối với dinh Tỉnh trưởng - Anh 1

Tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Đà Lạt

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp vừa ký quyết định về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Đà Lạt, trong đó có các quy định về xếp hạng, sửa chữa và cải tạo biệt thự.

Theo đó, sẽ có 166 biệt thự trên địa bàn TP. Đà Lạt có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và có giá trị lịch sử, văn hóa được phân loại thành 3 nhóm với các mức độ cần bảo vệ khác nhau. Trong đó, các biệt thự được xếp vào nhóm 1 gồm Dinh 1 (dinh Bảo Đại cũ), Dinh 2 (dinh Toàn quyền cũ), Dinh 3 (dinh Bảo Đại cũ). Theo quyết định, đối với các biệt thự thuộc nhóm này, khi cải tạo bắt buộc phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.

Các biệt thự được xếp vào nhóm 2 (69 căn) là những biệt thự không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và có giá trị lịch sử, văn hóa; nhóm 3 gồm 94 biệt thự là các biệt thự không thuộc nhóm 1 và 2.

Quy định đối với các biệt thự thuộc nhóm 2 tại quyết định nêu rõ, khi cải tạo cần phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài. Các biệt thự thuộc nhóm 3 được cải tạo, nâng cấp không gian bên trong, bên ngoài công trình, thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng. Riêng đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt.

Đáng chú ý, trong danh sách phân loại các biệt thự tại quyết định, 2 biệt thự gồm dinh Nguyễn Hữu Hào (số 4 Hùng Vương) và Dinh tỉnh trưởng cũ (số 1 Lý Tự Trọng)  được chuyển từ nhóm 1 xuống nhóm 2. Điều đó đồng nghĩa với việc 2 biệt thự này sẽ không còn được bảo vệ ở mức độ cao nhất. Đặc biệt đối với công trình kiến trúc dinh Tỉnh trưởng, khi một số ý kiến lo ngại sau khi quyết định này bắt đầu có hiệu lực sẽ “mở đường” cho việc can thiệp sâu vào khu vực hiện hữu công trình có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa này.

Lâm Đồng: Hạ mức độ bảo vệ đối với dinh Tỉnh trưởng - Anh 2

Dinh Tỉnh trưởng cũ không còn nằm trong nhóm các biệt thự cần được bảo vệ cao nhất

Trước đó, vào tháng 2.2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình (TP.Đà Lạt). Tại quyết định này, khu vực đồi Dinh (4,43 ha) có chức năng là khu thương mại, dịch vụ cao cấp; dự kiến xây dựng công trình cao 10 tầng tạo điểm nhấn phù hợp với cảnh quan khu vực. Tiếp đó, chính quyền địa phương đã tổ chức trưng bày, lấy ý kiến về 3 phương án ý tưởng kiến trúc khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng, trong đó đáng chú ý là phương án xây dựng Hotel du Printemps ngay tại nền móng Dinh, đồng thời nâng Dinh Tỉnh trưởng lên cao 28 m. Tuy nhiên, các phương án đưa ra đa số đều vấp phải sự phản đối gay gắt của các chuyên gia và người dân khi có nhiều ý kiến cho rằng các phương án sẽ làm thay đổi cảnh quan, kiến trúc của khu vực, cũng như mất đi mảng xanh ít ỏi còn sót lại trong trung tâm thành phố.

Dinh Tỉnh trưởng là một khối công trình gồm 2 tầng được xây dựng vào năm 1910 trên ngọn đồi cao ngay tại trung tâm TP. Đà Lạt làm nơi ở của gia đình Thị trưởng Đà Lạt kiêm Tỉnh trưởng Tuyên Đức trước đây. Đây được biết đến là một trong những công trình kiến trúc đầu tiên được người pháp cho xây dựng tại Đà Lạt. Trải qua hơn 100 năm, công trình đồ sộ này vẫn giữ được vẻ ngoài uy nghi, vững chắc của nó.

THÀNH KHIÊM

Ý kiến bạn đọc