Huy động các nguồn lực chăm lo cho người nghèo
VHO - Chỉ trong vòng 9 tháng, Điện Biên đã làm xong 5.000 căn nhà với số vốn cần huy động là 250 tỉ đồng. Đến nay, số tiền được chuyển về tài khoản Quỹ Vì người nghèo tỉnh Điện Biên là 219 tỉ đồng, còn thiếu 31 tỉ đồng.
Các đơn vị trao nhà Đại đoàn kết cho người nghèo tại xã Nà Nhạn, TP Điện Biên Phủ Ảnh: PHẠM ANH
Trước đó, ngày 13.5.2023, Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam tổ chức lễ phát động Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc” để quyên góp kinh phí làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên - Tây Bắc.
Phát biểu tại Hội nghị Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố diễn ra ngày 23.1, ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam cho biết, năm 2024 là thời điểm tổ chức Đại hội MTTQ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2024-2029. Do đó, Hội nghị tập trung vào các nội dung quan trọng như đánh giá kết quả hoạt động của công tác Mặt trận năm 2023; đánh giá kết quả vận động xây dựng nhà Đại đoàn kết cho người nghèo tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ…
Báo cáo về kết quả làm nhà cho người nghèo ở tỉnh Điện Biên, ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên cho biết, Đề án 09 của Trung ương là một Đề án hết sức quan trọng để hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Hiện nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam và của tỉnh Điện Biên, đến nay tỉnh đã hoàn thành xây dựng 5.000 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, đã hoàn thành xây dựng 100% căn nhà Đại đoàn kết. Khi thực hiện nội dung này, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở nên việc thực hiện rất hiệu quả. Như vậy, chỉ trong vòng 9 tháng, Điện Biên đã làm xong 5.000 căn nhà với số vốn cần huy động là 250 tỉ đồng.
“Đến nay số tiền được chuyển về tài khoản Quỹ Vì người nghèo tỉnh Điện Biên là 219 tỉ đồng, còn thiếu 31 tỉ. Vì vậy, tỉnh đã đối ứng trước để lấy nguồn vốn triển khai xây dựng nhà ở cho bà con. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến tỉnh và cơ sở, việc xây dựng nhà đã hoàn thành theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên cho hay. Về công tác chuẩn bị gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến, ông Lò Văn Mừng thông tin, sau khi nhận được văn bản của Trung ương, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tổ chức, triển khai hoạt động này trên địa bàn. Trong đó, các đối tượng cần gặp mặt thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Lai Châu. Các cụ tuổi trung bình cũng đã 90 tuổi trở lên. Nhiều cụ đã già yếu, không di chuyển được nên cần sự tính toán hợp lý, chỉ gặp mặt những người còn đủ sức khỏe; còn đối với người sức khỏe yếu thì không tổ chức gặp mặt mà tổ chức đi thăm, tặng quà.
Các đại biểu nhất trí về chủ trương tổ chức gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong toàn quốc trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là hoạt động ý nghĩa, nhân văn. Chương trình thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã có đóng góp đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, khơi dậy truyền thống đoàn kết với vai trò chủ trì, nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới. Bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa thông tin, Thanh Hóa đã huy động 30% người trong độ tuổi lao động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, với tổng số dân công hỏa tuyến là 178.924 người. Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Thanh Hóa sẽ triển khai các hình thức phù hợp để gặp gỡ, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.
Về chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong phạm vi toàn quốc, bà Phạm Thị Thanh Thủy cho rằng đây là việc làm cần thiết, thể hiện “Thương hiệu” của MTTQ Việt Nam. Cùng với thành tựu của đất nước, người dân phải được thụ hưởng một cách thực chất, trước hết là ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp”. Do đó không nên để chậm trễ trong quá trình triển khai, huy động sức mạnh tổng hợp hoàn thành theo kế hoạch. Mỗi địa phương cần có cách chỉ đạo, tập trung, khẩn trương, làm dứt điểm, có lộ trình để tổ chức triển khai. Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều đơn vị, đoàn thể đều có chương trình vận động nguồn lực làm nhà cho người nghèo, do đó, MTTQ Việt Nam phải phát huy vai trò nòng cốt, chủ trì để phân vai, phân rõ trách nhiệm trong việc huy động và xác định rõ đối tượng, cùng với ngành Lao động, thương binh và xã hội của địa phương rà soát tổng thể, phân trách nhiệm, triển khai bài bản, thực chất, sử dụng nguồn lực minh bạch, hiệu quả, đúng đối tượng.
Theo báo cáo, tính đến ngày 5.12.2023, Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam 4 cấp đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 2.752 tỉ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 888 tỉ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp các địa phương trên 1.864 tỉ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 19.618 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ trên 1,2 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 95.000 lượt HSSV về học tập; hỗ trợ trên 22.700 lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh.
Đến nay số tiền được chuyển về tài khoản Quỹ Vì người nghèo tỉnh Điện Biên là 219 tỉ đồng, còn thiếu 31 tỉ. Vì vậy, tỉnh đã đối ứng trước để lấy nguồn vốn triển khai xây dựng nhà ở cho bà con. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến tỉnh và cơ sở, việc xây dựng nhà đã hoàn thành theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. (Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên LÒ VĂN MỪNG) |
QUỲNH HOA