Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số

VHO- Thủ đô Hà Nội là địa phương đông dân thứ hai và cũng có mật độ dân số cao thứ hai của cả nước (2.398 người/km2, gấp 8,2 lần so với cả nước). Tỷ lệ tăng dân số hằng năm ở mức cao đã tạo ra áp lực lớn cho kinh tế - xã hội Thủ đô.

Hà Nội nỗ lực nâng cao chất lượng dân số - Anh 1

Các quận, huyện của Hà Nội tổ chức hoạt động tuyên truyền về công tác dân số Ảnh: THU HẠNH

 Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng

Phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới 2023 với chủ để Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta của TP Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả 6 tháng đầu năm 2023, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 7% (giảm 0,04% so cùng kỳ 2022); tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68,2% (tăng 4%); tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85,0% (tăng 1,07%); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 88% (tăng 1,67%); tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước kết hôn đạt 45% (tăng 17%); tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,1 trẻ trai/100 trẻ gái.

Tuy nhiên, công tác dân số của Hà Nội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Do cơ cấu dân số trẻ nên hằng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao, góp phần làm tăng số sinh của thành phố; tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm cũng ở mức cao, làm tăng quy mô dân số. Bên cạnh đó, quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao.

Đánh giá về công tác dân số của Hà Nội, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) ghi nhận thành tích về công tác dân số mà thành phố Hà Nội đạt được trong thời gian qua; đặc biệt đạt mức sinh thay thế với số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2,1 con. Hà Nội cùng với cả nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh dần tăng lên hằng năm, đạt trên 85%; tỷ lệ khám sức khỏe người cao tuổi đạt 86%, cao hơn bình quân cả nước.

Tuy nhiên, khó khăn của TP là quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng; tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, hiện vẫn ở mức trên 112 trẻ trai/100 trẻ gái; già hóa dân số nhanh… Biến động dân số cơ học hằng năm lớn, do đó khó khăn trong việc quản lý dữ liệu dân cư, chất lượng dân số còn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, thời gian tới, công tác dân số còn hết sức nặng nề, vừa phải nỗ lực duy trì mức sinh thay thế, vừa nỗ lực để kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng…

Ông Phạm Vũ Hoàng đề nghị, TP cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 74 của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 94 của UBND thành phố về công tác dân số; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của các ngành, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo dân số của thành phố và các cấp; đưa công tác dân số thành một nội dung quan trọng trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đổi mới, nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục về dân số

Với chủ đề Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta của ngày Dân số thế giới năm nay, Hà Nội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhân dịp này, các quận, huyện trên địa bàn TP đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Truyền thông, vận động, khơi dậy phong trào trong mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực…

Bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ cho hay: Thời gian qua, Ban chỉ đạo công tác dân số quận Ba Đình đã có những hoạt động phối hợp mang tính đồng bộ, các hoạt động từ truyền thông đến can thiệp trực tiếp tới những nhóm đối tượng cụ thể được triển khai liên tục như: CLB “Phát huy vai trò và lợi thế người cao tuổi tại cộng đồng”, CLB “Thanh niên không nên kết hôn muộn và sinh con muộn”, các đề án can thiệp: “Sàng lọc trước sinh”, “Sàng lọc sơ sinh”, các mô hình: “Chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên”, “Gia đình bình đẳng, không phân biệt giới tính”… cùng nhiều chương trình khác đã phát huy vai trò và tác dụng.

Tại huyện Ứng Hòa, ông Ngô Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ thông tin, thời gian qua, tốc độgia tăng quy mô dân sốđãđược kiểm soát, việc người dân thực hiện KHHGĐ ngày càng trởthành hành động tựgiác. Đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm, tỷ số giới tính khi sinh là 104,39 trẻ trai/100 trẻ gái… Để có kết quả này, các đơn vị chuyên môn đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền như phối hợp với Hội Người cao tuổi, các đoàn thể chính trị tổ chức nhiều chương trình truyền thông chính sách Dân số - KHHGĐ, cung cấp kiến thức SKSS/KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng… Triển khai hiệu quả nhiều chương trình nâng cao chất lượng dân số như: Khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi hằng năm tại trạm y tế xã; khám sàng lọc khiếm thính cho trẻ tại các trường mầm non; khám tư vấn và sàng lọc sơ sinh, sàng lọc trước sinh và khám, sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh... Tại hội nghị các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức tham luận về hoạt động công tác Dân số KHHGĐ; tỷ lệ sinh con thứ 3; chăm sóc sức khỏe vị thành niên… 

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc