“Đắp chiếu” dự án tiền tỉ thì gọi gì lãng phí?
VHO- Nhằm chấn chỉnh hoạt động giết mổ gia súc nhỏ lẻ, giảm nỗi lo ô nhiễm môi trường và kiểm soát vấn đề vệ sinh ATTP, một số địa phương của tỉnh Kon Tum đã đầu tư xây dựng những hạng mục này với quy mô hàng tỉ đồng. Sau khi xây dựng xong, nhiều hạng mục hoặc là đắp chiếu không sử dụng, hoặc bị cơ quan chức năng “bán cái” cho người dân… “tự bơi”.
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung huyện Đăk Glei đầu tư gần 5 tỉ đồng rồi đắp chiếu hơn 1 năm nay
Khu giết mổ gia súc tập trung huyện Đăk Glei được xây dựng hoàn thành và bàn giao cho Trung tâm dịch vụ công cộng huyện Đăk Glei vào tháng 3.2018 với tổng kinh phí xây dựng gần 5 tỉ đồng. Bao gồm các hạng mục: nhà giết mổ (17 ô nuôi nhốt gia súc và 3 lò giết mổ), nhà quản lý điều hành, nhà kho, cổng tường rào, sân đường bê tông nội bộ, hệ thống nước sinh hoạt và hệ thống xứ lý chất thải.
Xây dựng tiền tỉ rồi đắp chiếu
Được đầu tư bài bản là vậy, thế nhưng hơn một năm trôi qua kể từ ngày nhận bàn giao, công trình này vẫn đang đắp chiếu, không sử dụng, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Ông Từ Anh Dũng, Phụ trách trung tâm dịch vụ công cộng huyện Đăk Glei cho biết, qua khảo sát hiện nay có 21 hộ kinh doanh giết mổ gia súc, trong đó 19 hộ giết mổ heo và 2 hộ giết mổ bò. Khi nhận bàn giao, đơn vị cũng phối hợp với UBND thị trấn Đăk Glei và UBND xã Đăk Pét tiến hành vận động các hộ kinh doanh giết mổ gia súc vào khu giết mổ tập trung, tuy nhiên hơn một năm trôi qua vẫn không có hộ nào chấp hành. “Khi vận động họ bảo đường khó qua, cầu treo bị chặn không thể vận chuyển gia súc với số lượng nhiều qua khu giết mổ, chở xe máy thì mất công, mất thời gian nên họ không chịu vào”, ông Dũng lý giải.
Bà Nguyễn Thị Thềm, chủ một cơ sở giết mổ gia súc ở thị trấn Đăk Glei cho biết, gia đình cũng muốn chuyển sang khu giết mổ để sạch sẽ nhà cửa nhưng vì đường sá quá khó khăn, với lại chuồng nuôi nhốt xây dựng không hợp lý, không bảo đảm việc nuôi nhốt nên hiện tại vẫn giết mổ tại nhà.
Cũng theo ông Dũng, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra liên tục, thậm chí quy định chế tài xử phạt. Nhưng do chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt vào cuộc, cho nên đến nay cơ sở giết mổ gia súc tập trung vẫn bỏ hoang không sử dụng, gây lãng phí.
Cầu treo bị hạn chế tải trọng và chắn ngang không cho xe tải đi qua được cho là nguyên nhân khiến hộ kinh doanh giết mổ không thể chở gia súc vào khu giết mổ
“Bán cái” cho người dân
Cơ sở giết mổ gia súc tập trung tại thị trấn Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) được xây dựng hoàn thành năm 2014 trên diện tích 5.000m2 với tổng mức đầu tư 6,5 tỉ đồng. Công trình đầy đủ các hạng mục như khu hành chính, khu sản xuất, khu xử lý nước thải và đường nội bộ phục vụ công việc nhập, xuất gia súc, đáp ứng nhu cầu giết mổ từ 80 - 100 con gia súc/ ngày của người dân các xã Đăk Xú, Đăk Kan và thị trấn Plei Kần. Tuy nhiên, từ năm 2014 - 2017 cơ sở giết mổ gia súc này cũng rơi vào trạng thái đắp chiếu, không hoạt động. Để tháo gỡ, UBND huyện Ngọc Hồi tìm cách “bán cái” cho người dân thông qua hình thức xã hội hóa, nghĩa là cho tư nhân đấu thầu và quản lý hoạt động giết mổ gia súc tại đây.
Ông Trần Văn Nam, chủ cơ sở giết mổ tập trung cho biết, ông và cộng sự đấu thầu cơ sở giết mổ gia súc này trong thời gian 10 năm (2017 – 2027) với số tiền 605 triệu đồng/10 năm. Khi đấu thầu xong, do cơ sở được xây dựng chưa đồng bộ, ông Nam đầu tư bổ sung thêm gần 800 triệu đồng mới có thể đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, gần 3 năm đi vào hoạt động, hằng ngày cơ sở giết mổ gia súc tập trung này chỉ có từ 12 - 17 hộ kinh doanh giết mổ vào hoạt động với số lượng giết mổ từ 20 – 25 con. Trong khi đó, người dân hoạt động giết mổ ở 3 xã Đăk Xú, Đăk Kan và thị trấn Plei Kần hiện có khoảng 40 hộ với số lượng giết mổ khoảng 70 – 80 con gia súc mỗi ngày.
“Chúng tôi nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp và chế tài nghiêm đối với những hộ kinh doanh giết mổ gia súc không chịu đưa gia súc vào lò mổ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, nhưng sự việc vẫn kéo dài. Mọi hoạt động ở đây hầu như khoán trắng cho cơ sở, trong khi chúng tôi không có thẩm quyền yêu cầu hay vận động các hộ vào đây. Hằng tháng chúng tôi chỉ thu được khoảng 20- 24 triệu đồng từ hoạt động giết mổ, trong khi chi phí phải trả trên 40 triệu đồng. Cứ tình trạng này chắc chúng tôi không trụ nổi, phải trả lại cho huyện thôi”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, hiện tại trên địa bàn huyện Ngọc Hồi, nguồn thực phẩm thịt gia súc đang buôn bán ngoài thị trường vẫn còn một lượng lớn chưa qua kiểm định, không có dấu kiểm dịch nhưng không thấy cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Mang theo kiến nghị của chủ cơ sở giết mổ gia súc, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Tài Thu, Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Ngọc Hồi để tìm hiểu thêm, tuy nhiên câu trả lời chúng tôi nhận được là “đã xã hội hóa, cho tư nhân thuê”, ngoài ra không cung cấp gì thêm.
Theo ông Hồ Thanh Tùng, Trưởng phòng thanh tra, pháp chế, Chi cục thú y tỉnh Kon Tum, toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trong đó có 3 cơ sở hoạt động tương đối tốt và hiệu quả (Sa Thầy, Đăk Hà và Đăk Tô), một cơ sở không hoạt động (Đăk Glei) và một cơ sở hoạt động kém hiệu quả. Lý giải về vấn đề này, ông Tùng cho hay: “Để xảy ra tình trạng này là do thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, chỉ khi nào chính quyền địa phương kiên quyết xử lý công tác giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thì vấn đề đảm bảo vệ sinh ATTP mới đạt kết quả như mong muốn”.
NGỌC HÒA