Đà Nẵng dừng việc đặt tên đường theo tên 2 giáo sĩ người nước ngoài
VHO- Thông tin từ Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, việc đưa tên 2 giáo sĩ có công hình thành chữ Quốc ngữ là Francisco De Pina (Bồ Đào Nha) và Alexandre de Rhodes (Pháp) vào đề án đặt, đổi tên đường trên địa bàn thành phố (như Văn Hóa đã thông tin) sẽ dừng lại vô thời hạn.
Đà Nẵng tạm dừng việc đặt tên đường theo tên 2 giáo sĩ người nước ngoài
Trước đó, vào đầu 10.2019, Sở VHTT TP Đà Nẵng công bố dự thảo Đề án đặt, đổi tên một số đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố năm 2019, dự kiến đặt tên cho 137 tuyến đường tại 7 quận. Với đề án đặt, đổi tên đường theo tên 2 giáo sĩ người nước ngoài, Sở VHTT Đà Nẵng đã đưa vấn đề này ra trưng cầu ý kiến dư luận qua các kênh như thư tay, điện thoại, website của Sở.
“Hội đồng đưa ra để lấy ý kiến người dân, nếu thuận lợi thì đặt đổi, còn không thì sẽ dừng lại, trong đó đa số ý kiến là đồng tình nhưng chỉ một số nhà khoa học, lãnh đạo (chủ yếu là ở Huế) kiến nghị với UBND TP rằng chưa nên đặt đổi tên đường theo tên 2 vị giáo sĩ. Những lập luận này chúng tôi trân trọng, ghi nhận, nhưng ở góc độ cá nhân cũng là người nghiên cứu đề xuất thì tôi hơi tiếc. Việc đặt, đổi tên đường dừng lại đến khi nào thì tôi chưa trả lời được, chúng tôi sẽ chờ những cuộc hội thảo tiếp theo, thu nhận ý kiến của các nhà nghiên cứu, và nếu thuận lợi chúng tôi sẽ tiến hành.
Theo Nghị định 91 của Chính phủ về đặt, đổi tên đường, riêng đối với các nhân vật lịch sử, khi đưa ra mà có ý kiến trái chiều hoặc lịch sử chưa rõ ràng thì bắt buộc phải dừng lại. Quy trình đặt, đổi tên đường qua nhiều khâu nhiều bước, trước hết là các chuyên gia nghiên cứu sâu, sau đó là Hội đồng đặt, đổi tên đường do một Phó Chủ tịch UBND TP làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở VHTT làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng này đã thông qua và sẽ đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Vừa qua tuy ý kiến trái chiều không nhiều nhưng chúng tôi phải dừng lại. Vấn đề này sẽ không trình tại kỳ họp HĐND sắp tới vì dừng lại theo tinh thần của Nghị định của Chính phủ. Chúng tôi đã đi khảo sát vị trí và chọn, nhưng trước tình hình này chỉ có dừng lại”, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng nói.
“TÔI KHÔNG THAM GIA KIẾN NGHỊ...” Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Khoa học Huế với phóng viên Văn Hóa xung quanh việc mình có tên trong danh sách 12 người kiến nghị gửi chính quyền TP Đà Nẵng để dừng đặt tên đường phố đối với 2 “ông tổ” chữ quốc ngữ. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng thông tin, “trước đó vào tối ngày 19.10, tôi có gọi điện cho thầy Lê Cung (Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế) để trao đổi thông tin về một đề tài cấp Bộ. Lúc này, PGS.TS Lê Cung nói rằng có một việc cần tôi tham gia và bảo tôi đọc nội dung trên mail. Sau khi đọc nội dung bản kiến nghị dừng đặt tên đường phố đối với 2 vị giáo sĩ này, ngày 20.10 tôi đã gửi mail trả lời rõ ràng là không tham gia vào bản kiến nghị này vì chuyên môn của tôi không phải về sử học. Đến mấy ngày vừa qua, khi báo chí đăng tải và mạng xã hội facebook “bàn tán” về nội dung bản kiến nghị cũng như danh sách 12 người tham gia kiến nghị thì có nhiều người quen gọi điện thắc mắc với tôi. Tôi không có tài khoản facebook nên rất bất ngờ. Chiều 27.11, tôi đã gọi điện cho Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng và Trưởng ban Văn hóa HĐND TP Đà Nẵng để khẳng định rằng mình không tham gia bản kiến nghị nói trên”. Về việc đặt tên đường phố tại TP Đà Nẵng cho 2 giáo sĩ Francisco De Pina và Alexandre de Rhodes, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ quan điểm phải nhấn mạnh rằng nước ta không thể phủ nhận được việc mình chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, mà một trong những công cụ để truyền đạt và đưa văn hóa Pháp vào Việt Nam chính là chữ quốc ngữ. Xét về lịch sử công và tội mình không dám nói, nhưng ít nhất về góc độ văn hóa thì ông ấy có công với nước ta. Mà dân tộc Việt Nam là dân tộc hiếu hòa, nhân văn thì không nên “sổ toẹt” tất cả. Ở TP Hồ Chí Minh đã có đường mang tên Alexandre de Rhodes từ lâu, chứng tỏ người ta đủ dẫn chứng để nói về vai trò của ông này đối với vùng đất phía Nam. SƠN THÙY |
NGỌC HÀ