Chuyện về cây cà phê ở Ba Vì (Bài 2): Điền chủ Marius Borel "phất lên" nhờ cà phê

VHO- Là một cựu binh Pháp giải ngũ, thay vì trở về Pháp, Marius Borel đã ở lại Việt Nam khai khẩn đồn điền. Đến năm 1940, trong số 31 đồn điền ở khu vực Sơn Tây, Marius Borel sở hữu tới 13 đồn điền với tổng diện tích 2.222,55 héc ta. Riêng đồn điền nằm sát chân núi Ba Vì được Marius Borel phát triển thành “đồn điền cà phê lộng lẫy” đẹp nhất Bắc Kỳ - theo cách gọi của người Pháp lúc bấy giờ.

Chuyện về cây cà phê ở Ba Vì (Bài 2): Điền chủ Marius Borel

Nhân công làm việc trong đồn điền cà phê của ông Borel (ảnh chụp năm 1930)

 Marius Borel sinh ngày 26 tháng 11 năm 1872 tại Saint Julien en Beauchêne (Hautes Alpes). Năm 1893, ông gia nhập đội pháo sinh và sang Việt Nam đóng quân ở Bắc Kỳ. Chỉ một năm sau, Marius Borel giải ngũ và đến Chi Nê (Hoà Bình), nơi các anh trai ông và anh em nhà Guillaume được nhượng quyền sở hữu đất canh tác. Tại đây, Marius Borel được giao khai phá khu đất nằm trong một thung lũng đẹp như tranh vẽ của Ninety Nine Hills. Đây là khu rừng nguyên sinh rậm rạp đầy thú dữ và nằm biệt lập cách xa các đồn điền đang khai thác.

Những tháng ngày gian khó

Với số vốn ít ỏi trong tay, Marius Borel bắt đầu cuộc sống của một điền chủ nghèo với muôn vàn khó khăn mà ông gọi là “những tháng ngày đau đớn”. Trong ngôi nhà nhỏ lợp rạ, hàng ngày Marius Borel phải chống chọi với những cơn sốt dai dẳng như “món quà” hậu hĩnh của rừng nhiệt đới. Trận này vừa dứt, trận khác lại ập đến như “trêu ngươi”, thử thách những người cố bám trụ tại đây.

Nhưng điều kinh khủng nhất không phải là những cơn sốt mà chính là cuộc chiến với “chúa sơn lâm”. Trong năm đầu tiên, gần hai trăm con gia súc của Marius Borel đã bị hổ vồ chết. Người dân vì sợ thú dữ, sợ bệnh tật nên không muốn làm thuê cho Marius Borel. Thiếu nhân lực, hiểm họa rình rập hằng ngày nhưng Marius Borel vẫn quyết không bỏ cuộc. Bằng kinh nghiệm được những người anh trai là chủ đồn điền La Cressonnière mách bảo và kinh nghiệm này được nhân lên gấp bội bởi quyết tâm của một người nhiều tham vọng, Marius Borel đã đánh bại thú dữ, sốt rét và biến nơi rừng thiêng nước độc thành một đồn điền trù phú. Cuối năm 1898, anh em Borel lập ra nông trường Cổ Nghĩa (Hoà Bình).

Trong cuốn hồi ký của mình, Marius Borel “khoe” đến năm 1918, ông có 6 đồn điền ở Mỹ Khê, Cổ Đằng, Mỏ Chẹn, Xuân Thuỷ, Đại Đồng với diện tích lên tới 2.000 héc ta. Các đồn điền của Marius Borel trồng hàng triệu cây cà phê cho năng suất cao, nuôi hàng ngàn con gia súc để cung cấp phân bón tại chỗ. Để vận hành và khai thác, Marius Borel đã dùng 11 người Pháp, 4 người Nhật làm quản lý và 6.000 người bản xứ làm nhân công. Riêng đồn điền nằm sát chân núi Ba Vì gây dựng năm 1916, trong 8 năm Marius Borel đã phát triển nơi này thành một đồn điền kiểu mẫu mà người Pháp thời đó gọi là “đồn điền cà phê lộng lẫy” đẹp nhất Bắc Kỳ.

Ngày 26 tháng 10 năm 1922, Toàn quyền Đông Dương François Marius Baudou đến thăm đồn điền “cà phê lộng lẫy” và đã đánh giá cao nỗ lực của Marius Borel trong việc phát triển kinh tế nông trại.

Chuyện về cây cà phê ở Ba Vì (Bài 2): Điền chủ Marius Borel

 Marius Borel sống tại Việt Nam 22 năm và giữ chức Chủ tịch phòng Nông nghiệp Bắc Kỳ, Bắc An Nam (1920-1928)

“Vương quốc” hùng mạnh của Marius Borel

Sau chuyến viếng thăm của Toàn quyền Đông Dương, Marius Borel còn đón nhiều vị khách đặc biệt đến “vương quốc” của ông. Ngày 22 tháng 2 năm 1925, Hoàng tử Nhật Bản Yamagata và nhiều thành viên của phái bộ đã đến thăm đồn điền. Sự bề thế, hiện đại và ngăn nắp của nơi này khiến mọi người hết sức ngạc nhiên, thích thú và đều bày tỏ sự khâm phục khả năng “làm kinh tế vườn” của Marius Borel. Đấy là những gì họ cảm nhận bằng cái nhìn trực quan, còn “kỹ năng” làm giàu của Marius Borel thì không phải ai cũng tường tận. Điển hình như việc thuê nhân công người bản xứ, trong hồi ký Marius Borel viết: “Để thu hoạch cà phê chín, tôi sử dụng nhân công là đàn bà, vì họ có thể tới làm việc vào những ngày rỗi việc chỉ để kiếm thêm vài ba xu cho gia đình. Tiền công trả căn cứ vào lượng cà phê mỗi người hái được trong ngày. Buổi chiều từ 4 đến 5 giờ, chúng tôi bắt đầu cân cà phê. Tôi cho làm hai cái cổng, một đi ra và một đi vào. Người cai bản xứ sẽ cho từng cu li lần lượt đi qua cổng, họ đặt hai thúng cà phê lên bàn cân. Tôi trực tiếp cân hoặc một người khác thay tôi làm việc này để cu li không thể cân điêu được. Một người khác thì trả tiền cho họ. Trung bình mỗi thúng cà phê có trọng lượng từ 26 đến 30kg được trả 15 xu”.

Năm 1928, Marius Borel thành lập Công ty Cà phê Đông Pháp và trở thành một trong những nhà tư bản có thế lực ở Đông Dương. Có thời điểm, anh em nhà Borel cung cấp một nửa số cà phê mà cơ quan quân sự Đông Dương yêu cầu. Các đồn điền của Marius Borel cũng là nơi cung cấp nguồn bơ, sữa chính cho khu vực Hà Nội, Sơn Tây và các vùng lân cận. Xưởng sản xuất pho mát tại Sơn Tây là địa điểm tham quan của hầu hết du khách trong vùng cũng như dân châu Âu ở Hà Nội. Lúc đầu, sữa chỉ đủ để bán riêng cho các điền chủ. Sau đó, nhờ việc lai tạo giống mới, sản lượng sữa tăng lên, anh em Borel lập thêm xưởng sản xuất, kinh doanh sữa, bơ, pho mát ở Hà Nam. Cứ vào thứ hai hằng tuần, pho mát sẽ được đưa về bán ở Hà Nội. Chỉ trong vòng 7 tháng năm 1889, họ đã đạt được doanh thu 200 đồng; về sau, công việc tiến triển tốt, mỗi tháng họ thu được tới 300- 400 đồng.

Trong nhiều văn bản của người Pháp viết về việc quy hoạch khu nghỉ mát trên núi Ba Vì đều nhắc đến nguồn cung cấp bơ, sữa, cà phê từ đồn điền của Marius Borel.

Bài 3: Đồn điền “cà phê lộng lẫy” chỉ còn trong ký ức

 CHU THU HẰNG

Ý kiến bạn đọc