Chung cư mini "biến tướng" vì đâu? (Bài cuối): Lấp khoảng trống pháp lý

VHO- Sau vụ cháy xảy ra tại chung cư mini tại ngõ 70 Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội) đã xuất lộ nhiều lỗ hổng về việc buông lỏng quản lý cũng như về pháp lý. Chính những lỗ hổng này dẫn đến tình trạng lộn xộn chung cư mini như hiện nay.

Chung cư mini

 Sâu trong ngõ 117 Thái Hà, Hà Nội là chung cư mini với hng trăm hộ dân sinh sống, tầng 1 luôn có hng trăm xe máy với nguy cơ cháy nổ cao

Những lỗ hổng ấy đã được cơ quan chức năng nhận diện, tuy nhiên, vấn đề quy hoạch, đô thị vẫn là bài toán khó.

Nhận diện “lỗ hổng” pháp lý

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, nhận định, cùng với sự phát triển của quá trình đô thị hóa thì nhiều người dân di cư từ các vùng nông thôn tới các thành phố lớn để học tập và tìm kiếm cơ hội việc làm, vì thế nhu cầu về nhà ở tăng vọt, đặc biệt là nhà ở giá rẻ, trong đó có nhà chung cư mini.

Theo ông Ánh, mặc dù thu nhập của người dân đã tăng lên rất nhiều, nhưng người dân tiếp cận nhà ở vẫn tương đối khó khăn. Nhiều gia đình phải tìm đến một phân khúc nhà ở có giá thành hợp lý hơn, chung cư mini là một trong những lựa chọn đó. Tuy nhiên, quy định pháp lý dành cho sản phẩm này vẫn còn rất nhiều khe hở, văn bản luật đã không định danh nó, không định danh thì không quản lý, không có một sự điều chỉnh quan hệ, quy chuẩn, quy phạm phù hợp... Nên chung cư mini đang tồn tại nhưng nằm ngoài lề của sự kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn. Một điều đáng quan tâm là mâu thuẫn về chất lượng xây dựng công trình. Bộ Xây dựng là cơ quan đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về chất lượng và phân cấp về các Sở, ngành, địa phương. Chính quyền địa phương cũng là một cơ quan để giám sát thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn đó. Tuy nhiên, do không có đối tượng, định danh đối tượng là gì đã gây trở ngại, khó khăn cho bộ máy quản lý địa phương, bởi vậy khi cấp phép và quản lý xây dựng thì lại không có cấp phép cho chung cư mini, nên phần lớn đều xin cấp phép làm nhà ở. Từ đó tạo ra “lỗ hổng”.

Chung cư mini tồn tại vừa hợp pháp, vừa không hợp pháp, có thể bán nhưng lại bằng hình thức viết tay, không được cơ quan quản lý cấp quyền sở hữu... Đó chính là những vấn đề cả xã hội quan tâm đến việc xây dựng chung cư mini. “Câu chuyện hiện tại được dư luận đặc biệt quan tâm là khung pháp lý trong công tác quản lý, để cho nó phù hợp với tình hình thực tế, vì chúng ta phải hiểu rằng sản phẩm nhà ở này gắn với lợi ích của một lượng lớn người thu nhập thấp sinh sống ở các đô thị. Pháp lý ở đây là cần phải định danh cụ thể thế nào là sản phẩm chung cư mini, trong đó có việc cấp phép xây dựng, kèm theo đó là những quy chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết hơn. Đồng thời cũng phải nêu rõ được trách nhiệm của cơ quan thực thi, giám sát...”, KTS Ánh nêu.

Đồng tình với ý kiến này, một số người dân tại các ngõ nhỏ, các khu đông dân cư còn cho biết thêm, cần phải có các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong việc xây dựng, tránh để nhà ở riêng lẻ “biến tướng” thành chung cư mini, trong đó hạn chế việc xây dựng các nhà cao tầng từ 6 tầng trở lên trong các ngõ nhỏ, lối đi không thuận tiện. Chính quyền cần quy hoạch và có các quy định cụ thể để hạn chế mật độ quá đông trong các cụm dân cư. Nhà văn Trần Hinh, sống tại ngõ 160 Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, trước mắt, cần xem xét có các quy định hạn chế số lượng người trong các chung cư mini. Một là để đảm bảo an ninh trật tự, hai là đảm bảo an toàn cháy nổ.

“Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini”

Cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 20.9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng tiêu chí về giao thông, môi trường và phòng cháy, chữa cháy của Hà Nội vượt trội hơn so với cả nước, nhất là sau vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ở Khương Hạ, quận Thanh Xuân. Đặc biệt, ông Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát trong quá trình thẩm tra Luật Nhà ở (sửa đổi), “dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini”, không để biến tướng thành một điều khác trong Luật Nhà ở chuẩn bị trình Quốc hội.

Luật Nhà ở 2014 hiện chỉ có quy định về nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, nhà xã hội, tuy nhiên trong Quyết định 24/2014, UBND TP Hà Nội xác định: “Chung cư mini là nhà ở do hộ gia đình, cá nhân xây dựng có từ hai tầng trở lên. Mỗi tầng có từ hai căn hộ trở lên và mỗi căn hộ được thiết kế khép kín như có phòng, bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm riêng. Diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ tối thiểu là 30m2 và đáp ứng các quy định về nhà chung cư theo điều 70 của Luật Nhà ở 2014”. Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tại Điều 74, chung cư mini được mô tả là “nhà ở nhiều tầng nhiều hộ của hộ gia đình, cá nhân”. Nhà ở kiểu này phải có phần diện tích thuộc sở hữu riêng, phần diện tích thuộc sở chung; các căn hộ được thiết kế, xây dựng theo kiểu khép kín; diện tích sàn mỗi căn hộ không thấp hơn diện tích theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư. Nhà ở phải có giấy phép xây dựng, đáp ứng yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.

Những quy định tréo ngoe, “mập mờ” như vậy đã để lại hậu quả mà ai cũng thấy như hiện nay. Những bất cập, nguy cơ của chung cư mini được xây dựng tại các ngõ, ngách hẹp trong nội đô cũng được chính Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thừa nhận: “ Quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch rất quan trọng, đặc biệt sau vụ cháy chung cư mini vừa qua. Trong vụ cháy này, theo giấy phép xây dựng, chủ nhà chỉ được xây 6 tầng nhưng thực tế đã xây 9 tầng (chưa tính tầng tum có 3 căn hộ). Đáng lo ngại những chung cư mini thường đặt trong ngõ, hẻm chỉ rộng 2-3m. Kể cả việc cho phép xây 6 tầng cũng vô cùng bất cập, chỉ nên cho xây 2-3 tầng”. Vì vậy, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị dự án Luật Thủ đô cần có điều khoản giao cho Hà Nội quyết định những vấn đề về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy hoạch tại những địa bàn cụ thể để đảm bảo an ninh an toàn lâu dài.

Trong lúc chờ những quy định cụ thể, rõ ràng về chung cư mini, những kiểu định danh, định nghĩa chung cư mini như thế khiến việc “biến tướng” của các công trình này luôn “làm khó” chính quyền cơ sở. Một lãnh đạo phường ở Hà Nội cho biết, những nhà cho thuê trọ từ những nhà xây cao tầng muốn kiểm tra cũng không dễ bởi là đó các nhà riêng lẻ. Không treo biển cho thuê nhà, chủ nhà đóng cửa thì lực lượng chức năng cũng khó mà vào kiểm tra, làm việc. Do đó cần có các quy định cụ thể, định danh rõ ràng, tránh sự “mập mờ” để các chủ nhà, chủ đầu tư không thể lách luật thì chính quyền cơ sở mới có thể dễ dàng thực thi công vụ.

Còn trước mắt, KTS Trần Huy Ánh cho biết, cần có những giải pháp cải thiện các công trình hay hạ tầng đường sá đến các khu vực dân cư quá đông trở nên an toàn hơn. Các KTS tình nguyện Hà Nội sẵn sàng hợp tác (tư vấn miễn phí) với chính quyền nơi xảy ra vụ cháy vừa qua để hỗ trợ giải pháp tổng mặt bằng và công trình nhà ở. 

 QUẢNG XƯƠNG

Ý kiến bạn đọc