Chi trả tiền hỗ trợ cho các nạn nhân sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân: Cẩn trọng là cần thiết, nhưng cần hỗ trợ kịp thời
VHO- “Sau khi tiếp nhận tiền đóng góp từ các tổ chức, tập thể, cá nhân trên cả nước ủng hộ nạn nhân vụ cháy, đến ngày 30.9, phương án phân bổ số tiền đã được xây dựng, trình thành phố xem xét, quyết định. Tuy nhiên đến nay phương án cuối cùng vẫn chưa được thông qua”.
Người dân, nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị ủng hộ nạn nhân chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội Ảnh: H.THÁI
Đại diện Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết như vậy. Trong khi đó, những ngày qua nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng, đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ chi trả tiền hỗ trợ cho các nạn nhân.
Sau vụ cháy chung cư mini, vợ chồng ông Ngô Phó Điền, bảo vệ chung cư và vợ vẫn đang ở nhờ nhà người anh trai. Ông bà đến nay vẫn chưa ổn định tinh thần. Bà thường xuyên đau đầu chóng mặt, còn ông đêm nào cũng khóc… Có mặt tại nhà người anh trai bà Đặng Thị Yên (65 tuổi), vợ ông Ngô Phó Điền, khi 4 người già đang quây quần bên mâm cơm tối, ngôi nhà tập thể E3 Thái Thịnh (quận Đống Đa, Hà Nội) là nơi trú ngụ của ông bà từ ngay sau vụ cháy xảy ra.
Bà Mai, chị dâu bà Yên cho biết, “hai ông bà ấy sức khỏe đều yếu, ở đây chúng tôi và các cháu chăm lo hết, không phải làm việc gì. Bà Yên hay chóng mặt nên chỉ giúp nhặt rau, còn rửa bát tôi cũng không cho làm. Có ít tiền hai ông bà được hỗ trợ ban đầu, chúng tôi bảo cứ giữ lấy để sau này nhận hỗ trợ như thế nào còn lo nhà cửa”. Nói lại chuyện cũ, ông Điền ngồi cạnh lại lấy giấy lau nước mắt. Bà Yên cho hay, bây giờ nhiều lúc ông ấy không tỉnh táo, lúc cười, lúc khóc. “Chồng tôi làm bảo vệ ca chiều và ca đêm nên thức quen rồi. Đêm không ngủ được, ông ấy lại ngồi khóc”, bà Yên nói.
Bà Yên nghẹn lại khi kể về sự không may mắn của vợ chồng con gái. Hai ông bà mua căn hộ phòng 504 từ năm 2015 với giá 660 triệu từ số tiền được bố mẹ chia. Ông bà nuôi 2 cháu ngoại từ khi mới bú bình, nay một cháu đã lên lớp 10 và một cháu vào lớp 6, còn bố mẹ chúng vẫn ở nhà bên nội. Hôm đó, hai vợ chồng con gái bà đến để làm thủ tục nhập học và họp phụ huynh cho con, tối thì ngủ lại. Vì phòng chỉ có một phòng ngủ nên bà xuống ngủ ở tầng hầm với ông, nhường phòng cho con cháu. Nhưng đó cũng chính là đêm định mệnh xảy ra với gia đình con gái bà cùng hơn 50 người khác… “Thứ 3 (ngày mai - PV) là 49 ngày của chúng nó. Chúng tôi đau lòng, xót xa lắm”, bà Yên lặng người.
Theo bà Yên, cuộc sống của ông bà được hai vợ chồng anh trai cưu mang nên không có gì vất vả. Ông bà cũng được thành phố hỗ trợ 40 triệu tiền ăn và 36 triệu đồng tiền thuê nhà. Mới đây, phường Khương Đình cũng gọi điện để chuẩn bị giấy khai sinh, giấy kết hôn và một số giấy tờ của ông bà và các cháu để làm thủ tục đền bù. Toàn bộ giấy tờ đã cháy hết, cũng may được các phường hỗ trợ nên việc làm lại cũng không khó khăn. “Tôi không biết được hỗ trợ như thế nào nhưng cũng mong được nhận càng sớm càng tốt để ổn định cuộc sống. Bây giờ hai vợ chồng nhà không có, lương hưu không có, công việc cũng không”, bà Yên nói. Chắc chắn không chỉ gia đình ông bà Điền mà cả 45 chủ căn hộ tại chung cư mini mong muốn được nhận tiền hỗ trợ sớm. Trong 45 căn hộ, chỉ có 6 căn là chủ mua rồi cho thuê, còn lại là hộ gia đình mua ở. Anh N.H có vợ và con gái tử vong trong vụ cháy không muốn nhắc nhớ đến chuyện thương tâm, hiện anh đang thuê nhà ở với con trai. Anh cũng mong được sớm giải ngân tiền hỗ trợ để có thể mua nhà ổn định cuộc sống.
Trong khi các nạn nhân tại chung cư mini đang mong mỏi và dư luận đặt câu hỏi về việc giải ngân chậm trễ số tiền ủng hộ của nhân dân, các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước đã hỗ trợ thì cơ quan chức năng cho biết, đang lên phương án giải ngân. Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Ủy ban MTTQ các cấp của thành phố đã dừng tiếp nhận hỗ trợ vào ngày 16.10. Tổng số tiền tiếp nhận ủng hộ đến thời điểm dừng là hơn 130 tỉ đồng. Trong đó, Hà Nội đã chi khẩn cấp trước 6 tỉ đồng để phục vụ các hoạt động hỗ trợ nạn nhân ổn định nơi ăn, chốn ở, nhu yếu phẩm, trang thiết bị sinh hoạt. Đại diện Ủy ban MTTQ thành phố cũng khẳng định phương án hỗ trợ sẽ được công bố trước ngày 6.11.2023.
“Ngay khi phương án phân phối nguồn hỗ trợ được thông qua, việc hỗ trợ sẽ được công khai và thực hiện chi trả ngay, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc được quy định tại Điều 4 và Điều 5 nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Sau khi tiếp nhận tiền đóng góp từ các tổ chức, tập thể, cá nhân ủng hộ các nạn nhân vụ cháy, đến ngày 30.9, phương án phân bố số tiền đã được xây dựng, trình thành phố xem xét, quyết định. Tuy nhiên đến nay phương án cuối cùng chưa được thông qua”, đại diện Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết. Theo quy định, thời gian tối đa kết thúc quyên góp ủng hộ cho các nạn nhân vụ cháy là ngày 15.11, nhưng thực tế thời gian kết thúc ủng hộ là ngày 16.10. Cả 3 cấp Ủy ban MTTQ gồm phường, quận, thành phố đã ra thông báo dừng nhận tiền ủng hộ. Sau khi dừng nhận ủng hộ, theo quy định, 20 ngày tiếp theo lên phương án hỗ trợ cho các nạn nhân, và đến ngày 6.11 sẽ phải giải ngân số tiền ủng hộ này.
Việc cẩn trọng trong việc xây dựng phương án hỗ trợ của các cơ quan chức năng tránh những hệ luỵ sau này là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều nạn nhân đang phải vật lộn với cuộc sống thì cần giải ngân số tiền hỗ trợ kịp thời, công khai, minh bạch. Dù các nạn nhân biết rằng, số tiền được hỗ trợ như thế nào cũng khó có thể bù đắp được những tổn thất, mất mát mà họ đã trải qua.
Theo thông tin từ Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội, Ủy ban MTTQ các cấp của thành phố đã dừng tiếp nhận hỗ trợ vào ngày 16.10. Tổng số tiền tiếp nhận ủng hộ đến thời điểm dừng là hơn 130 tỉ đồng. Trong đó, Hà Nội đã chi khẩn cấp trước 6 tỉ đồng để phục vụ các hoạt động hỗ trợ nạn nhân ổn định nơi ăn, chốn ở, nhu yếu phẩm, trang thiết bị sinh hoạt. Đại diện Ủy ban MTTQ thành phố cũng khẳng định phương án hỗ trợ sẽ được công bố trước ngày 6.11.2023. |
QUỲNH HOA