Chấp thuận chủ trương Khu liên hợp gang thép Long Sơn (Bình Định): Ảnh hưởng không gian, cảnh quan di tích nơi cập bến Tàu không số?

VHO- Đấy là lo lắng, bất an của dư luận và người dân kể từ ngày UBND tỉnh Bình Định chấp nhận chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.

Chấp thuận chủ trương Khu liên hợp gang thép Long Sơn (Bình Định): Ảnh hưởng không gian, cảnh quan di tích nơi cập bến Tàu không số? - Anh 1

 Di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không số tại thôn Lộ Diêu

 Nhiều ý kiến cho rằng, dự án sẽ tác động gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm đời sống bị đảo lộn cũng như tác động đến danh thắng biển Lộ Diêu và di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không số nơi đây.

Người dân lo lắng

Nhiều người dân bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng không muốn rời xa mảnh đất, bờ biển đẹp trong xanh hiền hòa mà họ đã gắn bó bao đời nay. “Qua các kênh thông tin báo đài chúng tôi được biết dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn sẽ được triển khai tại Lộ Diêu nên bà con lo lắng, bất an vì bao đời nay chúng tôi sống ở Lộ Diêu bằng mưu sinh từ nghề đi biển”, bà Hồ Thị Lành, một người dân ở thôn Lộ Diêu bày tỏ và cho biết, biển nuôi sống người dân no đủ quanh năm và khí hậu nơi đây rất trong lành mát mẻ, mùa mưa không bị lũ lụt, bão gió không bị ảnh hưởng nhiều bởi được núi bao bọc che chở.

Cùng quan điểm, ông Trần Minh Công cho rằng, bãi biển ở Lộ Diêu rất đẹp và nơi đây có di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không số, tại sao không đầu tư dự án làm du lịch để phát triển bền vững mà lại đưa dự án gang thép về đây. Bà con mong muốn lãnh đạo tỉnh cần cân nhắc kỹ trước khi triển khai dự án. Mặc dù, chính quyền địa phương chưa tổ chức họp, lấy ý kiến của nhân dân tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn, tuy nhiên những ngày qua, bà con nơi đây rất lo lắng về dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường, thay đổi những giá trị lịch sử của vùng đất này.

Ông Nguyễn Trọng Viên (71 tuổi), Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Lộ Diêu cho biết: Lộ Diêu là cái nôi cách mạng của thị xã Hoài Nhơn, có di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không số và bia tưởng niệm 141 liệt sĩ hy sinh. Hiện, toàn thôn có 563 hộ với hơn 3.000 nhân khẩu, người dân chủ yếu đi biển, làm nông và lâm nghiệp. Tính đến thời điểm này, ở Lộ Diêu có 180 chiếc tàu đánh cá, trong đó có 68 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Theo ông Viên, bản thân là cán bộ thôn nên được cán bộ thị xã Hoài Nhơn thông báo mời họp về triển khai dự án, còn chính quyền chưa tổ chức lấy ý kiến người dân. “Tỉnh nhà thực hiện dự án thì nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương, nhưng phải đảm bảo đời sống, sức khỏe, tinh thần của người dân. Nhưng tôi nghe người dân bày tỏ ý kiến, không đồng thuận thực hiện dự án, nhất là những người sống lâu năm gắn bó với mảnh đất này”, ông Viên chia sẻ.

Chấp thuận chủ trương Khu liên hợp gang thép Long Sơn (Bình Định): Ảnh hưởng không gian, cảnh quan di tích nơi cập bến Tàu không số? - Anh 2

 Biển Lộ Diêu được biết đến như một thắng cảnh ở xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn

Làm dự án phải đảm bảo các thủ tục, quy định

Theo tìm hiểu, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hiệp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu được xây dựng trên diện tích 468ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỉ đồng, chia thành 3 giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn. Đồng thời, nhà đầu tư cũng nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 496,9 ha mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỉ đồng.

Nói về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết: Dự án đang mới chỉ ở bước chấp thuận chủ trương đầu tư và xây dựng kế hoạch để chuẩn bị triển khai cụ thể. Khi làm dự án phải làm hết sức căn cơ, các vấn đề về thẩm định công nghệ, môi trường đều do các cơ quan Trung ương thực hiện. Khi đảm bảo các thủ tục theo quy định mới triển khai. “Thẩm định việc thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng thuộc về Bộ NN&PTNT, thẩm định về đánh giá tác động môi trường là Bộ TN&MT, thẩm định công nghệ là Bộ KH&CN. Các Bộ này thẩm định xong sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo các thủ tục về đầu tư, không ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, khi có sự đồng thuận, thì mới triển khai dự án”, ông Thanh khẳng định.

Theo ông Thanh, trước đây dự án Khu liên hiệp gang thép Long Sơn dự kiến làm ở huyện Phù Mỹ, sau đó nhà đầu tư khảo sát thấy địa điểm ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn) đảm bảo các điều kiện đầu tư thì họ đề xuất chuyển ra. Dự án mới ở giai đoạn khảo sát, chưa biết cụ thể diện tích hay phạm vi ra sao, nhưng về nguyên tắc là không ảnh hưởng đến các vị trí như thắng cảnh bãi biển Lộ Diêu, di tích lịch sử Tàu không số ở nơi đây.

Về câu hỏi, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Long Sơn có ảnh hưởng đến di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không số ở Lộ Diêu hay không, ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho hay: “Dự án hiện nay chỉ mới bước đầu khảo sát và chưa biết cụ thể kinh độ, tọa độ của dự án đến đâu. Như vậy, chưa thể đánh giá được mức độ dự án có tác động đến di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không Số. Nếu dự án được triển khai, phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa”. Theo ông Tĩnh, hiện nay di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không số là di tích cấp tỉnh, do Bảo tàng Bình Định quản lý. 

 “Di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không số ở Lộ Diêu, nơi đây (ngày 1.11.1964), Tàu không số đầu tiên mở bến khu V. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân phối hợp đưa tàu cập bến, chuyển vũ khí an toàn, chi viện cho chiến trường khu V, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Lộ Diêu đã đi vào lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển.

Năm 2005, di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Di tích lịch sử nơi cập bến Tàu không số ở Lộ Diêu có khoanh vùng bảo vệ khu vực I với diện tích 3.025m2 (chiều dài 55m, chiều rộng 55m), khoanh vùng bảo vệ II với diện tích 3.900m2 (chiều dài 65m, chiều rộng 60m)”.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc