Văn hóa đọc thời đại công nghệ số: Cần tăng cường quảng bá sách trên mạng xã hội

VHO - Trong cuộc sống, có biết bao khúc mắc mà người ta cần tìm lời giải, và một khi đã mách cho con người đang lúng túng ấy lời giải từ sách, thì đã điểm "đúng huyệt" của văn hóa đọc.

Văn hóa đọc thời đại công nghệ số: Cần tăng cường quảng bá sách trên mạng xã hội - Anh 1

Một hội chợ sách tại TP.HCM thu hút các bạn trẻ

Nếu như xem tất cả các thứ “đọc” đều là văn hóa đọc, ắt hẳn người Việt ta cũng không đến nỗi nào, và có lẽ cũng không có vấn đề gì phải bàn. Ta thấy hằng ngày hằng giờ, mọi nơi mọi lúc, mỗi người cầm một chiếc smartphone, chăm chú đọc, rất nhiều khi quên cả trò chuyện với người đối diện với mình. 

Hẳn phần lớn người ta đọc các tin tức cấp thời, lên mạng tương tác nhau, mà lại ít người tìm hiểu, nghiên cứu các tri thức, sách vở để nâng cao chất lượng công việc của mình. Các tri thức không nằm đâu xa, ở sách, tạp chí (giấy và điện tử), được quảng bá ở google. Vậy là xã hội đọc nhiều, nhưng lại vẫn phải kêu gọi tăng cường văn hóa đọc! Một sự nghịch lý trong xã hội chúng ta.

Một chứng liệu rõ ràng cho thực trạng đáng quan tâm về văn hóa đọc ở nước ta thể hiện ở chỗ các thư viện công cộng ít bạn đọc (trực tiếp hay liên hệ qua mạng), ngành xuất bản sách (cả giấy và điện tử) khá èo uột. Với dân số 90 triệu người, một cuốn sách in 1.000 bản chỉ như muối bỏ bể. Mà phần nhiều đều in với số lượng như vậy, kể cả các sách được cho là chất lượng. Kho sách không sử dụng nhiều giống như công cụ chất kho. Người thiếu tri thức, công cụ để nâng cao mở rộng hiểu biết, nâng cao chất lượng công việc của mình, lúng túng không biết tìm đâu, mà quên rằng công cụ lại đang nằm đâu đó trong cái kho kia, đó cũng là một nghịch lý.

Văn hóa đọc thời đại công nghệ số: Cần tăng cường quảng bá sách trên mạng xã hội - Anh 2

Chương trình giao lưu văn hóa đọc trong giới trẻ hiện nay

Ngành thư viện đã có nhiều hoạt động để nâng cao văn hóa đọc là điều cần thiết và đúng hướng, nhưng theo tôi vấn đề là làm sao tạo nên bước ngoặt lớn, tất nhiên là chuyện không dễ. Thú thật mỗi khi nhìn những khách “Tây ba lô” nghèo khó ngồi tranh thủ đọc sách dăm ba phút lúc chờ tàu, hoặc xem truyền hình thấy những chính khách hoặc thường dân nước ngoài trả lời phỏng vấn với cái phông là giá sách dày dặn sau lưng, tôi lại nhớ đến và ao ước cho văn hóa đọc ở nước ta. Chúng ta đang còn phải học, học nữa, học mãi. Sự học lại không thể thiếu sách vở, vậy mà sách vở lại vẫn cứ ế ẩm.

Các thư viện công ở nước ta đã có những nỗ lực trong cải tiến phục vụ, kể cả số hóa, là một cách tư duy động và thích ứng với điều kiện hiện nay. Song theo tôi nên suy nghĩ cách làm chủ động hơn nữa. Chẳng hạn thư viện cần hình thành mạng lưới cộng tác viên tâm đắc giúp quảng bá sách trên mạng xã hội. Các cộng tác viên tâm đắc này chuyên đọc, giới thiệu sách vở, tài liệu trên mạng, chú ý làm nổi bật tính hữu ích, cái hay của từng cuốn sách. Các cộng tác viên này có thể lấy một hay tập hợp sê-ri sách giới thiệu cho đúng đối tượng chuyên nghề, cần dùng, như là góp lời giải cho những vấn đề đặt ra trong công việc của họ. 

Văn hóa đọc thời đại công nghệ số: Cần tăng cường quảng bá sách trên mạng xã hội - Anh 3

Tiệm cà phê - sách là mô hình phổ biến hiện nay tại TP.HCM nhằm tạo thêm không gian cho người yêu văn hóa đọc

Trong cuộc sống, có biết bao khúc mắc mà người ta cần tìm lời giải, và một khi đã mách cho con người đang lúng túng ấy lời giải từ sách, thì đã “gãi đúng chỗ ngứa” của văn hóa đọc. 

Những người làm thư viện phải chứng minh một cách thuyết phục rằng chính sách vở là người bạn thân thiết của mỗi người để giải những bài toán trong đời sống của mình, để người ta cảm thấy cần phải chủ động tìm đến với sách, tìm lời giải từ sách, có thói quen đọc sách. Bên cạnh đó, tôi cũng trộm nghĩ rằng, mỗi cán bộ công chức cần phải thấm nhuần hơn nữa câu nói của Lê-nin: “Không có sách là không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. 

Văn hóa đọc thời đại công nghệ số: Cần tăng cường quảng bá sách trên mạng xã hội - Anh 4

Nhiều đơn vị đã biết chủ động xây dựng các tủ sách điện tử bằng việc đọc sách qua mã QR song song với giải pháp truyền thống

Quả thật sách gắn liền với tri thức. Anh không có tri thức thì làm sao anh có thể làm công việc cao cả mà cả xã hội đã phó thác. Tôi cũng ao ước mỗi cán bộ công chức có những kệ sách đầy đặn cho công việc của mình, tất nhiên sách thì phải được đọc, chứ không phải để trưng bày cho đẹp phông nhà. Không nên nói những điều quá cao xa, nếu việc bình thường là học hỏi qua sách vở cũng chưa thực sự tốt.

Thời đại công nghệ số buộc mọi người phải thích ứng với nó, chứ không thể khác. Ngành thư viện cần dùng công nghệ số một cách chủ động và linh hoạt hơn. Những người yêu sách trong xã hội sẽ là cánh tay đắc lực cho người làm thư viện chuyển tải sách đến với mọi người. Nên tăng cường sự hiện diện của sách trên mạng xã hội, trong tương tác của các nhóm, của các cá nhân với nhau, để sách thực sự là công cụ hữu dụng và đắc lực cho sự thành đạt của từng cá nhân và của tổng thể xã hội.

CAO CHƯ; ảnh: TRẦN HỒNG

Ý kiến bạn đọc