TP.HCM:
Trao giải thưởng sáng tác văn học, nghệ thuật cho 83 tác phẩm
VHO - Tối 30.12, tại Nhà hát Thành phố, UBND TP.HCM tổ chức Lễ công bố và trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác và dàn dựng, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. BTC đã trao 83 giải thưởng cho 8 lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Văn nghệ sĩ đã đồng hành cùng văn học, nghệ thuật
Cuộc vận động do UBND TP tổ chức, Sở VHTT TP.HCM, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM, các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành thành phố và các đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện.
Báo cáo tóm tắt kết quả cuộc vận động, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở VHTT, Phó Trưởng ban thường trực BTC; Phó Chủ tịch thường trực các hội đồng cho biết, với chủ đề “TP.HCM - 50 năm tự hào bản anh hùng ca”, Cuộc vận động là một trong những hoạt động quan trọng nhằm khơi dậy niềm tự hào về chặng đường phát triển 50 năm qua của Thành phố.
Trong suốt quá trình vận động, các hoạt động hỗ trợ sáng tạo đã được BTC chú trọng, giúp các tác giả có thêm những trải nghiệm và chất liệu phong phú. Nổi bật là các đợt trải nghiệm tại các công trình mang tính biểu tượng của TP.HCM, những di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ tại TP.HCM cũng như một số địa phương trên cả nước...
Sau hơn 1 năm phát động (từ 7.2023), Cuộc vận động đã thu hút sự tham gia của 434 tác giả từ khắp mọi miền đất nước, với tổng cộng 630 tác phẩm thuộc các thể loại văn học, âm nhạc, sân khấu, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh và kiến trúc.
Các Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo 1 và Chung khảo 2 đã có quá trình làm việc công tâm, với tinh thần trân trọng sức sáng tạo, cống hiến của các văn nghệ sĩ để chọn lựa các tác phẩm tiêu biểu, đề xuất BTC xét và trao giải thưởng.
Các tác giả tham gia Cuộc vận động bao gồm những tên tuổi lớn của các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và cả những tác giả không chuyên trên cả nước.
Theo NSND Thanh Thúy, bên cạnh số lượng phong phú, các tác phẩm còn đa dạng về đề tài, thể loại.
Ngoài các mảng đề tài ca ngợi truyền thống đấu tranh anh dũng trong công cuộc xây dựng và phát triển Thành phố mang tên Bác, các đề tài ca ngợi lực lượng vũ trang, ca ngợi cuộc sống hôm nay và những đề tài về hàn gắn vết thương do hậu quả chiến tranh để lại, tinh thần hòa hợp dân tộc… đã được nhiều tác giả quan tâm khai thác và sáng tạo.
“Một điểm rất đặc biệt là nhiều tác giả đã gửi tác phẩm tham gia, hưởng ứng Cuộc vận động như một cách đồng hành cùng văn học, nghệ thuật của TP.HCM.
Bằng tình cảm sâu sắc dành cho Thành phố mang tên Bác, các tác giả, nhóm tác giả đã mang đến Cuộc vận động nhều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao.
Sự đa dạng, phong phú về hình thức, nội dung, đặc biệt các tác phẩm đã bám sát chủ đề, thể hiện khát vọng mạnh mẽ về một TP.HCM vươn tầm cao mới trong tương lai, đồng thời giữ gìn bản sắc của đô thị với nhiều nét văn hóa đặc trưng”, NSND Thanh Thúy cho biết.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở VHTT TP, sau Lễ trao giải, Sở VHTT sẽ tham mưu UBND TP, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động dàn dựng, tuyên truyền, quảng bá tác phẩm đạt giải cao, góp phần lan tỏa giá trị tác phẩm đến với công chúng, thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"TP.HCM sẽ không tiếc những khoản đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng"
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ sự trân trọng và cảm ơn các văn nghệ sĩ, những người đã mang những tác phẩm đặc sắc đến với Cuộc vận động, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của thành phố.
“Chúng tôi tin rằng qua Cuộc vận động này, chắc chắn sẽ có nhiều tác phẩm lan tỏa, không chỉ trong giới văn học, nghệ thuật mà sẽ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần, cổ vũ thêm quá trình xây dựng và phát triển TP.HCM thân yêu.
Điều này cũng cho thấy một năng lực sáng tạo nghệ thuật rất lớn, không chỉ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp của Thành phố, mà kể cả các tác giả không chuyên”, ông Phan Văn Mãi bày tỏ.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhấn mạnh rằng Lễ tổng kết hôm nay chỉ là bước khởi đầu. Các tác phẩm đạt giải sẽ được dàn dựng, hoàn thiện và phổ biến rộng rãi để những thành quả sáng tạo này đến với đông đảo người dân, làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật và tinh thần của cộng đồng, đồng hành cùng quá trình xây dựng và phát triển của Thành phố.
UBND TP.HCM sẽ chỉ đạo Sở VHTT cùng các cơ quan liên quan tiếp tục đề xuất các kế hoạch đầu tư, nhằm đảm bảo các tác phẩm đạt giải được hoàn thiện và phổ biến rộng rãi.
"Chúng tôi nghĩ rằng TP.HCM sẽ không tiếc những khoản đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng. Đây cũng là việc mà chúng ta nên làm. Và tôi cũng tin rằng, các tác phẩm được trao giải hôm nay sẽ là những tác phẩm sẽ sống mãi với thời gian.
TP.HCM cũng sẽ tiếp tục đầu tư và triển khai các chính sách nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để văn học, nghệ thuật phát triển, giúp các văn nghệ sĩ có điều kiện sáng tạo và phát huy tài năng", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch Phan Văn Mãi kêu gọi các văn nghệ sĩ tiếp tục tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tác về TP.HCM và đất nước, và cam kết sẽ tạo ra môi trường sáng tạo thuận lợi để các tác giả phát triển, góp phần xây dựng thành phố trở thành một biểu tượng văn hóa, không chỉ có những công trình cao tầng mà còn là nơi hội tụ, phát triển của văn hóa, nghệ thuật.
Kết quả Cuộc vận động, BTC đã trao 83 giải thưởng cho 8 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực Văn học (13 giải), Sân khấu (7 giải), Múa (12 giải), Mỹ thuật (10 giải), Điện ảnh (9 giải), Kiến trúc (4 giải), Nhiếp ảnh (14 giải) và Âm nhạc (14 giải).
Các tác giả và tập thể đoạt giải Nhất gồm: Trình Quang Phú với tập truyện ký Theo dấu chân Người (lĩnh vực Văn học); Tô Nguyệt Nga với thơ múa Thành phố tôi yêu (Múa); Phạm Dương Mỹ Thu Huyền với tác phẩm Lửa Sài Gòn(Sân khấu);
Đỗ Đình Miền với tác phẩm tranh Nhịp sống trẻ (Mỹ thuật); Cổ Tấn Long Châu với tranh hoàng tráng Thưa Bác kính yêu, thế hệ chúng cháu nguyện làm tốt đẹp thêm cho thành phố mang tên Bác (Mỹ thuật).
Hoàng Trung Thủy với sách ảnh Sài Gòn Black & White (Nhiếp ảnh); Phạm Thị Quỳnh Nga với ảnh đơn Xuân về trên thành phố mang tên Bác (Nhiếp ảnh).
Nguyễn Trường Lưu với tác phẩm Cung thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh (Kiến trúc); Công ty CP phim Giải phóng với Kịch bản phim truyện điện ảnh Đặc công rừng Sác (lĩnh vực Điện ảnh);
Trần Lê Trà Thanh với hợp xướng Thành phố tôi - Khát vọng tự hào (Âm nhạc); Trần Xuân Mai Trâm với ca khúc Chào 50 năm thành phố rạng rỡ tên Người (Âm nhạc).
Theo BTC, giải thưởng Cuộc vận động áp dụng theo Nghị quyết “Quy định về nội dung chi và mức chi giải thưởng cuộc thi, liên hoan, cuộc vận động sáng tác trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp”, với giải nhất lên tới 120 triệu đồng/tác phẩm.