Sách sử Việt mang diện mạo mới

VHO- Trải qua gần một thế kỷ, hai tác phẩm Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim) và Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh) vẫn đóng góp những giá trị lớn lao cho giới nghiên cứu nước nhà. Tuy nhiên, với bạn đọc trẻ tuổi và ít quan tâm tới lịch sử, thì hai cuốn sách này vẫn còn khá xa lạ. Với mong muốn đưa những công trình tầm vóc này tiếp cận gần hơn với bạn đọc, khơi dậy lòng ham học hỏi, mối quan tâm tới văn hóa, lịch sử đất nước, hai ấn phẩm đã được tái bản trong một diện mạo mới đầy hấp dẫn.

Sách sử Việt mang diện mạo mới - Anh 1

 Những cuốn sách sử được khoác “chiếc áo mới” sang trọng và tinh tế, thu hút bạn đọc ngay từ cái nhìn đầu tiên

Thời xưa, sách sử chủ yếu viết bằng chữ Hán, lưu hành trong giới trí thức và hoàn toàn theo quan điểm phong kiến “trung với vua”, chỉ lấy các sự kiện của vương triều làm trung tâm. Tuy nhiên đến khi Pháp xâm lược Việt Nam, du nhập văn hóa mới thì quan niệm đó đã dần lỗi thời. Sách sử lúc này không còn ghi chép lịch sử vương triều mà còn là lịch sử của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, với phương pháp ghi chép mới mẻ bằng chữ Quốc ngữ cùng cách kể lôi cuốn, tư duy sử học tiến bộ so với đương thời, Việt Nam sử lược nhanh chóng được đón nhận và “sống” cho tới ngày nay. Còn tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương ra mắt năm 1938, là tác phẩm đánh giá toàn diện đầu tiên và có hệ thống nhất về văn hóa Việt Nam từ sơ khởi đến những năm đầu thế kỷ XX. Ra đời trong bối cảnh nước ta đón nhận các luồng văn hóa mới từ các nước phương Tây, Việt Nam văn hóa sử cương đại diện cho những nỗ lực giải quyết cuộc va chạm giữa văn hóa Việt Nam truyền thống với văn hóa du nhập lan tràn và có xu hướng chiếm lĩnh ở thời điểm đó.

Nhận thấy giá trị trường tồn của sách sử, sau thời gian dài chuẩn bị và hoàn thiện, nhiều đơn vị xuất bản đã “khoác” lên sách sử “chiếc áo mới” sang trọng và tinh tế. Trong đó phải kể đến Đông A, nơi luôn tìm cách đổi mới, sáng tạo để các tác phẩm kinh điển tiếp cận với độc giả trẻ. Với Việt Nam sử lược, cuốn sách được bổ sung thêm gần 60 hình minh họa từ các nguồn tư liệu ở bảo tàng, tranh dân gian, sách báo xưa...; bản đồ được sao chụp trực tiếp từ ấn bản 1954, bổ sung thêm 2 bản đồ từ ấn bản 1928. Còn Việt Nam văn hóa sử cương cũng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn khi có thêm 108 hình ảnh minh họa, trong đó có một bức họa của họa sĩ Thang Trần Phềnh, 6 bức ảnh chụp của nhiếp ảnh gia Pierre Dieulefils và nhiều tranh, ảnh từ bảo tàng…

Bên cạnh Đông A, thời gian qua, nhiều đơn vị xuất bản trong nước cũng nỗ lực tìm kiếm và đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức nhằm mang đến nhiều cuốn sách sử có giá trị cho bạn đọc. Có thể kể đến: Các triều đại Việt Nam, Đất nước Việt Nam qua các thời kỳ, Việt sử yếu, Nam Phương hoàng hậu cuối cùng, Bảo Đại hoàng đế cuối cùng, Lịch sử Việt Nam bằng tranh, Phủ biên tạp lục…

Có thế thấy, làm mới diện mạo của sách sử Việt là việc làm vô cùng cần thiết và có ý nghĩa. Hai tác phẩm của các cụ Trần Trọng Kim và Đào Duy Anh không chỉ là những công trình quý báu đối với nhiều ngành nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Việt Nam, chứa đựng hàm lượng tri thức giá trị mà còn đón đầu xu hướng, nhu cầu văn hóa thời bấy giờ. Hy vọng những ấn phẩm như thế này sẽ đi xa hơn, trở thành “món ăn tinh thần” đối với các bạn trẻ, khơi nguồn tình yêu với lịch sử đất nước. 

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc