“Gieo vần” thơ trong lòng đô thị

VHO- Trong đời sống xuất bản sôi động, các tập thơ phải tìm thị trường “ngách” để đến với công chúng; còn trong quá trình hội nhập quốc tế, thơ có đang tuyệt vọng với việc tìm kiếm con đường xuất khẩu sang các quốc gia? Và dòng thơ tại TP.HCM liệu có giống các con kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè đang mòn mỏi chờ đợi được để đầu tư cải tạo, nâng cấp…? Những câu hỏi đau đáu ấy đã được đặt ra và lý giải tại tọa đàm Dòng thơ giữa phố do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức nhân dịp Nguyên tiêu 2023.

“Gieo vần” thơ trong lòng đô thị - Anh 1

 Nhà văn trẻ Trần Đức Tín chia sẻ những trăn trở về thơ trẻ

Tại buổi tọa đàm, nhà thơ trẻ Trần Đức Tín cho rằng, TP.HCM là vùng đất luôn trẻ. Trẻ không chỉ ở sự liên tục vận động phát triển cơ hữu của nó, mà còn ở sự cập nhật, khuyến khích, cởi mở của văn chương TP với thơ trẻ. Vì văn chương TP luôn chấp nhận mọi sự tìm tòi, khám phá, lối viết mới đối với những người làm thơ trẻ, đây là một điều rất quan trọng để văn chương phát triển. Thế nhưng, thơ trẻ TP cũng mang nhiều thách thức nội tại riêng biệt. “Đã có rất nhiều người trẻ đến với văn chương nhưng cũng nhiều người rời đi, bỏ cuộc. Cái thách thức của người trẻ là sự lăn xả với văn chương, là sự đánh đổi lưng chừng giữa sự nghiệp, vòng xoáy cơm áo gạo tiền với con chữ, nên người trẻ còn e dè, thiếu tâm huyết”, nhà thơ trẻ Trần Đức Tín bày tỏ trăn trở.

Với dòng thơ nữ, nhà thơ Ngô Thị Hạnh đưa ra nhìn nhận, nội dung thơ nữ thế hệ 8X, 9X ở TP.HCM cũng không quá khác biệt so với thế hệ trước nhưng cách thể hiện trẻ trung hơn, gần với giới trẻ hơn nên được đón nhận. Tuy nhiên, họ vẫn còn rất nhiều rào cản, khó có thể dấn thân lâu dài với thơ. Tác giả của tập thơ Lặng soi chia sẻ nỗi niềm: “Văn xuôi thì có các nhà xuất bản, công ty truyền thông đa phương tiện lo tập hợp in ấn, trả nhuận bút, thơ thì gần như phải tự thân… Đó cũng là một trong những nguyên do mà hầu hết các tác giả nữ trẻ, in được 1 đến 2 tập thì dừng lại để lo công việc hoặc tập trung cho gia đình”.

Tại tọa đàm, cô giáo, nhà thơ Nguyệt Thu bày tỏ nỗi băn khoăn về khoảng trống trong dòng thơ dành cho thiếu nhi hiện nay: “Khi giao lưu trò chuyện với học sinh ở các trường tiểu học trong TP, tôi thường hỏi các em có thuộc một vài câu thơ nào đó trong sách giáo khoa không, hầu như các em không thuộc, thậm chí có em còn đọc nhầm thành ngữ, tục ngữ. Có thể nói, việc giúp cho các em đến với thơ, nhất là thơ thiếu nhi là một điều rất khó khăn. Thơ thiếu nhi đang ở đâu trong dòng thơ đang chảy giữa phố? Và tôi cũng tự trả lời: Có lẽ do người lớn mình không thích thơ nên không truyền đạt cho các em cảm hứng về thơ”.

Nhìn lại một chặng đường dài đã qua của các phong trào văn hóa quần chúng ở TP.HCM, không thể nào không nhắc đến những hoạt động đa dạng của các CLB thơ ca. Nhà thơ Xuân Trường chia sẻ: “Thơ CLB là nguồn động viên tinh thần cho đời sống cư dân, thúc đẩy sự đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng. Cũng từ phong trào thơ ca CLB đã xuất hiện nhiều tác phẩm vượt trội về chất lượng. Do vậy, các CLB thơ cũng chính là một kênh tạo nguồn hội viên mới cho Hội Nhà văn TP.HCM cũng như Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện nay, vấn đề nâng cao chất lượng nghệ thuật ở các CLB thơ rất được chú trọng. Một số CLB đã mời các diễn giả nói chuyện chuyên đề về ngôn ngữ nghệ thuật, thi pháp cũng như về các hiện tượng thơ trên thi đàn”.

Còn với cô giáo, nhà thơ Nguyệt Thu: “Khi sáng tác thơ cho trẻ nhỏ nên chọn đề tài gần gũi với các em, càng gần gũi các em dễ bộc lộ tình cảm của mình. Thơ giàu hình ảnh, màu sắc và âm thanh và giàu cả nhịp điệu. Thơ phải là người bạn đồng hành, theo các em đến lớn, và thơ sẽ ở lại trong nỗi nhớ của nhiều người khi các em trưởng thành”. Bên cạnh đó, cần có những hoạt động phối hợp như: Giao lưu định kỳ giữa những người làm thơ thiếu nhi và viết nhạc thiếu nhi; Tổ chức các trại viết, các chuyến thực tế cho các cặp đội thơ - nhạc, có sự kết hợp giữa Hội Nhà văn và Hội Âm nhạc TP.HCM; Nên có sự kết hợp và tài trợ của cả hai tổ chức, các cá nhân nghệ sĩ để dựng ca khúc phổ thơ thành audio hoặc video… 

 THẢO MY

Ý kiến bạn đọc