Băn khoăn chọn một bản Kiều

THUỴ BẤT NHI

VHO - Truyện Kiều không xa lạ với bất cứ người Việt nào. Học giả Phạm Quỳnh từng viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Thế nhưng, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, mảng sách đọc bị tác động hỗn loạn, việc tìm đọc được những bản in Truyện Kiều lại đang có vấn đề, thật cần có được sự can thiệp giữ gìn và trân trọng.

Chị Đoàn Thị Cảnh, cán bộ Phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam ở TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, mới đây, khi con gái xin một quyển Truyện Kiều, chị đã đi vào các hiệu sách ở trung tâm thành phố này để mua.

Tâm lý chị nghĩ đơn giản lắm, vì hiện thời, bước vào nhà sách nào, cũng sẽ thấy ngay kệ đầu tiên, Truyện Kiều luôn được đặt trang trọng. Thi phẩm của đại thi hào Nguyễn Du luôn xứng đáng được mọi người chiêm ngưỡng. Có điều, những cảm nhận của các bậc phụ huynh như chị Cảnh, muốn con mình tiếp cận văn chương dân tộc, giữ gìn văn hóa đọc và sự trong sáng của tiếng Việt, đã không phải có sự hụt hẫng.

Băn khoăn chọn một bản Kiều - ảnh 1

Chị Cảnh tâm sự: “Truyện Kiều, hóa ra thấy vô vàn bản. Bản Đào Duy Anh là mình có, nhưng cũ quá; bản Kiều Oánh Mậu - Kiều Thu Hoạch giá lại mắc quá. Lại thấy nào các loại bản của Trần Trọng Kim - Bùi Kỷ, An Chi, Nguyễn Quảng Tuân, rồi thêm vài nhân vật nữa mà mình không biết là ai.

Tự nhiên thấy khó, mình mới mở sách giáo khoa, xem bản Kiều bọn trẻ đang học là bản nào, cũng thấy không ghi rõ. Mình mở thêm các bản của Nhà xuất bản  Kim Đồng, bản do UNESCO tài trợ, cũng không thấy ghi tên ai là người phiên âm, chú giải trên bìa sách.

Mình bỗng nhận ra, chả lẽ vì ai cũng trọng Truyện Kiều là tài sản quốc gia rồi, thì không quan tâm đến công sức người phiên âm, chú thích làm văn bản, để không cần ghi nhận.

Hồi xưa đọc sách, vô tủ sách của mẹ lấy đọc thôi, quan tâm làm gì nó là bản nào, giờ mua sách cho học trò, lựa tới lựa lui cũng chưa được. Dù biết học trò không cần biết bản nào, nhưng đã mua cuốn sách, thì ngoài những cái tên vô tình nó đọc nó nhớ, vẫn cần chọn được bản nào để mai sau, nó hình dung có những cái tên quen quen như Đào Duy Anh, Kiều Oánh Mậu, Trần Trọng Kim hay Bùi Kỷ.

Một quyển sách như vậy, cần ghi rõ là bản chữ Nôm nào, ai là người phiên âm chú giải, thì người đọc mới có ý thức đọc sách phải biết là công sức của ai, trí tuệ của ai. Vậy mà với Truyện Kiều, lại hóa khó ghê”.

Tâm tư của chị Đoàn Thị Cảnh, thật ra cũng gặp được ở bất kỳ bậc cha mẹ nào, khi vào nhà sách, chọn mua một quyển Truyện Kiều. Bản thân người viết, cách đây chưa lâu, cũng lục tìm một bản Kiều cần thiết cho tủ sách nhà mình, để con cái trong nhà đọc, mà chọn mãi không biết lấy quyển nào. Trên kệ nhà sách, những tập Kiều được in ấn trang trọng, bìa dày bìa mỏng, khổ to khổ nhỏ đều đủ, nhưng ghi chú đều không rõ ràng. Người viết chọn mãi, đành lấy bản Truyện Kiều của Nhà xuất bản Văn học, do ông Lê Văn Hòe là người hiệu đính, chủ giải và bình luận. Chọn rồi, về đọc, vẫn thấy ngang ngang trong lòng, chưa thoải mái với câu hỏi, thật sự chúng ta cần có một bản Kiều ra sao cho xứng đáng với tầm vóc tác phẩm.

Phải thấy rằng, Nguyễn Du là tác giả của Truyện Kiều, nhưng 3.254 dòng thơ của ông đều viết bằng chữ Nôm, thứ chữ vay mượn chữ Hán để biểu đạt tiếng Việt, để đọc được, không phải ai cũng đủ kiến thức về chữ Hán mà thấu được. Những bản chữ Nôm của Truyện Kiều, cũng qua nhiều lần in ấn, qua nhiều bản tra lục mà có sự khác nhau, “nào bản Kinh, nào bản Phường” như nhiều học giả đã phải tâm sự tư luận. Cho đến nay, sự hiện hữu một bản chữ Nôm thật sự đúng là của Nguyễn Du, vẫn có nhiều tranh luận trong văn đàn. Người viết đã từng hỏi bạn bè, người quen để tìm mua một phiên bản in ấn như vậy mà vẫn chưa ai giải đáp cho được.

Vậy thì, từ thứ chữ Nôm như xa lạ với đông đảo người Việt hôm nay, văn tài Nguyễn Du đã phải “giảm xuống một mức” khi thể hiện qua chữ quốc ngữ, phải được một người nào đó, hiệu đính, chú giải lại. Sai khác giữa chữ Hán và chữ latin, là nghĩa của nhiều từ, nhiều chữ không còn rõ ràng, dẫn đến sự hiểu lầm, ngộ nhận những ngữ cảnh, điển tích, ý tứ trong câu thơ qua nhận thức và cảm xúc độc giả.

Đã lúng túng bởi tình trạng “đồng âm dị nghĩa”, đa số người đọc hôm nay còn không nắm bắt được hết những điển cố, điển tích được nhà thơ sử dụng trong văn chương của mình. Nên, đọc Truyện Kiều mà nhầm lẫn văn từ, hiểu sai câu cú, là tình trạng không hiếm và đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đề cập.

Vậy nên, với tình trạng những nhà xuất bản hôm nay, cùng nhau in ấn những bản Kiều đã chú giải qua chữ quốc ngữ, nhưng không ghi rõ người nào đảm nhận việc đó, quả là cần có sự xem xét lại cho kỹ lưỡng. Trong rất nhiều bản Kiều đã “latin hóa”, giới học thuật cũng cần phân định rõ, những bản nào ra sao, nên đặt ở góc cạnh, đối tượng độc giả nào thì phù hợp.

Nhất là với những bản Kiều cho học sinh phổ thông, giới trẻ nhà trường đọc, chúng ta càng cần phải ghi rõ những người biên tập, hiệu đính, chú giải cho chính xác, vừa để minh bạch độ tin cậy của văn bản đến đâu, vừa tôn trọng quyền lợi, công sức của những người làm công tác học thuật.

Viết nên Truyện Kiều, là tài hoa bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du. Nhưng để Truyện Kiều thẩm thấu được vào dân gian, đi vào tâm thái của mỗi người đọc, cụ thể là cộng đồng xã hội hôm nay, thì phải nhờ vào trí tuệ, tài năng học thức của những người hiệu đính, chú giải, “diễn dịch” từ bản chữ Nôm qua bản chữ quốc ngữ. Thiết tưởng, điều ấy không hề đơn giản và không nên có những cách nhìn nhận hời hợt, chung chung.

Truyện Kiều còn, tiếng ta còn”. Nhưng nếu “tiếng ta” ấy dùng sai bản gốc, cũng không rõ do công sức của ai mà có, thì như chị Đoàn Thị Cảnh tâm sự, “chúng ta có lỗi với tiền nhân lắm”, khi phải băn khoăn chọn một bản Kiều.