“Nếp áo thanh xuân”:
Vun đắp khát vọng tuổi trẻ
VHO - Góp phần quảng bá, tôn vinh di sản áo dài, chương trình “Nếp áo thanh xuân” đã được CLB Di sản Áo dài Việt Nam xây dựng, với mục tiêu ý nghĩa là trao tặng áo dài cho các nữ giáo viên, học sinh cuối cấp THPT tại những địa bàn khó khăn, qua đó lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống một cách gần gũi và thiết thực.
Ngày 7.6 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), mở đầu chương trình “Nếp áo thanh xuân”, CLB Di sản áo dài Việt Nam dưới sự bảo trợ của Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm cùng tên.
Dự tọa đàm có PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam; TS. Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với di sản Văn hóa, Chủ nhiệm danh dự CLB Di sản áo dài Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm CLB di sản áo dài Việt Nam... cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, di sản, các diễn giả, lãnh đạo và thành viên CLB Di sản Áo dài Việt Nam; các cô giáo và nữ sinh đến từ Trường THPT Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ); Trường THPT Cẩm Thủy 2 (tỉnh Thanh Hóa)...
Chủ nhiệm CLB di sản áo dài Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ, “Nếp áo thanh xuân” là hành trình nối dài tình yêu và cảm xúc với tà áo biểu tượng văn hóa dân tộc. Chương trình hướng đến những địa bàn khó khăn, lan tỏa tình yêu di sản văn hóa dân tộc đến thế hệ trẻ.
“Nếp áo thanh xuân sẽ theo các nữ sinh vào giảng đường đại học, bắt đầu hành trình lập nghiệp, cùng với thời gian sẽ trở thành ký ức tươi đẹp của một thời tuổi trẻ.
Rất mong chương trình được lan tỏa, các thành viên CLB và người yêu áo dài Việt Nam đồng hành để có thể trao tặng ngày càng nhiều hơn những tà áo dài, cùng các nữ sinh đồng hành trên những chặng đường kế tiếp, đồng thời lan tỏa tình yêu với biểu tượng văn hóa truyền thống của dân tộc…”, bà Tâm nhấn mạnh.
TS. Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ nhiệm danh dự CLB Di sản áo dài Việt Nam chia sẻ, áo dài luôn mang đến trong bà nhiều cảm xúc. Chương trình “Nếp áo thanh xuân” đã mở đầu với cuộc tọa đàm ý nghĩa, từ đó sẽ tiếp nối nhiều sự kiện tôn vinh nét đẹp phụ nữ và góp phần quan trọng vào hành trình xây dựng, hoàn thiện hồ sơ di sản cho áo dài, lan tỏa niềm tự hào của người phụ nữ Việt Nam ra thế giới.
TS. Đặng Thị Bích Liên nhớ lại, khi còn làm công tác quản lý, tham gia bất cứ kỳ họp nào của UNESCO bà đều mặc áo dài và luôn cảm thấy tự hào bởi trang phục đặc biệt này.
“Mỗi lần bảo vệ một di sản nào đó của Việt Nam trước UNESCO, tôi đều mặc áo dài. Tôi luôn nhớ khoảnh khắc khi di sản Việt Nam được vinh danh, máy quay hướng vào và dường như cả thế giới đều biết tới áo dài của chúng ta”, TS. Đặng Thị Bích Liên chia sẻ.
Nhấn mạnh áo dài là hồn cốt, phong cách, bản sắc của người Việt Nam, bà Liên bày tỏ, “mong rằng chúng ta sẽ tiếp bước, tự hào với trang phục truyền thống của dân tộc với nhiều việc làm cụ thể, những sáng kiến như chương trình Nếp áo thanh xuân”.
TS. Đặng Thị Bích Liên cũng đánh giá cao ý tưởng tổ chức toạ đàm và tổng thể chương trình. Trong nhiều sáng kiến được CLB triển khai thời gian qua, "Nếp áo thanh xuân" là chương trình đưa áo dài đến trường học đầu tiên trong hành trình lan toả trang phục này ra khắp mọi miền đất nước và quốc tế.
“Nên khuyến khích các trường quy định một ngày trong tuần học sinh phải mặc áo dài và một ngày mặc trang phục dân tộc của họ. Như thế, vừa lan toả được áo dài vừa gìn giữ phát huy bản sắc dân tộc, từ đó đóng góp vào nền công nghiệp văn hoá. Cũng cần mở rộng quy mô hơn nữa để tạo sức lan tỏa, bền vững cho chương trình…”, theo TS. Đặng Thị Bích Liên.
Mong mỏi áo dài ngày càng phát huy giá trị trong đời sống đương đại, GS.TS. Từ Thị Loan (Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng, “Nếp áo thanh xuân” mang nhiều ý nghĩa, là sáng kiến tâm huyết của CLB Di sản áo dài Việt Nam.
Theo GS. TS Từ Thị Loan, là trang phục chiếm được tình yêu của mọi người dân Việt Nam, là cảm hứng cho văn chương, thơ ca nhạc họa, đến nay áo dài gần như đã trở thành quốc phục của Việt Nam, có thể ví như Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc… Áo dài cũng là một trong số ít từ thuần Việt được người nước ngoài sử dụng không qua dịch thuật, tương tự như phở, nem, nước mắm, nón lá... và được mặc trong mọi sự kiện của đời sống.
Bà Loan khẳng định: “Áo dài chứa đựng bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, những quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Đó là bộ nhận diện, niềm tự hào của chúng ta trong các sự kiện mang tầm vóc quốc gia, quốc tế”.
Để áo dài ngày càng có sức lan tỏa và phát huy giá trị trong đời sống đương đại, chuyên gia này cho rằng cần đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài, tôn vinh, quảng bá rộng rãi trang phục áo dài, quan trọng là đa dạng hóa đối tượng, giới tính, lứa tuổi sử dụng. Ở khía cạnh này, chương trình “Nếp áo thanh xuân” có nhiều ý nghĩa.
Góp nhiều ý kiến thiết thực tại tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ nhiệm CLB Mỹ thuật ứng dụng- Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam nhấn mạnh giá trị, ý nghĩa của áo dài Việt Nam, đặc biệt trong hành trình quảng bá bản sắc văn hóa, tôn vinh nét đẹp người phụ nữ Việt Nam.
“Chương trình “Nếp áo thanh xuân” mang tính gắn kết cộng đồng rất lớn, khi những tà áo được thiết kế, nâng niu gửi đến các nữ sinh, tạo sức lan tỏa và động lực để các bạn cố gắng hơn mỗi ngày, cùng nhau quảng bá di sản văn hóa Việt”, PGS. TS Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.
Với vai trò Phó Giám đốc Trường quay Cổ Loa, diễn viên Minh Tiệp chia sẻ, mỗi lần tham dự các LHP quốc tế, đoàn Việt Nam đều diện áo dài. Khi mọi người nhìn thấy đoàn bước vào, họ biết ngay đến từ Việt Nam, với những ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ. Hình ảnh áo dài như là bộ nhận diện quốc gia.
Diễn viên Minh Tiệp tiết lộ, sắp tới tại Trường quay Cổ Loa sẽ quay nhiều bộ phim về đề tài lịch sử, chắc chắn hình ảnh áo dài Việt Nam sẽ xuất hiện và được tôn vinh đậm nét trong những bộ phim này.
Điểm nhấn tại chương trình là những bộ áo dài đầu tiên đã được trao tặng cho các cô giáo, học sinh lớp 12 đến từ trường THPT Tân Sơn (Phú Thọ), THPT Cẩm Thủy 2 (Thanh Hóa) và đại diện trường THPT Tương Dương (Nghệ An).
Chia sẻ cảm xúc khi cùng các nữ sinh trường THPT Cẩm Thủy 2 (Thanh Hóa) đón nhận những tà áo dài duyên dáng từ CLB Di sản áo dài Việt Nam, cô giáo Phạm Thị Lan, Phó Hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: “Vượt quãng đường xa xôi từ huyện miền núi Cẩm Thủy đến tham dự chương trình ý nghĩa này, cô trò vô cùng xúc động. Với những bộ áo dài được các NTK thuộc CLB Di sản Áo dài Việt Nam trao tặng, các nữ sinh lớp 12 của trường sẽ có cơ hội được mặc áo dài đến lớp.
Đặc thù ở vùng khó khăn, các em rất ít cơ hội được mặc áo dài, vì thế chương trình “Nếp áo thanh xuân” càng nhân lên nhiều ý nghĩa
Đây sẽ bộ trang phục đẹp nhất mà các em học sinh luôn trân trọng, tự hào khi mặc trong những dịp quan trọng, trong quãng đường tương lai mà các em sẽ đi sau này. Tại buổi tọa đàm, thông điệp mà chúng tôi có được chính là bài học giáo dục về nét đẹp, ý nghĩa của tà áo dài dân tộc”, cô Lan xúc động.