Văn hóa biển, đảo “miền đất Võ” - Bài 1: Tiềm năng phát triển du lịch bền vững

VHO - Trong thời gian vừa qua Bình Định đã đề ra các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển, đảo để phát triển du lịch bền vững, trở thành động lực và nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.

Với đường bờ biển dài đẹp, cộng với hệ thống các đảo ven bờ đã hình thành những cộng đồng vạn chài với những nét sinh hoạt văn hóa của ngư dân miền biển, đảo vô cùng đặc sắc và phong phú. Từ lợi thế như vậy, tạo tiềm năng và thế mạnh đặc biệt cho địa phương phát triển du lịch biển, đảo.

Biển xanh, cát trắng, nắng vàng

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng được đánh giá là nơi sở hữu nhiều di sản thiên nhiên, vườn quốc gia, hệ sinh thái đầm, phá ven biển, khu dự trữ sinh quyển thế giới nổi tiếng. Với sự tác động của quá trình tự nhiên đã tạo cho bờ biển Bình Định có vẻ đẹp hùng vĩ và nhiều đầm, phá, có tiềm năng cho việc phát triển du lịch, đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản.

Văn hóa biển, đảo “miền đất Võ” - Bài 1: Tiềm năng phát triển du lịch bền vững - Anh 1

Lễ hội cầu ngư, một phần trong đời sống văn hóa của ngư dân miền biển Bình Định

Bán đảo Phương Mai và đầm Thị Nại vốn đã đẹp, nay lại càng trở nên có sức sống nhờ cây cầu vượt biển nối TP Quy Nhơn và bán đảo. Cây cầu như một chất xúc tác thúc đẩy thành phố biển phát triển khu kinh tế Nhơn Hội. Không chỉ đơn thuần là một tuyến giao thông, cầu Thị Nại còn tô điểm cho vẻ đẹp nên thơ của đầm Thị Nại thêm hữu tình, là điểm nhấn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bình Định.

Những năm gần đầy, biển Kỳ Co ở TP Quy Nhơn (Bình Định) được ví von như Maldives, thu hút hàng triệu du khách đến đây tham quan, nghỉ dưỡng. Và Kỳ Co, còn được mệnh danh là “chỉ cách thiên đường một bước chân”. Chị Nguyễn Thị Hải, du khách đến từ TP Hà Nội vui vẻ nói: Biển Kỳ Co rất đẹp, đúng là một tuyệt tác do thiên nhiên tạo hóa, ban tặng. Đó là chưa kể, Kỳ Co có một bãi cát vàng cùng nước biển trong xanh màu ngọc bích, được ví như Maldives của Việt Nam.

Đến bờ biển Quy Nhơn, phóng tầm nhìn từ trên cao sẽ thấy một hình “lưỡi liềm” mà đầu là ở cầu cảng Quy Nhơn và đuôi là danh thắng Gành Ráng Tiên Sa. Lưỡi liềm sáng loáng nhờ sự cọ mài của bờ biển dài hơn 5km với sóng nước trong xanh, nhộn nhịp. Qua khỏi dãi cát mịn màng đến Gành Ráng thì dãy núi phía Nam chạy xuống sát biển nên bờ biển nổi cao. Nơi đây gò đống nhô lên, hang hốc hê hùng, gành cao sóng vỗ, khí thế thật hùng hiểm khôi kỳ, đi vào huyền tích như bãi tắm Hoàng Hậu, là một điểm du lịch của “miền đất Võ”. Ngoài ra, chạy dọc tuyến quốc lộ 1D Quy Nhơn - Sông Cầu (Phú Yên) là những Bãi Bàu, Bãi Dại, Bãi Xép… góp phần tôn vinh vẻ đẹp thơ mộng, kì vĩ của lãnh hải Bình Định.

Văn hóa biển, đảo “miền đất Võ” - Bài 1: Tiềm năng phát triển du lịch bền vững - Anh 2

Bãi biển Quy Nhơn thu hút hàng triệu khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây tham quan, nghỉ dưỡng

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Ngọc cho biết: Dọc ven bờ biển Bình Định tồn tại 32 hải đảo lớn nhỏ, trong đó có 10 cụm hải đảo và đáng lưu ý là đảo Cù Lao Xanh. “Đảo Cù Lao Xanh có vai trò quan trọng về kinh tế, văn hóa và quốc phòng. Nơi đây có nhiều dân cư sinh sống, có cảng cá khá lớn, là nơi ra vào của tàu thuyền đánh cá và tránh bão thuận lợi. Hiện Cù Lao Xanh đang trở thành điểm đến, hấp dẫn du khách về hành trình khám phá biển, đảo”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian này, nếu không kể các đường bờ của các hải đảo, bán đảo, tỉnh Bình Định có khoảng 134 km bờ biển. Do ảnh hưởng nhô ra của các dãy núi, cũng như khí hậu và tác động của các quá trình thủy văn động lực của biển, đủ tạo nên sự phức tạp của vạch bờ, đồng thời cũng tạo nên nhiều đầm phá ven biển như: Đầm Trà Ổ, đầm Nước Ngọt, đầm Mỹ Khánh, đầm Thị Nại và phá Công Khanh. Ở đó, các đầm, phá được ngăn cách với biển bởi các doi cát hoặc các dãy núi thấp và trao đổi nước với biển thông qua các cửa rất hẹp.

Đặc sắc văn hóa biển, đảo

Vị trí biển Bình Định và cảng Quy Nhơn không những có nhiều nét văn hóa hấp dẫn cần được nghiên cứu, gìn giữ, phát huy mà hiện nay đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng trọng điểm kinh tế miền Trung. Dọc bờ biển Bình Định tồn tại các cửa biển: Tam Quan, An Dũ, Hà Ra, Đề Gi và cửa Quy Nhơn. Hiện tại ngoại trừ cửa Quy Nhơn và cửa Tam Quan khá ổn định, còn các cửa An Dũ, Hà Ra, Đề Gi luôn có sự bồi lấp và biến động phần nào gây nên khó khăn cho các hoạt động của tàu thuyền cũng như đời sống của nhân dân quanh khu vực. Bởi vậy, mỗi vùng đều có những nét rất riêng về văn hóa và địa hình.

Với đường biển kéo dài hơn trăm cây số đã làm cho vùng đất Bình Định không chỉ phong phú về địa hình mà còn tạo nên nhiều nét văn hóa biển đặc sắc, nhiều làng nghề đánh bắt hải sản xa bờ, nhộn nhịp những buổi chiều thuyền về đầy cá trong khoang. Đó còn là cơ sở nguồn cội cho tín ngưỡng văn hoá biển ra đời, phản ánh đời sống tinh thần của ngư dân.

“Hàng trăm năm trước, những cư dân đầu tiên đã đến làng chài Nhơn Lý lập làng và sinh sống bằng nghề biển giã. Giờ đây, dấu ấn để lại rõ nét nhất về một làng chài cổ đó là Lăng Ông Nam Hải, với tục thờ cá Ông và Lễ hội Cầu mưa. Hiện lăng còn lưu giữ một số hiện vật quý như hàng chục xương cốt cá voi, hoành phi, câu đối, chân đèn, trống... Đặc biệt là 6 sắc phong triều Nguyễn có niên hiệu thuộc các thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định, phong tước hiệu và cho phép thờ thần Nam Hải”, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý cho hay.

Văn hóa biển, đảo “miền đất Võ” - Bài 1: Tiềm năng phát triển du lịch bền vững - Anh 3

Biển Kỳ Co luôn hấp dẫn du khách

Nói về văn hóa của biển, đảo trong đời sống ngư dân, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định chia sẻ: Để ngư yên tâm dân vươn khơi bám biển ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, Nhà Giàn DK1… những năm qua, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí mua sắm, lắp đặt trang thiết bị giám sát hành trình cho 2.494 tàu cá, với trên 25 tỉ đồng cho ngư dân trên địa bản tỉnh. Nhờ tiếp sức, bà con đã mạnh dạn đóng mới, cải hoán, thay máy nâng công suất để tham gia khai thác vùng biển xa, giảm tàu thuyền khai thác ven bờ và đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong khai thác cũng như bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất đánh bắt, nâng cao giá thành sản phẩm, khắc phục tháo gỡ “thẻ vàng”… đặc biệt hơn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Từ xưa đến nay, các vùng ven biển, đảo ở Bình Định là nơi sinh cơ lập nghiệp của bao thế hệ cha ông, đặc biệt là nơi gìn giữ và phát huy nhiều di sản văn hóa quý báu, nhiều di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Người dân miền biển chân chất, rắn rỏi và chưa bao giờ khuất phục trước thiên nhiên.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Tại Bình Định, gắn liền với những bãi biển dài đầy cát và nắng gió là những làng quê mộc mạc, làng nghề đánh bắt thủy hải sản, làng nghề truyền thống với những tập quán, lễ hội, văn hóa tốt đẹp, tín ngưỡng dân gian phong phú và đa dạng mang đậm nét văn hóa miền biển, đảo. Đó là những lễ hội cầu ngư, múa hát bả trạo, nghi lễ hát án; các loại hình dân ca, dân vũ, hò vè, trò chơi dân gian, hội đua thuyền, hội hè truyền thống… còn được lưu giữ mãi cho đến hôm nay. Những hoạt động văn hóa đặc trưng này phản ánh đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của ngư dân, gắn liền với chu kỳ đánh bắt hải sản và chu kỳ các tiết lễ diễn ra trong năm. Hơn hết thể hiện sự trân trọng của ngư dân đối với thiên nhiên, thể hiện ý chí và nghị lực của người dân miền biển trong lao động và chinh phục biển cả.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc