Di sản nghề làm nước mắm Nam Ô:
Vẫn chưa được công nhận làng nghề
VHO - Ông Nguyễn Hà Bắc, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết, địa phương đã có kế hoạch triển khai để sớm hoàn thiện các thủ tục, quy hoạch chứng nhận làng nghề nước mắm Nam Ô tại địa bàn trong năm 2025.
Đây là vấn đề vừa được dư luận đặt ra trong dịp cuối năm, chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ, xuất phát từ những tâm tư, nguyện vọng của người dân làng Nam Ô (Đà Nẵng) sau gần 6 năm, làng nghề làm nước mắm tại đây được công nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Vì sao Nam Ô vẫn chưa được công nhận là “làng nghề”?
Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Hà Bắc lý giải, đã có những ý kiến, ghi nhận về hoạt động làng nghề làm nước mắm Nam Ô trong thời gian qua, với góc nhìn yêu cầu cần sớm có chứng nhận làng nghề này trong quy hoạch đầu tư phát triển kinh tế xã hội địa phương, tạo điều kiện cho người dân trong làng phát huy những giá trị kinh tế sản xuất từ làng nghề.
Tuy nhiên, do sự tiếp cận không đầy đủ, dư luận đang có những đánh giá chủ quan, không đúng với quy trình quản lý và cấp chứng nhận làng nghề.
Một cách logic, nhiều người cho rằng, để hoàn thiện hồ sơ được công nhận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, làng nghề phải được công nhận trước đó. Nhưng thực chất, việc định vị, quy hoạch làng nghề lại phải đảm bảo những yêu cầu quản lý, thẩm định và tổ chức đầy đủ điều kiện, mới có thể được cấp chứng nhận chính thức là làng nghề.
Trên thực tế, ngày 27.8.2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ra Quyết định số 2974 công nhận Nghề truyền thống làm nước mắm Nam Ô vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là kết quả của hơn 2 năm vận động, triển khai hồ sơ đăng ký di sản mà địa phương đã thực hiện, dựa trên lịch sử phát triển nghề làm nước mắm tại làng Nam Ô trong nhiều năm qua.
Lịch sử hình thành làng này đã gắn liền với nghề chài lưới và làm nước mắm suốt mấy trăm năm và những đặc điểm sản phẩm đặc thù, nghề làm nước mắm đặc trưng ở vùng đất này đã hội đủ điều kiện để ngành Văn hóa công nhận giá trị Di sản văn hóa phi vật thể.
Sau khi được chứng nhận là di sản văn hóa, làng nghề làm nước mắm Nam Ô mới được địa phương (quận Liên Chiểu) đưa vào danh mục làng nghề cần được đầu tư bảo tồn phát triển tại địa bàn. Theo đó, các cơ quan, ban ngành chức năng đã lên kế hoạch triển khai các thủ tục, yêu cầu đầu tư để xác nhận quy hoạch làng nghề.
Những tiêu chí cơ bản định vị làng nghề này, bao gồm việc định danh sản phẩm đặc trưng, phải có văn bằng bảo hộ, chỉ dẫn địa lý Nam Ô cho sản phẩm nước mắm tại làng nghề, cùng các chỉ số điều tra, đánh giá sản lượng, chất lượng sản phẩm, quy mô sản xuất… tại làng nghề và tiến đến hoàn chỉnh các khu vực quy hoạch về làng nghề, như khu sản xuất tập trung, khu trình diễn giới thiệu sản phẩm…
Ông Nguyễn Hà Bắc chia sẻ, việc triển khai này không hề đơn giản và mất khá nhiều thời gian, căn bản phải có sự đồng thuận hợp tác của cộng đồng cư dân địa phương, thực tế hoạt động của các hộ kinh doanh, sản xuất nước mắm nhãn hiệu Nam Ô trong làng nghề… Mặc dù điều tra sơ bộ cho thấy có gần 90 hộ dân ở trong làng tham gia kinh doanh nước mắm, nhưng số hộ sản xuất đúng các quy trình, tiêu chuẩn thực tế khoảng 52 hộ và các quy trình sản xuất cũng có sự điều chỉnh khác nhau.
Do đó, đến tháng 6.2024, Đà Nẵng mới hoàn chỉnh và được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Nam Ô" cho sản phẩm nước mắm Nam Ô. Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết đã mất 2 năm hoàn thiện quy trình đăng ký quyền bảo hộ chỉ dẫn địa lý này cho làng nghề.
Như vậy, rõ ràng sau hồ sơ chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể, sản phẩm làng nghề nước mắm Nam Ô phải trải qua những vận động chứng minh đầu tư, quy hoạch đảm bảo mới đạt đến chứng nhận làng nghề truyền thống.
Còn nhiều việc phải làm!
Trả lời những thắc mắc từ dư luận về tiến độ cấp chứng nhận làng nghề nước mắm Nam Ô, ông Nguyễn Hà Bắc khẳng định, vẫn còn nhiều việc cần triển khai cho xác định quy hoạch và tổ chức sản xuất ở làng nghề.
Trước hết, làng nghề hiện phải thống kê chính xác số hộ làm nghề. Chính quyền địa phương và các cấp quản lý đang thực hiện việc này. Với những cơ sở thống kê, điều tra thực tiễn, căn cứ vào những hộ sản xuất có nguồn gốc qua nhiều thế hệ, chứ không đơn giản thống kê qua số hộ khẩu làng nghề và theo báo cáo của các hội làm nghề tại địa phương.
Thứ hai, làng nghề hiện cũng chưa có quỹ đất để tổ chức sản xuất tập trung, chưa có khu trình diễn, giới thiệu tinh hoa nghề làm nước mắm. Người dân trong làng chủ yếu đều tổ chức sản xuất trong khuôn viên chật hẹp của gia đình mình, không đảm bảo được các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sản xuất chế biến…
Ông Nguyễn Hà Bắc cho biết, qua nhiều lần họp bàn, địa phương có kế hoạch chọn địa điểm sản xuất tập trung nước mắm Nam Ô ở cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam và một số vị trí quy hoạch cụm công nghiệp khác, để đảm bảo môi trường cách ly và diện tích sản xuất cho sản lượng lớn…
Khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề đã chọn ngay sát khuôn viên làng nghề, giáp tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Địa điểm làm khu trình diễn tinh hoa làng nghề, phối hợp các hoạt động du lịch… cũng đã chọn vị trí quy hoạch trường Tiểu học Triệu Thị Trinh trong khuôn viên làng Nam Ô, chuyển trường này sang vị trí mới đảm bảo rộng rãi và khang trang hơn.
“Chúng tôi đang tích cực xúc tiến những phần việc quy hoạch, bố trí đầu tư này và nhất là tiến hành tham khảo, lấy ý kiến đồng thuận, hợp tác của người dân Nam Ô, nhằm sớm hoàn thành các tiêu chí, yêu cầu phải đạt được của công tác quy hoạch làng nghề. Tin tưởng trong năm 2025 này, các bước tiến hành sẽ thuận lợi, và làng nước mắm Nam Ô sẽ sớm nhận chứng nhận làng nghề truyền thống, qua đó thực sự tạo cơ hội tốt cho người dân sản xuất, cùng vinh danh thương hiệu làng nghề”, ông Nguyễn Hà Bắc nhấn mạnh.