Triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: Toàn ngành phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa

VHO- “Những tháng qua có thể nói là quãng thời gian rất nặng nề đối với ngành VHTTDL nói riêng và cả nước nói chung do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực cao nhất, toàn ngành đã vượt qua giai đoạn thử thách ban đầu. Và với diễn biến khó lường của đại dịch hiện nay, khó khăn chắc sẽ còn dài, chưa biết khi nào mới chấm dứt”.

Triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: Toàn ngành phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa - Anh 1

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020, diễn ra chiều qua 28.7, tại Hà Nội. Dự Hội nghị còn có sự tham gia của các Ban, ngành Trung ương…

Lĩnh vực nào cũng hứng chịu hậu quả của đại dịch

Có lẽ, khó có ngành nào chịu ảnh hưởng nặng nề và rõ rệt như ngành VHTTDL. Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, gần như các lễ hội không thể diễn ra, số lượng khách tham quan đến bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cảnh trên cả nước rất “nhỏ giọt” gây thất thu lớn cho ngân sách các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng người dân.

Hệ thống các rạp chiếu phim trong cả nước buộc phải tạm ngừng hoạt động một thời gian dài để phòng chống dịch, giờ mới có khách trở lại nhưng vẫn rất khó khăn vì nguồn phim chiếu đều từ nước ngoài, và hiện cũng đang khan hiếm. Trung tâm Chiếu phim quốc gia trong 6 tháng đầu năm, dù đã rất cố gắng, nghĩ ra đủ “chiêu” để kéo khách đến rạp nhưng cũng vẫn lỗ 9 tỉ đồng. Các nhà hát tạm đóng cửa, giới văn nghệ sĩ “thất nghiệp”, không có nguồn thu… Thư viện quốc gia thưa vắng người. Bên cạnh đó, việc sáp nhập các đơn vị nghệ thuật truyền thống ở địa phương và hợp nhất các đơn vị nghệ thuật chuyển sang hình thức ngoài công lập vào Trung tâm văn hóa thành một đầu mối đã phát sinh những bất cập, khiến nhiều địa phương lúng túng trong định hướng hoạt động.

Triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: Toàn ngành phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa - Anh 2

 Toàn cảnh Hội nghị

Khối các trường thuộc Bộ VHTTDL xuất hiện tình trạng HSSV xin nghỉ nhiều. Riêng trường Đại học Văn hoá Hà Nội có tới 750 SV không đăng ký học học kỳ 2 năm học 2019- 2020. Cũng do dịch bệnh, các ngành liên tục thay đổi đề án tuyển sinh. Các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế chỉ diễn ra trong nước và qua online.

Các hoạt động thể dục thể thao cũng ít được tổ chức, nếu có thì phải giảm số lượng, quy mô, lùi hoặc hoãn tổ chức các giải tập thể ở cấp độ quốc gia. Việc hoãn tập huấn và tham dự các giải thể thao quốc tế, đặc biệt là các cuộc thi vòng loại Olympic, Paralympic đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu vượt qua vòng loại, giành suất tham dự Đại hội của các vận động viên Việt Nam. Các giải thể thao trong nước và quốc tế lùi hoặc hoãn cũng làm thay đổi kế hoạch huấn luyện của các vận động viên thể thao quốc gia và địa phương.

Nhưng, trong tất cả thì lĩnh vực du lịch vẫn là ngành phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nói: “Chỉ trong quý I, 95% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế dừng hoạt động, số doanh nghiệp xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế giảm 48% so với cùng kỳ, công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 3 và tháng 4, các khách sạn và cơ sở lưu trú cơ bản dừng hoạt động”. Mới đây, sau Chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ VHTTDL phát động, hoạt động du lịch đã khởi động trở lại. Trong tháng 6, nhiều địa phương đã ghi nhận lượng khách nội địa tăng mạnh từ 1,5 - 3 lần so với tháng 5. Nhưng niềm vui đó lại diễn ra quá ngắn, hoạt động du lịch nội địa vừa bước vào giai đoạn phục hồi đã xuất hiện những trường hợp lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng ở Đà Nẵng, một trong những trung tâm du lịch của cả nước. Một lần nữa, ngành Du lịch lại rơi vào khủng hoảng, khách huỷ tour hàng loạt, doanh nghiệp chạy đôn chạy đáo lo đền bù...

“Những ngày qua, Tổng cục Du lịch liên tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng và một số địa phương khác, giữ liên lạc thường xuyên với Sở Du lịch Đà Nẵng để nắm bắt tình hình, cập nhật thông tin và định hướng cho Sở xử lý các vấn đề phát sinh. Hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn cho du khách và đảm bảo quyền lợi của khách du lịch, doanh nghiệp trong hoàn, huỷ dịch vụ, di chuyển khách khỏi vùng dịch... Những chỉ đạo tiếp theo phải tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện tại các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 tới các địa phương và doanh nghiệp vẫn còn hiệu lực triển khai, đề nghị các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện. Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu cho Bộ ban hành văn bản/hướng dẫn khi phát sinh các tình huống mới”, ông Khánh nói

Triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2020, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: Toàn ngành phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa - Anh 3

 Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng cục theo dõi sát diễn biến của dịch để hướng dẫn các địa phương xử lý những vấn đề phát sinh

Thay đổi để phù hợp với tình hình mới

Vốn dĩ văn hoá là hoạt động “mặt tiền” của xã hội. Văn hoá, lễ hội, du lịch phải đông, phải vui nhưng lúc này, để phòng chống dịch, không thể đông vui được, hoạt động văn hoá có khi lại thay đổi, theo nhóm nhỏ, cùng sở thích và đi vào chiều sâu. Vì thế, hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực này hoặc những hoạt động văn hoá nghệ thuật, dịch vụ du lịch, hoạt động thể thao cũng phải có những thay đổi sao cho phù hợp với tình hình mới, mà cụ thể ở đây là diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 ở thế giới, khu vực và nước ta.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn “chồng chất” của ngành VHTTDL trong thời gian qua, đồng thời cũng thể hiện sự cảm phục trước những kết quả mà trước đó ngành đã đạt được. Ông Nhựt đề nghị Bộ VHTTDL tập trung triển khai Kết luận số 76/KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời quan tâm đầu tư, xây dựng những chương trình văn hoá nghệ thuật đặc sắc chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong đó, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật phải phản ánh được thành tựu đổi mới của đất nước ta 35 năm qua. Ngoài ra, đề nghị Bộ quan tâm hơn nữa đến các Hội văn học nghệ thuật ở Trung ương và địa phương.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và toàn ngành tập trung cao độ để hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra bởi chặng đường phía trước có quá nhiều nguy cơ, dịch bệnh diễn biến rất khó lường. “Lúc này chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, cần bám sát diễn biến, tình hình của dịch để có những giải pháp phù hợp, tiếp tục Chương trình kích cầu du lịch nội địa, du lịch an toàn; chuẩn bị các phương án tối ưu khi du lịch quốc tế mở cửa. Các lĩnh vực khác như bảo tàng, nhà hát, điện ảnh, mỹ thuật, triển lãm, thư viện, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn... tiếp tục khắc phục khó khăn để hoạt động trở lại. Khó khăn và thử thách còn rất lớn, vì thế đòi hỏi toàn ngành cần phải nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa với tinh thần cao nhất”, Bộ trưởng kết luận. 

 Lúc này chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, cần bám sát diễn biến, tình hình của dịch để có những giải pháp phù hợp, tiếp tục Chương trình kích cầu du lịch nội địa, du lịch an toàn; chuẩn bị các phương án tối ưu khi du lịch quốc tế mở cửa. Các lĩnh vực khác như bảo tàng, nhà hát, điện ảnh, mỹ thuật, triển lãm, thư viện, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn... tiếp tục khắc phục khó khăn để hoạt động trở lại. Khó khăn và thử thách còn rất lớn, vì thế đòi hỏi toàn ngành cần phải nỗ lực, phấn đấu hơn nữa với tinh thần cao nhất.

(Bộ trưởng NGUYỄN NGỌC THIỆN)

Những nhiệm vụ trọng tâm của ngành VHTTDL 6 tháng cuối năm 2020

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/ NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp điều hành phát triển kinh tế-xã hội năm 2020. Phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu Chương trình hành động của ngành VHTTDL...

- Quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong các lĩnh vực hoạt động của ngành. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các nhiệm vụ trong Chương trình xây dựng văn bản, đề án của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020.

- Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa cơ sở, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.

- Tổ chức tốt các Ngày hội, hoạt động giao lưu văn hóa các dân tộc, vùng đồng bào dân tộc. Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Tổ chức tốt các chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, hiệu quả phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước và phục vụ nhân dân; tổ chức thành công các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp năm 2020. Tổ chức tốt các tuần phim, đợt phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước.

- Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới”. Lập Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

-Tổng kết Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020. Triển khai Đề án tổng thể chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Tiếp tục thúc đẩy phát triển thể dục, thể thao rộng khắp cả nước gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

- Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và định hướng đến năm 2021. Tổ chức Hội nghị du lịch toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 THUÝ HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc