TP.HCM trao Bằng xếp hạng cho 5 di tích kiến trúc-nghệ thuật
VHO - Ngày 22.11, tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Sở VHTT TP.HCM và Hội Di sản văn hóa tổ chức Lễ công bố quyết định và trao Bằng xếp hạng di tích cấp Thành phố đối với 5 di tích kiến trúc-nghệ thuật, nâng tổng số di tích được xếp hạng trên địa bàn TP.HCM là 193 công trình.
Sự kiện được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11.2005-23.11.2024).
Theo đó, UBND TP.HCM đã có quyết định xếp hạng di tích cấp Thành phố đối với 5 di tích: Chợ Bến Thành, Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trụ sở UBND quận 1, trụ sở Cục hải quan, Mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty.
Di tích kiến trúc nghệ thuật chợ Bến Thành (đường Lê Lợi, phường Bến Thành, Quận 1) là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912. Ban đầu, chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, nơi có một bến sông để quân lính và người dân ra vào thành Gia Định (Quy Thành, thành Bát Quái), vì thế nên gọi là chợ Bến Thành.
Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp cho xây lại Chợ Bến Thành mới tại vị trí ngày nay trong khoảng thời gian 1912-1914, cửa Nam có gắn chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng. Phía trước cửa chính (cửa Nam) là Bùng binh Chợ Bến Thành, còn gọi là Công trường Diên Hồng, Quảng trường Quách Thị Trang…
Tính đến nay, công trình chợ Bến Thành đã được xây dựng và phát triển hơn 110 năm. Hiện nay, chợ vẫn đang phát huy vai trò của một chợ trung tâm quan trọng của TP.HCM, là một trong những biểu tượng tiêu biểu, đặc trưng của Sài Gòn-TP.HCM.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (số 36, đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, Quận 1) được xây dựng năm 1932, là một trong những điểm tín ngưỡng linh thiêng của TP. Đến năm 1957 đền được xây dựng quy mô hơn, sau đó còn được tu bổ nhiều lần.
Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương và những vùng xung quanh nhằm bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và các bậc tiền nhân của đất nước. Nơi đây lưu giữ và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Trụ sở UBND Quận 1 (Số 45 -47, đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé) được xây dựng cách đây gần 140 năm. Tòa nhà được xây dựng vào năm 1876, là một trong số ít công trình xây dựng từ rất sớm, hiện còn tồn tại ở trung tâm TP HCM.
Công trình Trụ sở UBND Quận 1 kết hợp hài hòa với không gian khu vực Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, trục đường Lê Duẩn, Công viên 30/4 trở thành điểm nhấn của cảnh quan kiến trúc Sài Gòn - TP.HCM.
Ngoài ra, trong đợt xếp hạng này còn có Trụ sở Cục hải quan TP.HCM (số 2 đường Hàm Nghi và số 21, đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1) và Di tích kiến trúc nghệ thuật Mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty, Thừa vụ lang họ Trần (hẻm 113, đường Trần Văn Đang, Phường 11, Quận 3).
Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Trần Thế Thuận cho biết: Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, Sở VHTT chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Thành phố tăng cường công tác kiểm kê, lập danh mục kiểm kê đối với các công trình, địa điểm có giá trị lịch sử - văn hóa.
Tính đến thời điểm này, trên địa bàn Thành phố có 193 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng (bao gồm 5 di tích vừa được công bố quyết định xếp hạng), trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 133 di tích cấp Thành phố.
Trong giai đoạn 2020-2024, có 16 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó Trụ sở UBND Thành phố và Đình thần Linh Đông là di tích cấp quốc gia. Ngoài ra, Thành phố có hơn 130 công trình, địa điểm thuộc danh mục kiểm kê di tích lịch sử-văn hóa, tăng 30 công trình so với trước giai đoạn trước đó.
“Sau Lễ Công bố quyết định hôm nay, tôi đề nghị các công trình, địa điểm vừa được xếp hạng di tích triển khai việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiếp tục tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị và Nhân dân tại địa phương ý nghĩa của việc được xếp hạng, nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch nhằm quảng bá, giới thiệu và đề công chúng được tham quan”, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM nhấn mạnh.